Lợi nhuận sau thuế của 2 nhà máy Samsung tại Việt Nam năm 2019 lên tới 81.112 tỷ đồng

21:10 | 25/12/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Lợi nhuận sau thuế của 2 nhà máy Samsung tại Việt Nam bao gồm SEV Bắc Ninh và SEV Thái Nguyên năm 2019 lên tới 81.112 tỷ, chiếm gần 65% tổng lợi nhuận toàn nhóm ngành.
Theo báo cáo kết quả tổng hợp, phân tích báo cáo tài chính năm 2019 của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vừa được Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng, 2 nhà máy của Tập đoàn Samsung đặt tại Việt Nam gồm SEV Bắc Ninh và SEV Thái Nguyên là 2 doanh nghiệp lớn nhất trong 967 doanh nghiệp FDI thuộc nhóm ngành Linh kiện điện tử, máy vi tính và thiết bị ngoại vi máy vi tính, thiết bị quang học đang hoạt động ở Việt Nam.
 
Trong đó, doanh thu của 2 doanh nghiệp này chiếm đến 48% tổng doanh thu của toàn nhóm ngành.
 
Cụ thể, tính đến cuối năm 2019, Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam (SEV Bắc Ninh) có tổng tài sản đạt 247.008 tỷ đồng, tăng 3,7% so với năm 2018 trước đó. Trong số này, nợ phải trả của doanh nghiệp là 27.849 tỷ và toàn bộ là nợ ngắn hạn, công ty không có nợ dài hạn.
 
Samsung Việt Nam lãi 3,5 tỷ USD năm 2019
 
Dù chỉ có vốn đầu tư của chủ sở hữu đạt 1.298 tỷ đồng, nhưng tổng vốn chủ sở hữu của SEV Bắc Ninh cuối năm 2019 đạt tới 219.159 tỷ, tăng 6,8% so với đầu năm. Trong đó, riêng phần lợi nhuận chưa phân phối của doanh nghiệp này đã lên tới 205.424 tỷ đồng.

Cũng trong năm 2019, nhà máy Samsung tại Bắc Ninh ghi nhận 447.071 tỷ đồng tổng doanh thu hoạt động sản xuất kinh doanh và hoạt động tài chính, giảm nhẹ so với số thực thu năm trước. Lợi nhuận trước và sau thuế Thu nhập doanh nghiệp của nhà máy này đạt lần lượt 37.364 tỷ và 35.029 tỷ đồng, số nộp ngân sách Nhà nước là 2.858 tỷ.
 
Với Công ty TNHH Samsung Electronics Thái Nguyên (SEV Thái Nguyên), tổng tài sản đến cuối năm 2019 của nhà máy này đạt 277.087 tỷ, tăng 18% so với năm 2018. Nợ phải trả của công ty là 41.438 tỷ và toàn bộ cũng là nợ ngắn hạn.
 
Tương tự SEV Bắc Ninh, với vốn đầu tư của chủ sở hữu chỉ là 2.089 tỷ đồng, tổng vốn chủ sở hữu đến cuối năm 2019 của nhà máy Samsung tại Thái Nguyên lên tới 235.648 tỷ, tăng 24% so với đầu năm. Trong đó, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 227.056 tỷ đồng.
 
Năm 2019, tổng doanh thu hoạt động sản xuất kinh doanh và tài chính của SEV Thái Nguyên đạt 657.613 tỷ, tăng 10%. Kết quả lợi nhuận sau thuế công ty đạt được là 46.083 tỷ đồng và số nộp ngân sách Nhà nước đạt 2.079 tỷ, tăng 64% so với năm 2018.
 
Như vậy, tổng doanh thu của 2 nhà máy Tập đoàn Samsung đặt tại Việt Nam năm 2019 ghi nhận lên tới hơn 1,104 triệu tỷ đồng (47,6 tỷ USD) và lợi nhuận ròng sau thuế Thu nhập doanh nghiệp là 81.112 tỷ đồng (xấp xỉ 3,5 tỷ USD).
 
Nếu so với nhóm các doanh nghiệp FDI cùng ngành Linh kiện điện tử, máy vi tính và thiết bị ngoại vi máy vi tính, thiết bị quang học, lợi nhuận của 2 nhà máy Samsung tại Việt Nam chiếm tới 65% tổng lợi nhuận toàn ngành năm 2019.
 
Hiện tổng lợi nhuận sau thuế lũy kế trên bảng cân đối kế toán của 2 nhà máy này cũng vào khoảng 432.480 tỷ đồng, tương đương 18,6 tỷ USD.
 
Theo báo cáo đánh giá của Bộ Tài chính, cả tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) và tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) của 2 nhà máy Samsung tại Việt Nam đều ở mức cao so với các doanh nghiệp cùng ngành. Trong đó, ROE của 2 nhà máy này đạt lần lượt 16% (SEV Bắc Ninh) và 20% (SEV Thái Nguyên); ROA cũng ở mức 14% và 17%.
 
Trong khi đó, mức ROE và ROA của nhóm ngành này nếu không xét đến 2 doanh nghiệp trên của Samsung chỉ lần lượt ở mức là 15,5% và 6%.

Theo Zing