Lo ngại cầu yếu, doanh nghiệp không dám vay mở rộng sản xuất dù lãi suất giảm

Anh Đào 08:19 | 25/05/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trong bối cảnh cầu yếu, có câu hỏi đặt ra rằng "dù lãi suất giảm, doanh nghiệp sẽ vay để làm gì khi cầu không có".

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cuối ngày 23/5 thông báo giảm trần lãi suất tiền gửi dưới 6 tháng xuống 5% một năm, ngoài ra điều chỉnh một số loại lãi suất điều hành. Quyết định giảm lãi suất có hiệu lực từ ngày 25/5.

Với đợt điều chỉnh mới nhất này, NHNN đã có lần thứ 3 giảm các mức lãi suất điều hành liên tiếp tính từ đầu năm nay.

 

Vốn và thị trường - hai vấn đề lớn với doanh nghiệp 

Quyết định giảm lãi suất của cơ quan điều hành được đưa ra trong bối cảnh kinh tế, hoạt động của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết diễn biến tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm 2023 bộc lộ những khó khăn, thách thức tiếp diễn từ quý IV/2022, gây áp lực lớn trong điều hành kinh tế vĩ mô và khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm 2023.

Tăng trưởng GDP quý I/2023 rất thấp, các trung tâm sản xuất công nghiệp và xuất khẩu chính của cả nước đã có mức sụt giảm hoặc tăng không đáng kể cho thấy việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm là vô cùng khó khăn. Tổng cầu yếu đã ảnh hưởng trực tiếp lên tổng cung của nền kinh tế. Một số động lực chính của tăng trưởng như xuất khẩu, đầu tư trực tiếp nước ngoài, sản xuất công nghiệp đều ghi nhận mức giảm.

Ngoài ra, những khó khăn trên thị trường tài chính, trái phiếu doanh nghiệp khiến doanh nghiệp khó tiếp cận và hầu như không huy động được vốn.

Trong báo cáo vừa gửi Quốc hội, Chính phủ đánh giá "doanh nghiệp thiếu vốn, trong khi đối mặt với chi phí lãi vay cao, việc tiếp cận vốn vay từ hệ thống các tổ chức tín dụng, thị trường vốn khó khăn. Điều này đã và đang làm gia tăng thêm áp lực đối với doanh nghiệp để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh".

Tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 4/5/2023 chỉ tăng 2,78% cho thấy tình hình sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp, nền kinh tế tiếp tục khó khăn. Mặt bằng lãi suất cho vay có xu hướng giảm nhưng vẫn ở mức cao; lãi suất cho vay bình quân VNĐ phát sinh mới của các ngân hàng thương mại vẫn ở khoảng 9,3%/năm.

Theo Chính phủ, áp lực về vốn trong những tháng đầu năm, cả năm và năm 2024 rất lớn. Xuất hiện tình trạng một số doanh nghiệp lớn hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực phải bán tài sản với giá trị thấp, bị mua lại hoặc sáp nhập để giảm bớt khó khăn về dòng tiền, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh những khó khăn trên, doanh nghiệp phải đối mặt với thách thức lớn hơn khi nhu cầu bên ngoài sụt giảm mạnh.

Theo Tổng cục Hải quan, 4 tháng năm 2023, xuất khẩu sang các thị trường lớn đều tăng trưởng âm. Cụ thể, xuất khẩu sang Mỹ - thị trường lớn nhất giảm 21,6%, sang Trung Quốc giảm 12,9%, sang châu Âu giảm 8,9%, ASEAN giảm 3,6%.

Xuất khẩu các mặt hàng chủ lực cũng ghi nhận mức sụt giảm mạnh lần đầu tiên trong nhiều năm. Gỗ và các sản phẩm từ gỗ ghi nhận mức giảm sâu nhất (-30,6%), tiếp đến là hàng thủy sản (-29,3%), hàng dệt may (-18,1%), giày dép (-15,5%).

 

 

 

Nói riêng về mặt hàng đệt may, tại Diễn đàn Toàn cảnh Ngân hàng 2023 tổ chức mới đây, ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) nói về điều chưa từng xảy ra với ngành dệt may.

Theo ông Cẩm, tình hình kinh tế ảm đạm đang tác động rất lớn đến nhu cầu tiêu dùng của người dân và lượng đơn hàng của doanh nghiệp. Từ cuối quý III/2022 đến nay, ngành dệt may đã bắt đầu ngấm đòn của lạm phát và suy thoái kinh tế toàn cầu, cả đơn hàng và đơn giá đều giảm tới 20-30%, cá biệt một số mặt hàng giá giảm tới 40-50%.

Ông dự báo sự sụt giảm về đơn hàng, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may có thể kéo dài sang quý III và ít nhất sang quý IV mới dần phục hồi.

Về phía doanh nghiệp, ông Bạch Thăng Long, Phó Tổng giám đốc Thường trực Tổng công ty May 10 cho biết tại thời điểm hiện tại, doanh nghiệp không có quyền lựa chọn.

"Tất cả những sản phẩm có thể vận hành trong máy may doanh nghiệp đều nhận, không phân biệt hàng cao cấp hay thấp cấp. Không riêng May 10, các doanh nghiệp dệt may khác cũng vậy. Điều quan trọng lúc này là duy trì sản xuất và giữ chân lao động, chờ thị trường phục hồi", ông nói.

Doanh nghiệp lo về đầu ra hơn là lãi suất cao hay thấp

Việc NHNN giảm lãi suất điều hành lần thứ ba kể từ đầu năm cho thấy nỗ lực lớn từ phía nhà điều hành khi phải đảm bảo cùng lúc nhiều mục tiêu như vừa giảm lãi suất, vừa phải ổn định tỷ giá, nhưng đồng thời cũng phải đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng..

Việc hạ lãi suất điều hành cũng là tín hiệu định hướng các nhà băng giảm lãi suất cho vay. từ đó giúp doanh nghiệp giảm áp lực chi phí vốn, có thêm cơ hội để vượt qua khó khăn.

Ở một góc nhìn khác, trong bối cảnh cầu yếu, có câu hỏi đặt ra rằng "dù lãi suất giảm, doanh nghiệp sẽ vay để làm gì khi cầu không có".

Vấn đề này cũng từng được ông Nguyễn Ngọc Hoà, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM (HUBA) đề cập đến khi trao đổi với báo chí bên lề Diễn đàn Kinh tế TP HCM tổ chức hồi đầu tháng 5.

Theo ông, tình hình kinh tế đang thay đổi quá nhanh. Doanh nghiệp không xuất hàng được, cầu cả trong và ngoài nước đều bị thu hẹp.

"Cuối năm ngoái, đầu năm nay, doanh nghiệp còn liên tục kêu khó tiếp cận vốn vay, giờ thì ngược lại, tiếp cận vốn không khó nhưng doanh nghiệp không biết nên làm gì cho hiệu quả. Họ chưa có nhu cầu vay tiền. Ở chiều ngược lại, ngân hàng cũng rất cần bơm vốn ra nền kinh tế, nếu ôm tiền nhiều sẽ mắc kẹt. Ngân hàng buộc phải hạ lãi suất xuống nữa", đại diện HUBA cho biết.

Nói riêng về doanh nghiệp tại TP HCM, ông cho hay khoảng 50% doanh nghiệp trên địa bàn đang gặp khó khăn. Họ thu hẹp sản xuất, hoạt động cầm chừng.

 

Về phía chuyên gia, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh lại cho rằng doanh nghiệp sẽ vay miễn là lãi suất đủ rẻ để họ kinh doanh có lãi.

Ngoài ra cần nhớ rằng chính sách luôn có độ trễ, lãi suất cho vay hiện tại cao một phần là do ngân hàng đã huy động một lượng vốn có chi phí cao từ khoảng nửa cuối năm ngoái. Khi chi phí vốn huy động dần rẻ thì lãi suất cho vay cũng sẽ hạ dần, hỗ trợ tích cực hơn cho người dân và doanh nghiệp.

Đề cập đến khó khăn về thị trường xuất khẩu, trao đổi bên hành lang Quốc hội ngày 23/5,  PGS Trần Hoàng Ngân - Thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng, Thư ký Bí thư Thành ủy TP HCM cho biết với doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu, thị trường nước ngoài đang rất bấp bênh khi kinh tế thế giới trên đà suy giảm, các doanh nghiệp cần tính đến thị trường trong nước với 100 triệu dân.

Trên thế giới, những quốc gia có dân số từ vài chục triệu người đến trên 100 triệu dân, thường phải kiểm soát độ mở kinh tế một cách vừa phải. Trong khi đó, Việt Nam có dân số khoảng 100 triệu dân, nhưng độ mở của nền kinh tế lên tới 200%, gấp đôi GDP. Ông đánh giá đây là một yếu tố nguy hiểm và rủi ro.

Ông cho rằng thế giới bên ngoài có nhiều yếu tố bất định. Độ mở lớn sẽ khiến chúng ta phải chao đảo với biến động thế giới. Cần đặt ra bài toán nghiêm túc để kiểm soát độ mở nếu muốn xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân kiến nghị Chính phủ cần quan tâm đến gói hỗ trợ an sinh xã hội. Gói này vừa giúp giảm khó khăn cho những người lao động bị cắt giảm việc làm, hộ gia đình khó khăn, gia đình chính sách. Hơn nữa, gói sẽ giúp kích cầu, tăng tổng cầu cho nền kinh tế.

Hôm nay, tờ trình về tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) 2% sẽ được Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc thay mặt Chính phủ trình bày trước Quốc hội.

Cụ thể, Chính phủ đề nghị giảm 2% thuế VAT với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng thuế suất 10%, xuống còn 8% trong thời gian từ ngày 1/7 đến hết ngày 31/12 năm nay.

Đáng chú ý, điểm mới ở tờ trình này là Chính phủ quyết định không đề xuất giảm thuế VAT 2% với tất cả hàng hóa dịch vụ chịu thuế suất 10% như trước đó.

Cụ thể, việc giảm thuế này sẽ không áp dụng với nhóm hàng hóa như viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Đây cũng là chính sách đã thực hiện trong năm 2022 và đang được kỳ vọng thông qua nhằm kích thích tổng cầu trong nước, bù đắp phần nào sự sụt giảm nhu cầu bên ngoài.