VietBank (VBB): Nợ xấu quý I tăng mạnh 'song hành' cùng lợi nhuận

Diên Vỹ 15:58 | 26/04/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Kết thúc quý I/2023, VietBank báo thu nhập lãi thuần đạt 479 tỷ đồng, tăng 32% trong khi lãi ròng tăng 75% lên 68 tỷ đồng. Về chất lượng nợ vay, dư nợ xấu cũng tăng 14% lên 2.654 tỷ đồng, qua đó đưa tỷ lệ nợ xấu tăng vọt từ mức 3,65% lên 4,31%.

 

Lợi nhuận quý I của VietBank tăng 75%

Báo cáo tài chính quý I/2023 vừa công bố của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank  - mã: VBB) ghi nhận nguồn thu chính là thu nhập lãi thuần đạt 479 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2022. Theo VietBank, trong quý, ngân hàng tích cực thu hồi các khoản nợ đến hạn, nợ quá hạn, nợ xấu nên khoản mục thu nhập lãi thuần tăng đáng kể.

Góp thêm vào doanh thu chung, lãi từ hoạt động kinh doanh ngoại hối của VBB trong kỳ cũng tăng 73% lên 13 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại,  lãi thuần từ hoạt động dịch vụ giảm 13% chỉ còn gần 22 tỷ đồng so với 25 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái. Thu nhập từ mua bán chứng khoán đầu tư giảm mạnh 89% về hơn 6 tỷ đồng và thu nhập từ hoạt động khác giảm 39% xuống 25 tỷ đồng.

Trong khi đó, chi phí hoạt động tăng 7% lên 327 tỷ đồng do ngân hàng tăng quy mô tài sản. Bù lại, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm 72%, chỉ ghi nhận 21 tỷ đồng. VietBank lý giải chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm do trong kỳ, ngân hàng tích cực xử lý, thu hồi các khoản nợ xấu, nợ quá hạn.

Kết quả, kết thúc quý I/2023, VietBank báo lãi trước thuế tăng mạnh 74% lên 197 tỷ đồng và lãi ròng 158 tỷ đồng, tăng 75%. So với một số ngân hàng thương mại đã công bố BCTC quý I trước đó, mức tăng lợi nhuận này là khá tích cực trong bối cảnh hiện tại. Một số công ty chứng khoán trước đó cũng đưa ra dự báo rằng tăng trưởng lợi nhuận của ngành ngân hàng sẽ giảm, chỉ đạt khoảng 10% (VCBS), 10 - 11% (VNDirect) hoặc 16% (Yuanta Việt Nam), so với mức 32% của năm 2022, do tăng trưởng tín dụng chậm lại, NIM thu hẹp và chi phí tín dụng tăng. 

Năm nay, VietBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 960 tỷ đồng, tăng 46% so với mức thực hiện năm 2022. Như vậy, sau 3 tháng đầu năm, ngân hàng đã thực hiện được gần 21% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Nợ xấu tăng mạnh 14%, tỷ lệ nợ xấu lên 4,3%

Cũng theo kế hoạch kinh doanh được HĐQT VietBank đưa ra, năm nay, ngân hàng này kỳ vọng tổng tài sản đạt 125.000 tỷ đồng, tăng 12%, trong đó dư nợ thị trường 1 (gồm cả trái phiếu doanh nghiệp) đạt 75.600 tỷ đồng, tăng 11,9% so với năm 2022. Cùng đó, giữ tỷ lệ nợ xấu dự kiến dưới 2,5%.

Theo báo cáo tài chính quý I đã được công bố, tính đến hết 31/3/2022, tổng tài sản của VietBank giảm 4% so với đầu năm về mức 106.932 tỷ đồng. 

Trong đó, cho vay khách hàng giảm 3,3%, đạt 61.516 tỷ đồng. Xét theo ngành kinh tế, dư nợ cho vay lớn nhất của ngân hàng là cho vay các hoạt động làm thuê, sản xuất và dịch vụ tiêu dùng của hộ gia đình với trị giá 27.965 tỷ đồng, tương đương 45% tổng dư nợ, giảm 4,6% so với đầu năm. Xếp thứ hai là cho vay kinh doanh bất động sản với 13.439 tỷ đồng, tương đương 22% tổng dư nợ cho vay khách hàng và tăng 2,5% so với đầu năm.

Về chất lượng nợ vay, cũng theo báo cáo tài chính, trong kỳ, tổng nợ xấu (bao gồm nợ nhóm 3, nhóm 4 và nhóm 5) tăng 330 tỷ đồng, tương đương tăng hơn 14% so với đầu năm lên 2.654 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do mức tăng gần 67% của nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn). Kết quả, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng tính đến hết quý I tăng lên 4,3% từ mức 3,65% hồi đầu năm. Con số này cao hơn khá nhiều mức mục tiêu  giữ tỷ lệ nợ xấu dự kiến dưới 2,5% mà HĐQT VietBank đưa ra.

 Nguồn: Diên Vỹ tổng hợp từ BCTC

Trước đó, năm 2022, VietBank đặt kế hoạch dự kiến tỷ lệ nợ xấu cuối năm 2022 ở mức 2,5%. Tuy nhiên theo báo cáo tài chính quý IV/2022,  tỷ lệ nợ xấu của VietBank tính đến 31/12/2022 vẫn duy trì ở mức 3,65%, ngang bằng thời điểm cuối năm 2021. Trong đó, dư nợ xấu tính đến cuối năm ngoái đã tăng 26% lên 2.324 tỷ đồng, chủ yếu do nợ nhóm 5 (có khả năng mất vốn) tăng gần gấp đôi khi chiếm 1.814 tỷ đồng. Dù vậy, do nợ nhóm 3 và nhóm 4 đều giảm khoảng 45% và cho vay khách hàng trong năm tăng mạnh, nên cuối năm, tỷ lệ nợ xấu không tăng. 

Một khoản mục có biến động đáng chú ý khác trong cơ cấu tài sản của VietBank tính đến 31/3/2023 là khoản mục chứng khoán đầu tư. Tại thời điểm hết quý I, khoản mục này ghi nhận trị giá 18.629 tỷ đồng, giảm 21% so với đầu năm. Dự phòng giảm giá cho khoản mục này cũng giảm còn 5,4 tỷ đồng từ mức 29,3 tỷ đồng vào đầu năm.

Về phía nguồn vốn, tính đến hết quý I, tổng nghĩa vụ nợ phải trả của ngân hàng giảm nhẹ so với đầu năm xuống 100.511 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi khách hàng giảm 2,6% xuống 74.006 tỷ đồng.