“Lựa chọn hạt nhân” trong cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ?
Đó là nhận định của nhà báo Tom Holland, một chuyên gia có 20 năm kinh nghiệm viết về các vấn đề châu Á, trong bài đăng trên trang mạng “Bưu điện Hoa Nam buổi sáng” (SCMP).
Trung Quốc có thể bán tháo hàng loạt trái phiếu kho bạc Mỹ. Trên lý thuyết, điều này có vẻ là một mối đe dọa đáng kể. Trung Quốc sở hữu gần 1,2 nghìn tỷ USD trái phiếu kho bạc Mỹ. Nếu bất ngờ bán tháo số trái phiếu này, Bắc Kinh sẽ gây ra một sự sụp đổ trong giá trái phiếu Mỹ và buộc Cục Dự trữ liên bang (Ngân hàng Trung ương Mỹ) tăng mạnh lãi suất.
Điều này sẽ thúc đẩy chi phí tài trợ thâm hụt ngân sách của Chính phủ Mỹ, dẫn đến chi phí vay cao hơn cho các công ty và người tiêu dùng Mỹ, khiến cho Phố Wall hoảng loạn và làm suy yếu niềm tin quốc tế vào đồng đô la Mỹ.
Chỉ có điều, mọi thứ sẽ không diễn ra theo kịch bản nói trên. Thứ nhất, Trung Quốc không thể bán tháo trái phiếu kho bạc Mỹ với số lượng lớn. Những người mua trái phiếu ở khu vực tư nhân trên thế giới sẽ không hưởng ứng và Bắc Kinh sẽ không tìm được người mua trên thị trường thế giới.
Mặc dù lợi nhuận của việc mua trái phiếu kho bạc Mỹ giá rẻ sẽ tăng đột biến, nhưng tác động của việc Trung Quốc bán tháo trái phiếu kho bạc Mỹ lại quá ngắn ngủi và ít ảnh hưởng đến chi phí đi vay của chính phủ Hoa Kỳ hoặc đến các tập đoàn và người tiêu dùng Mỹ. Các nhà chức trách Mỹ sẽ nhanh chóng đóng băng khoản nợ kho bạc của Trung Quốc do các nhà quản lý Mỹ nắm giữ và Cục Dự trữ Liên bang sẽ can thiệp, mua bất kỳ số lượng trái phiếu kho bạc cần thiết nào để ổn định thị trường.
Rốt cuộc, Trung Quốc sẽ phải chịu tổn thất nặng nề về trái phiếu kho bạc. Trong trường hợp xấu nhất, 1 nghìn tỷ USD dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc sẽ bị đóng băng và trở nên vô giá trị.
Đó là chưa kể các ngân hàng trung ương lớn ở châu Âu và Nhật Bản sẽ nhanh chóng can thiệp vào thị trường ngoại hối để ngăn chặn đồng tiền của họ tăng giá so với đồng đô la Mỹ.
Và tất nhiên, bất kỳ sự suy yếu nào của đồng USD cũng sẽ làm cho các sản phẩm Trung Quốc trở nên đắt đỏ hơn đối với những người mua ở Mỹ và đây chính là những gì mà hệ thống thuế quan của chính quyền Donald Trump mong muốn từ lâu.
Vậy nếu việc bán tháo trái phiếu kho bạc Mỹ không hiệu quả, liệu Trung Quốc có thể trả đũa những hạn chế thương mại của Hoa Kỳ bằng cách sử dụng “lựa chọn hạt nhân” thứ hai là phá giá đồng nhân dân tệ?
Phá giá đồng nhân dân tệ sẽ tăng cường khả năng cạnh tranh xuất khẩu của Trung Quốc và qua đó giảm thiểu ảnh hưởng của việc Mỹ đánh thuế hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Theo tính toán, để bù đắp các mức thuế được đề xuất của Mỹ, Trung Quốc cần giảm giá đồng nhân dân tệ so với đô la Mỹ... khoảng 10%.
Chắc chắn, Bắc Kinh sẽ không gặp nhiều khó khăn trong việc hoặc hạ giá 10% đồng nhân dân tệ một lần hoặc tạo ra một sự mất giá sâu trong vòng vài tháng. Nhưng cả hai động thái này đều có nguy cơ cao và đều sẽ mang lại tổn thất nặng nề cho các mục tiêu chính sách toàn cầu đầy tham vọng của Trung Quốc.
Thứ nhất, cả hai động thái này đều khiến cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp nghĩ đến những đợt giảm giá tiếp theo. Điều đó gần như chắc chắn sẽ kích hoạt dòng vốn chạy khỏi Trung Quốc với quy mô lớn hơn nhiều so với những diễn ra sau vụ đồng nhân dân tệ mất giá năm 2015 và dự trữ ngoại hối của Trung Quốc bị “bốc hơi” gần 1 nghìn tỷ USD. Sự thoái vốn ồ ạt sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng niềm tin vào hệ thống tài chính nội địa của Trung Quốc, vốn đang phải vật lộn với tỷ lệ nợ khoảng 250% GDP.
Thứ hai, việc thao túng tỷ giá hối đoái làm vũ khí trong một cuộc chiến thương mại sẽ giáng một đòn chí mạng cho tham vọng của Trung Quốc nhằm đưa đồng nhân dân tệ thành một đồng tiền dự trữ được quốc tế chấp nhận.
Trong vài năm qua, Bắc Kinh đã nỗ lực xây dựng uy tín cho chính sách tỷ giá hối đoái nhằm đặt nền móng cho việc thu hút đầu tư quốc tế và thuyết phục các nước khác chấp nhận đồng nhân dân tệ.
Nếu phá giá đồng nhân dân tệ trong cuộc tranh chấp thương mại với Mỹ, Trung Quốc sẽ hủy hoại tham vọng quốc tế hóa đồng nhân dân tệ. Trong khi đó, lợi ích từ hành động phá giá đồng nhân dân tệ là rất đáng ngờ.
Chính sách này sẽ vấp phải sự phản đối các nước khác có quan hệ thương mại với Trung Quốc trên khắp thế giới, khiến họ dễ ngả về phía Mỹ hơn. Washington sẽ ngay lập tức tuyên bố Bắc Kinh thao túng tiền tệ và sẽ áp đặt một loạt hình phạt mới về thương mại và đầu tư đối với Trung Quốc. Qua đó, Trung Quốc sẽ bị tổn thất gấp bội so với những gì thu được qua việc phá giá đồng nhân dân tệ.
Tóm lại, không có “lựa chọn hạt nhân” nào của Trung Quốc phát huy hiệu quả răn đe trong cuộc tranh chấp thương mại với Mỹ. Nếu được triển khai, cả hai “lựa chọn hạt nhân” nói trên đều “lợi bất cập hại” đối với Trung Quốc./.
Minh Bích (theo SCMP)