Lớp đầu tư ‘tóc bạc’ của Trung Quốc rời bỏ thị trường, giới trẻ ngần ngại gia nhập cuộc chơi

Giang 00:09 | 11/11/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Các nhà đầu tư lớn tuổi của Trung Quốc không còn muốn nắm giữ cổ phiếu dù họ vẫn nhớ những ngày đầu sôi động của thị trường chứng khoán. Người trẻ tuổi ngần ngại rủi ro và có nhiều lựa chọn đầu tư khác cũng không mặn mà với việc mua bán cổ phiếu.

(Hình minh họa: SCMP).

Ngại rủi ro

Ông Li Jixin, 73 tuổi, nhớ rõ những ngày đầu tiên ông đứng trên sàn giao dịch chứng khoán của Trung Quốc. Ông nói rằng mình vẫn có thể nghe thấy tiếng la hét và cảm nhận được sức nóng từ thời kỳ hưng phấn đầu thập niên 1990. Vào những ngày thị trường mở cửa, đám đông ướt đẫm mồ hôi đứng chen chúc nhau ở các công ty chứng khoán và hò hét lệnh giao dịch với các nhân viên môi giới mệt mỏi.

Ba thập kỷ sau, niềm đam mê của ông Li đã nguội lạnh. Dù vẫn nắm số cổ phiếu trị giá 80.000 nhân dân tệ (tương đương khoảng 10.932 USD), nhưng thực chất ông đang chờ cơ hội để rút hoàn toàn khỏi cuộc chơi mà ông cho là cờ bạc.

Cựu nhân viên văn phòng quê ở tỉnh Chiết Giang này cho biết: “Tôi đã già và nền kinh tế đang giảm tốc, do đó việc bảo vệ những gì tôi có quan trọng hơn là kiếm thêm tiền. Tôi muốn sống thanh thản trong những năm cuối đời”.

Tờ South China Morning Post (SCMP) cho biết ông Li là một phần của thế hệ nhà đầu tư nhỏ lẻ đầu tiên tại Trung Quốc. Những nhà đầu tư này đã từ bỏ việc gây dựng của cải khi về già.

Trong khi đó, người trẻ có vẻ ít hứng thú với việc đầu tư hơn nhiều thế hệ trước bởi xã hội Trung Quốc ngày càng coi trọng sự ổn định và niềm tin vào tiềm năng tăng trưởng của đất nước đã sụt giảm.

Chỉ số CSI 300 - đại diện cho 300 cổ phiếu hàng đầu niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến - đã mất hơn 6% trong năm 2023. Trong tháng 10, chỉ số này còn rơi xuống mức thấp nhất kể từ năm 2019.

Theo dữ liệu từ Cơ quan Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Trung Quốc, tính đến cuối tháng 8, nước này có hơn 220 triệu nhà đầu tư cá nhân, tương đương 99% nhà đầu tư trên thị trường. Giá trị số cổ phiếu họ nắm giữ đã giảm khoảng 75% so với cuối năm 2021, theo thống kê của Sàn giao dịch Chứng khoán Thượng Hải. Tuy nhiên, nhà đầu tư nhỏ lẻ vẫn có ảnh hưởng lớn trên thị trường.

Ông Li cho biết: “Nhiều người bạn và đồng nghiệp cũ của tôi đã bỏ thị trường sau khi bị lỗ nặng. Một số người khác thì đang chờ thời điểm tốt để rời đi như tôi”.

Tuy nhiên, ông Li có vẻ nghĩ rằng ông sẽ phải chờ khá lâu. Ông nói: “Tôi mua cổ phiếu PetroChina với giá hơn 40 nhân dân tệ/cp, những ngày nay giá đã xuống còn 5 - 6 nhân dân tệ/cp. Liệu giá có tăng lại về mốc như trước được hay không?”

Các nhà đầu tư “tóc bạc” - những người từ 60 tuổi trở lên - chiếm 4,73% tổng số nhà đầu tư cá nhân trên thị trường chứng khoán Trung Quốc vào năm 2018, theo khảo sát do gã khổng lồ internet Tencent thực hiện. Đến cuối năm 2022, tỷ lệ này đã giảm xuống còn 2,65%.

 

Thế hệ trẻ của Trung Quốc cũng quay lưng với thị trường bởi họ đã trở nên cẩn trọng hơn và ít chấp nhận thua lỗ hơn, nghiên cứu do Viện Tài chính Tiên tiến Thượng Hải (SAIF) và công ty tài chính Charles Schwab thực hiện chỉ ra.

Theo khảo sát hàng năm của hai tổ chức trên đối với những người có thu nhập hàng năm từ 125.000 đến 1.000.000 nhân dân tệ, chỉ có 17,3% những người trong độ tuổi 18 - 24 nói họ sở hữu cổ phiếu trong năm nay, thấp hơn hẳn tỷ lệ 26,6% hồi năm 2021. Tỷ lệ những người nắm giữ cổ phiếu trong độ tuổi 25 - 34 cũng giảm mạnh, từ 32,8% năm 2021 xuống 17,9% năm 2023.

Ông Li nói rằng thị trường chứng khoán từng là cơ hội hiếm có để kiếm tiền nhanh trong những ngày đầu, nhưng thế hệ trẻ ngày nay của Trung Quốc không còn cơ hội tốt như vậy.

Thị trường chứng khoán Trung Quốc được thành lập vào năm 1990 với sự ra đời của hai sàn giao dịch ở Thâm Quyến và Thượng Hải. Tiền lương của ông Li khi đó còn chưa tới 300 nhân dân tệ/tháng, nhưng ban đầu ông đã đầu tư tới 10.000 nhân dân tệ. Số tiền đó nhanh chóng nhân lên gấp nhiều lần, bởi khi đó các sàn chưa áp dụng cơ chế giá trần và giá sàn.

Ông Li nói: “Kiếm tiền trên thị trường khi đó không khó trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc trỗi dậy với sự cải cách và mở cửa. Nhưng rõ ràng thời buổi bây giờ thì khác”.

Tốt cho thị trường?

Những khác khác chỉ ra rằng người trẻ ngày nay có nhiều lựa chọn đầu tư và trò giải trí hơn. Và đó có thể là một phần lý do họ không hứng thú với cổ phiếu.

Anh Danny Liu, kỹ sư phần mềm 28 tuổi sống ở Thượng Hải, tránh xa thị trường chứng khoán vì “ngay cả những chuyên gia cũng không thể kiếm tiền từ đó”. Thay vào đó, anh đầu tư vào các quỹ được được quản lý chuyên nghiệp, giống như những người cùng độ tuổi khác.

Anh cho biết: “Lợi nhuận từ các quỹ này cũng đã giảm, nhưng ít nhất tôi sẽ không mất khoản đầu tư ban đầu, nên tôi có thể ngủ ngon giấc mỗi tối. Nếu có thời gian rảnh, tôi thà chơi game online còn hơn là nhìn bảng giá”.

Ông Qian Qimin, nhà phân tích trưởng tại bộ phận nghiên cứu của công ty chứng khoán Shenwan Hongyuan Securities, cho rằng việc số nhà đầu tư cá nhân giảm xuống có thể là điều tốt cho thị trường.

Ông nhìn nhận: “Thật ra người trẻ đang gián tiếp tham gia vào thị trường chứng khoán bằng việc đầu tư vào các quỹ. Hãy để người chuyên nghiệp làm việc của họ. Quá trình phi cá nhân hóa trong hoạt động đầu tư ở Trung Quốc ngày nay cũng tương tự với xu hướng đang diễn ra ở Mỹ và Hong Kong”.

Ông nói thêm: “Thị trường càng ít nhà đầu tư nhỏ lẻ thì càng trở nên hiệu quả”. Ông Qian cũng khuyến nghị người cao tuổi không nên giao dịch cổ phiếu, bởi nhiều người không có hiểu biết về những ngành mới nổi như công nghệ.

Ông Li nói rằng hàng chục năm dành cho thị trường chứng khoán chưa bao giờ giúp ông thực hiện được giấc mơ làm giàu. Ông chia sẻ: “Sau khi tôi kiếm được lãi thì tôi luôn để mất nó. Thực sự đó chỉ là một trò chơi mà thôi”.