VietBank (VBB): Dự phòng rủi ro tín dụng giảm mạnh
Nợ có khả năng mất vốn tăng gần gấp đôi, VietBank còn cách xa mục tiêu kiểm soát tỷ lệ nợ xấu
Cụ thể, tính đến cuối quý IV/2022, tổng tiền gửi khách hàng tại VietBank tăng khoảng 14% lên 75.988 tỷ đồng; trong đó chủ yếu là tiền gửi của hộ kinh doanh và cá nhân với 63.850 tỷ đồng.
Tương ứng với mức tăng của tiền gửi khách hàng, tổng dư nợ cho vay khách hàng của VietBank đến cuối quý IV cũng tăng gần 26% so với đầu năm, lên 63.633 tỷ đồng. Trong đó, nợ ngắn hạn chiếm hơn 50% với 32.308 tỷ đồng, còn lại là nợ trung và dài hạn.
Đáng chú ý, mặc dù nợ nghi ngờ và dưới tiêu chuẩn đều giảm mạnh, nợ có khả năng mất vốn của ngân hàng này lại tăng gần gấp đôi trong năm qua, lên mức gần 1.815 tỷ đồng. Kết quả, tổng nợ xấu của VietBank tăng hơn 25% lên 2.324 tỷ đồng.
Do tổng dư nợ cho vay khách hàng cũng tăng tương ứng nên tính đến cuối kỳ, tỷ lệ nợ xấu của VietBank vẫn duy trì ở mức 3,65% đi ngang so với mức cuối năm 2021. Tuy nhiên, con số này vẫn lớn hơn khá nhiều so với chỉ tiêu tỷ lệ nợ xấu dưới 2,5% vào cuối năm 2022 như đã đề ra tại kế hoạch kinh doanh hồi đầu năm.
Cũng theo báo cáo tài chính, VietBank đã dành ra 626 tỷ đồng để dự phòng rủi ro cho vay khách hàng, giảm mạnh so với con số 918 tỷ đồng vào cuối quý IV năm ngoái. Tương ứng tỷ lệ bao nợ xấu chỉ còn 27% từ mức 23% vào cuối quý III/2022.
Lợi nhuận cả năm tăng nhẹ nhờ chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm
Quay trở lại kết quả kinh doanh, quý IV/2022 vừa qua là quý ghi nhận thu nhập lãi thuần của VietBank giảm mạnh 33% so với cùng kỳ về 466 tỷ đồng, nguyên nhân chủ yếu do chi phí lãi và chi phí tương tự tăng gấp rưỡi cùng kỳ. Dù vậy, thu nhập từ hoạt động dịch vụ có sự cải thiện rõ rệt với mức tăng 29% lên 59 tỷ đồng.
Lũy kế cả năm 2022, nhờ kết quả kinh doanh ấn tượng của ba quý đầu năm, thu nhập lãi thuần của VietBank vẫn tăng 21% lên 1.802 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thuần từ HĐKD của ngân hàng (chưa tính dự phòng rủi ro tín dụng) giảm 15%. Tuy nhiên, lãi trước thuế cả năm vẫn tăng nhẹ so với cùng kỳ và đạt 649 tỷ đồng chủ yếu do năm nay, doanh nghiệp giảm chi phí dự phòng rủi ro tín dụng xuống hơn 300 tỷ (-38%) trong khi năm ngoái, con số lên tới 480 tỷ đồng.