Loạt doanh nghiệp sắp chốt quyền cổ tức tiền mặt, cao nhất 30%

Song Ngọc 09:04 | 11/09/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trong tuần từ 13/9 đến 19/9, trên thị trường chứng khoán Việt Nam có hơn 30 doanh nghiệp sẽ giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức bằng tiền mặt, bằng cổ phiếu và phát hành thêm cho cổ đông hiện hữu.

 

Một số doanh nghiệp đáng chú ý trong đợt này gồm: Tập đoàn Hoa Sen (Mã: HSG) ngày 30/8 đã ra thông báo về việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức  của niên độ tài chính 2020 – 2021 (từ 1/10/2020 đến 30/9/2021). Tỷ lệ chi trả là 20%, tức là nhà đầu tư nắm giữ 100 cổ phiếu sẽ được nhận 20 cổ phiếu mới.

Ngày giao dịch không hưởng quyền (GDKHQ) là 14/9. Nguồn vốn phát hành được lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế đến ngày 30/9/2021 theo báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán.

Hoa Sen hiện có hơn 498 triệu cổ phiếu đang lưu hành nên sẽ cần phát hành xấp xỉ 99,7 triệu đơn vị HSG. Sau khi trả cổ tức, vốn điều lệ của Hoa Sen sẽ tăng thêm gần 1.000 tỷ lên thành 5.981 tỷ đồng. Đây là lần tăng vốn thứ 4 của Hoa Sen kể từ đầu năm 2020.

Kết phiên gần đây nhất 9/9, giá cổ phiếu HSG dừng ở 21.500 đồng/cp, tương ứng với vốn hóa 10.715 tỷ đồng. Từ đầu năm 2022 đến nay, HSG đã giảm 42,5%.

 

  Giá cổ phiếu HSG giảm sâu so với đầu năm 2022 và hiện tương đương với đầu năm 2021. 

Trong 7 tháng đầu năm 2022, Hoa Sen tiêu thụ 782.000 tấn tôn mạ, dẫn đầu toàn thị trường với thị phần 29,3%. Tuy nhiên khi so với năm 2021, thị phần của Hoa Sen đã giảm đi đáng kể do để mất vào tay Nam Kim và Tôn Đông Á.

Trong 9 tháng đầu niên độ tài chính 2021 – 2022 (từ 1/10/2021 đến 30/6/2022), tập đoàn của Chủ tịch Lê Phước Vũ ghi nhận lãi sau thuế 1.138 tỷ đồng, giảm 66,3% so với cùng kỳ niên độ trước. Trái lại, doanh thu thuần tăng gần 27% lên 41.772 tỷ đồng. Biểu đồ bên dưới cho thấy biên lãi ròng của Hoa Sen trong quý vừa qua chỉ đạt 2,2%.

 

  Kết quả kinh doanh của Hoa Sen sa sút sau khi lập đỉnh vào quý III/niên độ 2021. 

Tổng Công ty Dược Việt Nam (Mã: DVN) dự định trả cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 7%, tức là nhà đầu tư nắm giữ một cổ phiếu sẽ được nhận 700 đồng. Với 237 triệu cổ phiếu đang lưu hành, Dược Việt Nam sẽ phải chi gần 166 tỷ đồng để thanh toán cho cổ đông.

Bộ Y tế hiện đang nắm giữ 65% số cổ phiếu DVN đang lưu hành nên sẽ được nhận khoảng 107,8 tỷ đồng trong đợt cổ tức tới.

CTCP Kim loại màu Thái Nguyên – Vimico (Mã: TMG) dự định trả cổ tức năm 2022 bằng tiền mặt tỷ lệ 25%, tương đương 2.500 đồng/cp. Ngày GDKHQ và ngày thanh toán lần lượt là 15/9 và 28/9.

CTCP Garmex Sài Gòn (Mã: GMC) có kế hoạch trả cổ tức đợt 2/2021 bằng tiền mặt 3.000 đồng/cp. Ngày GDKHQ và ngày thanh toán tương ứng là 14/9 và 29/9. Trong đợt 1/2021, Garmex Sài Gòn đã trả cho cổ đông 2.000 đồng/cp. Như vậy, tổng tỷ lệ cổ tức của năm 2021 là 50%.

Garmex Sài Gòn hiện có 33 triệu cổ phiếu GMC đang lưu hành nên sẽ cần chi 99 tỷ đồng trong đợt cổ tức sắp tới.

  Loạt doanh nghiệp sắp chốt quyền cổ tức trong tuần tới.