Lợi nhuận 6 tháng đầu năm của “big 4” ngân hàng Việt ra sao?
Trong những ngân hàng thuộc nhóm "Big 4" nổi bật với 3 ông lớn là Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam (VietinBank) và Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm với mức lợi nhuận tăng trưởng ấn tượng.
Vietcombank
Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II, với mức thu nhập lãi thuần tăng hơn 37%. Trong khi đó, ngân hàng này ghi nhận lãi thuần từ dịch vụ giảm mạnh 70% từ mức hơn 1.000 tỷ cùng kỳ năm ngoái xuống còn 300 tỷ đồng. Thu nhập hoạt động của Vietcombank trong quý II vẫn tăng 20% nhưng ngân hàng lại "mạnh tay" tăng các loại chi phí khiến lợi nhuận giảm.
Cụ thể, chi phí hoạt động tăng hơn 50% lên 4.632 tỷ đồng, cùng với đó là tăng mạnh chi phí dự phòng rủi ro tín dụng 74% lên 3.226 tỷ. Do đó, Vietcombank ghi nhận lãi trước thuế riêng quý II đạt 4.700 tỷ đồng, giảm gần 16% so với cùng kỳ.
Việc báo lãi giảm trong quý II khiến lợi nhuận luỹ kế nửa đầu năm của Vietcombank tăng ở mức tương đối 25% lên 13.750 tỷ đồng, dẫn đầu lợi nhuận so với các ngân hàng đã công bố. Tuy nhiên, con số lợi nhuận này có thể chưa phản ánh hết "thực lực" của Vietcombank do nhà băng này đang giữ tỷ lệ dự phòng bao phủ nợ xấu ở mức cao 350%.
Tính đến hết quý II, dư nợ cho vay của nhà băng tăng 10% so với đầu năm lên 921.948 tỷ đồng. Số dư huy động từ khách hàng chỉ tăng nhẹ 2% lên 1,05 triệu tỷ. Tỷ lệ nợ xấu tăng nhẹ từ 0,62% lên 0,74%.
VietinBank
Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank - CTG) vừa công bố báo cáo tài chính Hợp nhất quý II/2021.
Đáng chú ý, lợi nhuận trước thuế quý II của ngân hàng chỉ ở mức 2.790 tỷ đồng, giảm tới 38% so với cùng kỳ năm 2020. Con số này thấp hơn so với dự kiến trước đó, tại hội nghị sơ kết hoạt động kinh doanh 6 tháng, lãnh đạo ngân hàng cho biết ước tính lợi nhuận quý II khoảng 5.000 tỷ đồng.
Nguyên nhân lợi nhuận quý II sụt giảm khá mạnh như vậy chủ yếu do chi phí dự phòng tăng vọt.
Cụ thể, tổng thu nhập hoạt động quý II/2021 của VietinBank đạt hơn 14.000 tỷ đồng, tăng 41,2% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, thu nhập lãi thuần tăng 39,5% đạt 10.878 tỷ, lãi từ hoạt động dịch vụ tăng 23,1% đạt 1.357 tỷ, lãi từ hoạt động khác tăng tới 481% đạt 1.134 tỷ đồng. Các hoạt động kinh doanh khác như kinh doanh ngoại hối, mua bán chứng khoán kinh doanh lại cho kết quả kém khả quan hơn, tuy nhiên nguồn thu từ 2 mảng này vốn chỉ chiếm tỷ trọng thấp trong tổng thu nhập ngân hàng.
Trong khi tổng thu nhập hoạt động tăng mạnh, chi phí hoạt động quý II/2021 cũng tăng mạnh theo (tăng 27,6% lên 4.187 tỷ đồng). Ngoài ra, chi phí dự phòng rủi ro tăng tới gấp 3 lần lên 7.106 tỷ đồng, là lý do chính khiến lợi nhuận quý II giảm mạnh.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2021, lợi nhuận trước thuế của VietinBank đạt 10.850 tỷ đồng, tăng 45,4% so với cùng kỳ năm 2021. Theo đó, VietinBank là ngân hàng có lãi cao thứ 3 trong các ngân hàng thương mại cổ phần, sau Vietcombank và Techcombank.
Tính đến hết quý II, tổng tài sản VietinBank đạt hơn 1,47 triệu tỷ, tăng 9,8% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 6% đạt trên 1,07 triệu tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng tăng 5% đạt 1,03 triệu tỷ đồng.
Nợ xấu ngân hàng tăng hơn 4.900 tỷ đồng lên 14.476 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, tương đương tăng tới 51,8%. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu tăng từ 0,94% lên 1,34%.
BIDV
Trong báo cáo tài chính Hợp nhất quý II/2021 của vừa được Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) công bố cho thấy, lợi nhuận trước thuế đạt 4.726 tỷ đồng, tăng 85,7% so với cùng kỳ năm trước.
Trong quý II, thu nhập lãi thuần của ngân hàng tăng mạnh 83% so với cùng kỳ mang về 12,697 tỷ đồng. Lãi thuần từ dịch vụ và từ hoạt động khác cũng tăng lần lượt hơn 45% và 75% mang về 1.765 tỷ đồng và 2.161 tỷ đồng.
Trong khi các mảng khác có dấu hiệu khởi sắc thì mảng đầu tư và kinh doanh chứng khoán lại không mấy khả quan khi lãi thuần mảng kinh doanh chứng khoán giảm 48% còn mảng chứng khoán đầu tư lỗ 165 tỷ đồng (cùng kỳ năm trước mang về 797 tỷ đồng).
Tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng tăng mạnh (hơn 57%) trong khi chi phí chỉ tăng 3,1% khiến cho lợi nhuận thuần tăng gần 90% trong quý II. Mặc dù chi phí dự phòng rủi ro cũng tăng mức tương ứng nhưng lợi nhuận trước thuế trong kỳ vẫn tăng mạnh.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm BIDV lãi trước thuế 8.122 tỷ đồng, tăng 86,3% so với cùng kỳ năm trước.
Tính đến 30/6/2021, tổng tài sản của BIDV tăng tới 8,3% đạt hơn 1,64 triệu tỷ đồng, là ngân hàng có tổng tài sản cao nhất thời điểm hiện nay. Trong đó cho vay khách hàng tăng 6,8% với gần 1,3 triệu tỷ đồng. Dự phòng rủi ro cho vay tăng mạnh 45,6%.
Số dư tiền gửi của BIDV đạt gần 1,3 triệu tỷ đồng, tăng 5,5% so với cuối năm trước.
Mặc dù tăng trưởng cho vay không thấp nhưng số dư nợ xấu của ngân hàng lại giảm nhẹ, tỷ lệ nợ xấu giảm từ 1,76% cuối năm trước về 1,63%.
Agribank
Tuy chưa công bố kết quả kinh doanh, nhưng tại Hội nghị sơ kết hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm 2021, Tổng Giám đốc Agribank Tiết Văn Thành cho biết, mặc dù hoạt động trong bối cảnh khó khăn chung do tác động của đại dịch COVID-19, nhưng bằng nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả Agribank đã làm tròn nhiệm vụ chính trị, vai trò của ngân hàng thương mại hàng đầu Việt Nam, chủ lực trong đầu tư phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, với tỷ trọng đầu tư "Tam nông" chiếm 70%/tổng dư nợ nền kinh tế, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong thị phần tín dụng đầu tư nông nghiệp, nông thôn tại Việt Nam.
Tổng số tài khoản tiền gửi thanh toán của ngân hàng tính đến cuối tháng 6 đạt gần 22 triệu tài khoản, trong đó có 13 triệu khách hàng sử dụng dịch vụ E-Banking.
Agribank cho biết đã kịp thời triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Cụ thể, ngân hàng thực hiện cơ cấu lại, miễn giảm lãi, phí cho 12.500 khách hàng với dư nợ 30.109 tỷ đồng, cho vay mới hơn 203.000 tỷ đồng cho trên 50.000 khách hàng.
Đồng thời tăng gấp đôi hạn mức chương trình hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 với quy mô 100.000 tỷ đồng với mức lãi suất, phí hỗ trợ tối đa 2,5%/năm.
Ngân hàng cũng cho vay ưu đãi đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa với quy mô 30.000 tỷ đồng, hỗ trợ mức phí tối đa 2%; Cho vay ưu đãi đối với khách hàng xuất nhập khẩu quy mô 15.000 tỷ đồng và 300 triệu USD; Cho vay khách hàng lớn quy mô 15.000 tỷ đồng; Cho vay khách hàng tiêu dùng quy mô 20.000 tỷ đồng.
H.A
Xem thêm: Lợi nhuận của Vietinbank ước đạt 13.000 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm