Loạt ngân hàng rục rịch chuyển sàn niêm yết cổ phiếu
Trong thời gian qua, các ngân hàng nhỏ bao gồm VietABank, VietBank, Kienlongbank, BVBank và Saigonbank đã công bố kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) giai đoạn 2025– 2026.
Mở đầu làn sóng chuyển sàn trong nửa cuối năm 2025 là Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank - Mã: VAB). Hơn 539,96 triệu cổ phiếu VAB sẽ chính thức được niêm yết và giao dịch trên HOSE từ ngày 22/7, với giá tham chiếu 14.250 đồng/cổ phiếu trong ngày đầu tiên và biên độ dao động 20%.
Trước đó, cổ phiếu VAB được giao dịch trên UPCOM từ tháng 7/2021 đến ngày 9/7/2025. Phiên chốt sổ cuối cùng ghi nhận mức giá 15.200 đồng/cổ phiếu – tăng hơn 60% so với đầu năm và cũng là mức cao nhất trong ba năm gần đây.
Việc chuyển sang niêm yết HOSE đánh dấu cột mốc mới trong quá trình phát triển của VietABank, đưa ngân hàng trở thành đơn vị thứ 21 có cổ phiếu niêm yết chính thức trên sàn.
Không dừng lại ở VietABank, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương tín (VietBank – mã: VBB) cũng đã chính thức “bật đèn xanh” cho kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên HOSE, với mốc hoàn tất dự kiến chậm nhất trong quý I/2026.
Chia sẻ đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2025 trước đó, đại diện lãnh đạo ngân hàng VietBank cho biết căn cứ vào kết quả hoạt động kinh doanh năm 2022, 2023 và phương án cơ cấu lại hoạt động gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025, VietBank đã đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định pháp luật về kết quả kinh doanh, hiệu quả hoạt động, các chỉ số tài chính và quản trị điều hành để thực hiện niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Tuy nhiên năm 2024, bối cảnh thị trường và môi trường kinh tế chưa thuận lợi. Thị trường chứng khoán đang chịu tác động từ lạm phát, chính sách lãi suất và diễn biến kinh tế vĩ mô thiếu ổn định, làm gia tăng rủi ro khi niêm yết.
Do đó, ngân hàng sẽ cân nhắc lựa chọn thời điểm phù hợp, có thể vào năm 2025 hoặc đầu năm 2026 nhằm đảm bảo định giá cổ phiếu tối ưu khi lên sàn.
Cập nhật về tiến độ niêm yết cổ phiếu KLB của Ngân hàng TMCP Kiên Long tại Sở Giao dịch Chứng khoán của ngân hàng, tại ĐHĐCĐ bất thường tổ chức sáng 15/7/2025, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trần Ngọc Minh ngay sau khi nội dung kế hoạch niêm yết cổ phiếu được thông qua tại phiên họp ĐHĐCĐ thường niên 2025, Kienlongbank đã khẩn khẩn trương làm việc với các công ty tư vấn, cơ quan Nhà nước có liên quan.
"Trong năm nay, chúng tôi dự kiến sẽ hoàn tất thủ tục niêm yết để cổ đông yên tâm. Cố gắng trong quý III và chậm nhất là đầu quý IV/2025", ông Minh cho hay.
Ngân hàng cho biết việc niêm yết thị trường chứng khoán đối với cổ phiếu Kienlongbank là điều cần thiết chứng minh ngân hàng ngày càng minh bạch trong hoạt động với vai trò là công ty đại chúng quy mô lớn, nâng cao năng lực hoạt động và khả năng cạnh tranh.
Tương tự, tại ĐHĐCĐ thường niên 2025, Ngân hàng TMCP Bản Việt (BVBank – Mã: BVB) cũng đã được cổ đông thông qua kế hoạch niêm yết cổ phiếu BVB trên HOSE trong năm nay. Trước đó, tại kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên 2024, cổ đông đã thông qua các nội dung liên quan đến việc chuyển giao dịch cổ phiếu BVB từ UPCoM sang niêm yết tại sàn HOSE. Tuy nhiên, BVBank cho biết, do bối cảnh thị trường không thuận lợi nên Ngân hàng vẫn chưa thực hiện các thủ tục liên quan đến việc chuyển sàn.
Năm 2025, dự báo tình hình kinh tế tiếp tục khó khăn, Hội đồng quản trị BVBank nhận định nền kinh tế sẽ sớm có triển vọng khởi sắc và phục hồi, tạo thuận lợi cho việc giao dịch cổ phiếu của cổ đông. Theo đó, Hội đồng quản trị BVBank tiếp tục trình ĐHĐCĐ niêm yết cổ phiếu BVB tại HOSE.
Một cái tên khác trong danh sách ứng viên chuyển sàn là Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank - Mã: SGB). Trước đó, chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, Chủ tịch HĐQT Vũ Quang Lãm cho biết các chỉ số tài chính của ngân hàng đã đủ điều kiện để chuyển sàn sang HOSE.
"Chúng tôi đã ký hợp đồng với Chứng khoán Vietcombank để được tư vấn chuyển sàn. Chúng tôi mong sẽ hoàn tất trong thời gian sớm nhất", ông chia sẻ tại đại hội thường niên 2024.
Tạo lợi thế huy động vốn

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta Việt Nam Yuanta Việt nam. (Ảnh: VNB).
Chia sẻ về làn sóng chuyển sàn của các ngân hàng, chuyên gia Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta Việt Nam, nhận định có hai lợi ích chính.
Điểm lợi đầu tiên là các ngân hàng sẽ dễ dàng huy động vốn tốt hơn. Ông giải thích, qua sàn HOSE, các quỹ đầu tư sẽ chú trọng hơn tới các cổ phiếu bên HOSE. Ngược lại, họ không quan tâm đến các cổ phiếu trên UPCoM. Thậm chí, một số quỹ đầu tư còn có quy định chỉ được phép đầu tư vào cổ phiếu giao dịch trên HOSE – Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM chứ không được đầu tư vào UPCoM.
Nguyên nhân là các cổ phiếu trên UPCoM thường tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn, bao gồm rủi ro về công bố thông tin, mức độ minh bạch và chất lượng báo cáo kiểm toán", vị chuyên gia cho hay.
Theo vị chuyên gia, một mặt là tác động tích cực đối với các ngân hàng sẽ huy động vốn. Mặt thứ hai là tạo điều kiện gián tiếp cho thị trường vốn được nâng hạng thị trường trong thời gian tới.
"Khi có sự đóng góp của các ngân hàng, quy mô vốn hóa của các ngân hàng tăng lên, điều này sẽ vô tình kéo vốn hóa của thị trường chứng khoán tăng lên và từ đó chúng ta giải quyết được câu chuyện nâng hạng thị trường", ông Minh cho hay.
Theo ông Minh, khi nâng hạng thị trường thành công, điều đó lại "backup" ngược lại cho các ngân hàng là sẽ dễ dàng tiếp cận nguồn vốn từ các quỹ có quy mô lớn hơn.
Khi huy động vốn từ thị trường vốn tốt (bao gồm cả việc phát hành trái phiếu hoặc phát hành cổ phiếu) sẽ giúp cải thiện tỷ lệ NIM của các ngân hàng, do sử dụng được nguồn vốn dài hạn để cho vay.
"Như vậy, chi phí vốn được tối ưu, NIM của các ngân hàng sẽ cải thiện hơn, thay vì như hiện nay chúng ta chỉ tập trung vào nguồn vốn tín dụng từ người dân rồi cho vay lại thì NIM cũng không cải thiện được bao nhiêu.
Cho nên, cách duy nhất là phát hành trái phiếu kỳ hạn dài hoặc phát hành cổ phiếu trên thị trường vốn. Đó là cách hiệu quả nhất để cải thiện NIM cho các ngân hàng trong dài hạn", ông Minh nhấn mạnh.
Trái phiếu thứ cấp vẫn là kênh bù đắp vốn quan trọng
Trong báo cáo ngành ngân hàng mới công bố, các chuyên gia VIS Ratings nhận định động thái chuyển sàn của các ngân hàng nhằm nâng cao khả năng tiếp cận nguồn vốn mới, đặc biệt từ nhà đầu tư nước ngoài, qua đó tăng cường bộ đệm hấp thụ rủi ro và hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao.
Theo VIS Ratings, mặc dù lợi ích dài hạn của việc niêm yết là rõ ràng, trong ngắn hạn, các ngân hàng vẫn sẽ tiếp tục dựa vào việc phát hành trái phiếu thứ cấp để đáp ứng nhu cầu vốn cấp thiết.
Cuối 2024, các ngân hàng này ghi nhận tỷ lệ vốn cấp 11 trung bình là 8,7%, thấp hơn đáng kể so với trung bình toàn ngành là 10,4%. Dù vậy, các ngân hàng này vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng từ 16%-20% trong năm 2025 – cao hơn tăng trưởng của toàn ngành.

(Nguồn: VIS Ratings)
Theo VIS Ratings, so với các ngân hàng khác, ngân hàng nhỏ đang đối mặt với áp lực vốn lớn nhất do khả năng sinh lời hạn chế, chất lượng tài sản thấp hơn và khó khăn trong việc huy động vốn chủ sở hữu. Tỷ suất sinh lời trên tài sản bình quân (ROAA) chỉ đạt 0,6% trong giai đoạn 2020–2024, so với mức trung bình ngành là 1,4%.
Nợ xấu từ cho vay mua nhà gia tăng trong năm 2024 đã ảnh hưởng đến chất lượng tài sản của các ngân hàng như Saigonbank, ABBank và Bac A Bank. Thêm vào đó, khả năng huy động vốn chủ sở hữu của nhóm này khá hạn chế bởi lợi nhuận thấp và chưa đủ hấp dẫn đối với nhà đầu tư.
Nếu không được bổ sung vốn mới, VIS Ratings đánh giá tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của các ngân hàng này sẽ giảm hơn 200 điểm cơ bản, kể cả khi đạt được các mục tiêu tăng trưởng tài sản và lợi nhuận vào cuối năm 2026.
Thực tế cho thấy quá trình huy động vốn cổ phần của các ngân hàng ở Việt Nam có thể kéo dài hơn hai năm Để đáp ứng nhu cầu vốn, các ngân hàng nhỏ sẽ tiếp tục phụ thuộc nhiều vào trái phiếu thứ cấp.
Thông tư 412 cho phép trái phiếu thứ cấp được tính vào vốn cấp 2, nhờ đó giúp các ngân hàng đạt được mức CAR 8% theo quy định mà không bị pha loãng vốn cổ phần.
Theo VIS Ratings đánh giá các ngân hàng nhỏ sẽ tăng cường phát hành trái phiếu thứ cấp (trái phiếu tăng vốn cấp 2) ra công chúng nhằm đáp ứng nhu cầu mạnh mẽ của nhà đầu tư cá nhân.

(Nguồn: VIS Ratings)
Tính đến cuối năm 2024, hầu hết trái phiếu thứ cấp của các ngân hàng nhỏ được nhà đầu tư cá nhân nắm giữ do lợi suất mà các trái phiếu này mang lại cao hơn so với tiền gửi ngân hàng và trái phiếu thường.
Báo cáo cho biết cho tới hiện tại, chưa có trường hợp trái phiếu ngân hàng nào bị chậm trả gốc/lãi, bao gồm cả trái phiếu thứ cấp. Tuy nhiên, rủi ro đầu tư vẫn còn hiện hữu. Trái phiếu thứ cấp có mức độ rủi ro khác biệt đáng kể so với các khoản nợ ưu tiên không có bảo đảm. Các công cụ này đủ điều kiện được tính vào vốn cấp 2 nhằm hấp thụ tổn thất trong các giai đoạn thị trường căng thẳng.
Theo Thông tư 41, nhà đầu tư trái phiếu thứ cấp của ngân hàng có thứ tự ưu tiên thanh toán thấp hơn các chủ nợ khác trong trường hợp phá sản ngân hàng.
Một đặc điểm nổi bật khác của trái phiếu thứ cấp là cơ chế tùy chọn ngừng trả lãi và lũy kế lãi chưa trả. Nếu việc thanh toán lãi trong năm dẫn kết quả kinh doanh trong năm tài chính bị lỗ, ngân hàng có thể hoãn việc chi trả lãi trái phiếu.
Mặc dù các khoản lãi được cộng dồn, nhưng thời điểm thanh toán không chắc chắn, làm phát sinh rủi ro dòng tiền cho nhà đầu tư. Đặc điểm này, kết hợp với điều khoản về thứ tự ưu tiên trả nợ thấp hơn, làm gia tăng rủi ro tín dụng cho nhà đầu tư trái phiếu.