Lối đi nào cho doanh nghiệp hậu COVID-19?
Theo số liệu thống kê cho thấy có tới 87,2% số doanh nghiệp (DN) bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề như truyền thông, bất động sản, sản xuất thiết bị điện, xe có động cơ, giáo dục, lao động, bán lẻ, điện tử, đặc biệt các doanh nghiệp kinh doanh khối du lịch, nhà hàng...
Dịch COVID-19 kéo dài đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi mặt đời sống, kinh tế - xã hội. Đặc biệt, cộng đồng DN đang bị tác động rất lớn, nhất là đối với DN vừa và nhỏ. Để vượt qua thử thách này, nhiều DN đã và đang nhanh chóng chuyển đổi mô hình, tái cấu trúc DN. Trong đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát trở lại, dự báo số DN sẽ ngừng sản xuất hoặc phá sản còn tăng cao hơn nữa, đặc biệt là các DN mới thành lập chưa tạo được chỗ đứng vững chắc trên thương trường. Các DN có quy mô lớn hơn thì do đã hội nhập sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu nay bị bế quan tỏa cảng sẽ gặp nhiều khó khăn, số DN phải thu hẹp sản xuất sẽ tăng nhanh. Hầu hết DN đều bị ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch COVID-19 như không tiếp cận được khách hàng, đứt gãy chuỗi cung ứng, ảnh hưởng đến dòng tiền, doanh thu tụt giảm, lao động mất việc…
Nhiều gói hỗ trợ cho DN sẽ sớm được kích hoạt
Đánh giá về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp (DN) và những khó khăn hiện nay mà cộng đồng DN đang phải đối mặt, tại “Diễn đàn kinh tế trực tuyến: Đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua đại dịch COVID-19”, ngày 5/8, ông Tô Hoài Nam - Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam - cho rằng, hơn một năm qua, dịch COVID-19 đã tác động vào mọi mặt đời sống của DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa.
Nhiều chuyên gia cho rằng, trước bối cảnh dịch COVID-19 lần thứ 4 như một “cú đấm” bồi thêm khiến DN đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, nhờ các chính sách giãn, hoãn, giảm thuế như “liều thuốc” trợ lực giúp DN trụ vững trong bối cảnh dịch bệnh.
Theo các chuyên gia, các chính sách giãn, hoãn, giảm thuế như “liều thuốc” trợ lực giúp DN trụ vững trong bối cảnh dịch bệnh
PGS.TS Lê Xuân Trường - Trưởng khoa Thuế và Hải quan (Học viện Tài chính) - cho hay, các chính sách giãn, hoãn, giảm thuế cho DN đã góp phần tạo điều kiện về tài chính để DN vượt khó, sớm ổn định sản xuất kinh doanh. Chỉ cần dịch bệnh được kiểm soát, cộng đồng DN sẽ bắt tay ngay vào sản xuất, thậm chí vừa sản xuất, vừa chống dịch như các tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh thời gian qua.
Chính sách miễn giảm thuế cho các DN đang được Chính phủ xem xét và sẽ được áp dụng trong thời gian tới
Để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tái khởi động nền kinh tế đất nước, các chính sách về thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất theo thẩm quyền của Chính phủ đã được triển khai từ tháng 4/2020. Thống kê cho thấy, tổng số tiền thuế và thu ngân sách đã gia hạn, miễn, giảm và các hỗ trợ theo các chính sách đã ban hành trong năm 2020 đạt khoảng 129.000 tỷ đồng.
Từ đầu năm 2021 đến nay, các chính sách này tiếp tục được Chính phủ và Bộ Tài chính thực hiện. Bộ Tài chính dự kiến các giải pháp này sẽ khoảng 135.000 tỷ đồng hỗ trợ cho người dân, DN. Riêng chính sách giảm, hoãn thuế 27.500 tỷ đồng, gói an sinh xã hội 26.000 tỷ đồng; gói viễn thông 10.000 tỷ đồng; gói vắc xin 25.200 tỷ đồng; gói điện, nước, phí, chi phí chống dịch hàng chục nghìn tỷ đồng và gói giảm thuế khoảng 20.000 tỷ đồng.
Các giải pháp hỗ trợ nêu trên được đánh giá là kịp thời, có tác động tích cực và được cộng đồng DN, nhân dân đánh giá cao, góp phần tháo gỡ khó khăn, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh và duy trì tăng trưởng của năm 2020 cũng như kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm 2021.
Đặc biệt, mới đây, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã xây dựng gói hỗ trợ từ giảm thuế và đang tiến hành lấy ý kiến đối với việc ban hành một số giải pháp về thu ngân sách nhằm hỗ trợ DN, người dân chịu tác động của dịch COVID-19 để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà - Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền Hỗ trợ người nộp thuế - Tổng cục Thuế cho biết, để hỗ trợ các DN, người dân trong diễn biến dịch phức tạp, các Cục thuế đã đẩy mạnh tuyên truyền trên trang web của Cục thuế, các phương tiện thông tin đại chúng, các tài khoản mạng xã hội... để chuyển tải nội dung chính sách thuế, hỗ trợ về thuế đến người nộp thuế; tạo điều kiện tối đa cho người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ một cách nhanh, thuận tiện nhất.
Chắt chiu cơ hội vượt qua thách thức
Nằm trong chuỗi các hoạt động hỗ trợ DN vượt qua đại dịch COVID-19 nhằm giúp các CEO và chủ DN nắm bắt các chỉ số quan trọng, đưa ra các quyết định kịp thời, đồng thời luôn giữ “sức khỏe” tốt cho chính DN của mình, sáng ngày 6/8, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội phối hợp với Công ty CP Misa tổ chức hội thảo trực tuyến “Hiểu chỉ số tài chính, khám sức khỏe doanh nghiệp trong thời kỳ COVID-19”.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN vừa và nhỏ TP. Hà Nội - cho biết, đại dịch COVID-19 đang diễn biến tương đối phức tạp, chủ DN đang rất vất vả trong việc vừa phòng chống dịch, vừa duy trì sản xuất kinh doanh, nhất là việc triển khai hoạt động sản xuất kinh doanh tập trung “3 tại chỗ” ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu suất cũng như lợi nhuận của DN.
Cũng theo ông Mạc Quốc Anh, tác động của đại dịch COVID-19 sẽ không tránh khỏi một làn sóng phá sản DN tại Việt Nam.Trong điều kiện môi trường kinh doanh khó khăn đó, việc đánh giá sức khỏe của DN là công việc hết sức quan trọng và cần thiết hiện nay. Để từ đó, chủ DN biết được rằng hiện nay DN của mình đang ở đâu, dòng tiền và nguồn vốn như thế nào, công nợ ra sao. Từ đó đưa ra các quyết định trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.Tại hội thảo, các chuyên gia, quản lý và các DN đã cùng nhau chia sẻ, thảo luận những thông tin, nội dung, phương pháp hữu ích cho DN về quản trị DN và chuyển đổi số trong quản trị DN. Đặc biệt là nội dung về hiểu các chỉ số tài chính, khám sức khỏe DN trong thời kỳ COVID-19.
Các DN ngành may mặc vẫn sống khỏe giữa tâm dịch
Th.S Đoàn Hữu Cảnh - Trưởng ngành Tài chính Ngân hàng Đại học Phương Đông, Giám đốc tài chính Công ty Cổ phần TGI - đã chia sẻ về 10 chỉ tiêu/tỷ số tài chính quan trọng đánh giá hoạt động tài chính DN, vượt qua khó khăn trong tình hình dịch bệnh hiện nay. Cụ thể: Chỉ số doanh thu; chỉ số chi phí; chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế; chỉ số lợi nhuận biên gộp, chỉ số lợi nhuận biên; tỷ suất thu hồi vốn chủ sở hữu (ROE); tỷ số sinh lời cơ sở (BEP); tỷ số thanh toán hiện hành; lưu chuyển tiền từ hoạt động kinh doanh; vòng quay hàng tồn kho; quản trị vốn lưu động.
Theo ông Đoàn Hữu Cảnh, chỉ số tài chính quan trọng cần quan tâm đầu tiên là chỉ số doanh thu. Việc này liên quan đến câu chuyện quản trị của DN . Bởi lẽ, một doanh nghiệp có doanh thu thì đương nhiên sẽ phát sinh chi phí, còn lỗ hay lãi do 2 lý do: doanh thu của DN không thể bù đắp các khoản chi phí cố định (điểm hòa vốn) hoặc DN không quản trị được chi phí nên mặc dù có doanh thu, thậm chí dù ảnh hưởng của dịch Covid-19, doanh thu DN chỉ giảm 10-20% nhưng lợi nhuận DN vẫn âm hoặc có xu hướng giảm dần.
Bên cạnh đó là chỉ tiêu chi phí và chỉ tiêu về dòng tiền. Trong đó, chỉ tiêu dòng tiền cần phải được thể hiện trên các báo cáo được cập nhật hàng ngày. Chỉ tiêu dòng tiền cũng cần được DN xây dựng và quản trị nó không chỉ ở quá khứ mà còn trong cả tương lai. Bởi đây cũng là chỉ tiêu cảnh báo mức độ rủi ro nguy hiểm nhất cho DN.
Cũng theo ông Đoàn Hữu Cảnh, trong quản lý tài chính DN, 2 trụ cột chính để đánh giá sức khỏe DN gồm: Hiệu quả hoạt động kinh doanh thông qua các chỉ tiêu doanh thu, chi phí, lợi nhuận; khả năng thanh toán và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Đồng thời cần phân biệt 2 cặp khái niệm: doanh thu và thu tiền; chi phí và chi tiền. “Dòng tiền và lợi nhuận khác nhau hoàn toàn. 1 DN lợi nhuận nhiều nhưng quản lý dòng tiền không tốt thì có thể “đột quỵ”. Trong khi đó, doanh nghiệp kiểm soát dòng tiền quá chặt chẽ thì không “hạnh phúc”. Do đó, việc kiểm soát dòng tiền và lợi nhuận tốt được ví như 1 cơ thể vừa khỏe và vừa giàu có”, ông Đoàn Hữu Cảnh chia sẻ.
Đồng quan điểm về vấn đề này, ông Mạc Quốc Anh cho hay, đại dịch COVID-19 nhưng nhiều DN vẫn rất thành công. Nguyên nhân do họ kiểm soát được dòng tiền. Dòng tiền đối với một DN được ví như lượng máu chảy trong cơ thể mỗi con người. Khi DN kiểm soát được các “cục máu đông” với loại thuốc phù hợp- chính là áp dụng các chỉ số tài chính phù hợp, sử dụng nền tảng công nghệ số trên phần mềm quản trị tài chính sẽ giúp DN xác định được các yếu tố, kiểm soát được lợi nhuận, dòng tiền, duy trì sản xuất kinh doanh.
Số hóa DN là một phần tất yếu
Do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, thị trường trong nước gặp nhiều biến động, nhiều DN đã phải tạm dừng hoạt động kinh doanh. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 7 tháng đầu năm 2021, cả nước có gần 80.000 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng hơn 25% so với cùng kỳ năm 2020. Như vậy, trung bình mỗi tháng có gần 11.400 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Nhưng cũng chính nhờ có dịch COVID-19 đã thúc đẩy các DN tại Việt Nam chuyển đổi số nhanh và mạnh hơn. Đó dường như cũng chính là con đường sống giúp DN thoát khỏi hiểm cảnh. 58% DN Việt Nam chuyển sang nền tảng số, đây là con số từ một cuộc khảo sát của Ngân hàng Thế Giới (World Bank) tại Việt Nam.
Nền tảng số được sử dụng nhiều nhất trong doanh nghiệp Việt Nam là ứng dụng vào quản trị doanh nghiệp, tiếp đến là tiếp thị, phương pháp thanh toán, bán hàng, lập kế hoạch sản xuất…
Theo một khảo sát của Viện Phát triển doanh nghiệp (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI), nhận thức của DN Việt Nam về chuyển đổi số trong thời gian qua đã có những tiến triển rất đáng phấn khởi. Trước dịch COVID-19, hơn 50% DN ứng dụng các công nghệ số. Từ khi xảy ra dịch COVID-19, thêm hơn 25% DN ứng dụng công nghệ này.
Theo các chuyên gia của World Bank, việc các DN Việt Nam chuyển sang nền tảng số trong thời gian qua cho thấy các DN đang ở giai đoạn đầu của việc sử dụng công nghệ 4.0. Tuy nhiên, điều này cũng mang đến hiệu quả nhất định.
Số hóa hiups các DN vượt qua đại dịch và sống khỏe
Cụ thể, trong thời gian diễn ra dịch COVID-19, việc chuyển sang nền tảng số của DN Việt Nam giúp thích ứng với thị trường trong bối cảnh bình thường mới. Trong đó, việc chỉ đạo, điều hành thông qua môi trường trực tuyến bắt đầu được trọng dụng. Dịch COVID-19 thúc đẩy nhiều DN Việt chú trọng đầu tư vào nền tảng số, qua đó tạo thuận lợi cho đội ngũ, cán bộ nhân viên làm việc từ xa thông qua nền tảng số kết nối trong DN.
Nền tảng số còn giúp tiết giảm nhân lực, giảm chi phí thông tin và giao dịch; chuẩn hóa qui trình, phản ứng kịp thời, qua đó giúp nâng cao hiệu quả trong việc cung cấp hàng hóa, dịch vụ; nâng cao chất lượng công việc và gia tăng giá trị.
Còn theo khảo sát của Viện Phát triển doanh nghiệp thuộc VCCI, khi ứng dụng công nghệ số sẽ giúp cá DN giảm chi phí (hơn 71% DN khảo sát); giảm văn bản, giấy tờ (hơn 61% DN) và giúp nâng cao hiệu quả quản trị kinh doanh cũng như chất lượng sản phẩm trong bối cảnh này, các doanh nghiệp phải liên tục nắm bắt các số liệu tài chính để đưa ra các quyết định chính xác, điều chỉnh kịp thời, vì mục tiêu “sống sót”.
Ông Mạc Quốc Anh nhận định, trong bối cảnh dịch COVID-19, mọi thứ đều biến động. Do đó, việc áp dụng công nghệ số, phần mềm trên nền tảng số giúp DN xác định được điểm mạnh để duy trì, biết được điểm yếu để kiểm soát hoặc tìm cách loại bỏ. Hiểu rõ hơn về các yếu tố bên ngoài, các cơ hội và cách chuẩn bị cho các xu hướng trong tương lai. Biết được những rủi ro tiềm ẩn mà ngành kinh doanh phải đối mặt, cũng như tình hình tài chính và các vấn đề về dòng tiền của DN…. Ngoài ra, việc áp dụng công nghệ số còn giúp DN duy trì lượng khách hàng và nâng cấp kế hoạch bán hàng, marketing quản lý con người và văn hóa trong DN.
“Việc áp dụng công nghệ, phần mềm trên nền tảng số trong hoạt động quản trị sản xuất, kinh doanh, quản trị nhân lực… sẽ giúp các DN kiểm soát, loại bỏ điểm yếu, rủi ro, nắm bắt cơ hội vượt qua thách thức trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp”, ông Mạc Quốc Anh nhấn mạnh.
Ly Na