Luật Đất đai năm 2013: 6 vấn đề bất cập và nhu cầu sửa ngay tạo đột phá cải cách thể chế

09:35 | 15/01/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Với nhiều bất cập, Luật Đất đai năm 2013 đang chứa nhiều mâu thuẫn xã hội, phải là luật đầu tiên được sửa trong nhiệm kỳ mới…
Theo Bộ TN&MT, qua tổ chức các hội thảo lấy ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương và các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và thực tiễn thi hành Luật Đất đai năm 2013 thời gian qua cho thấy, những nội dung đặt ra trong việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai sẽ không giải quyết được căn cơ vấn đề bất cập, hạn chế hiện nay. Bộ TN&MT nêu các bất cập này bao gồm sáu vấn đề.
 
Cụ thể: Các chính sách mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân; chính sách quản lý, sử dụng đất trồng lúa và vấn đề an ninh lương thực; các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia công cộng và việc giải quyết hài hòa lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư...
 
Chính sách thuế, đặc biệt là đối với đất nông nghiệp giao không thu tiền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân và đất đã giao, cho thuê đối với doanh nghiệp nhưng lại bỏ hoang… Việc xây dựng khung giá đất theo giá thửa đất chuẩn của vùng giá trị. Việc sử dụng đất có yếu tố nước ngoài nhằm bảo đảm được an ninh quốc phòng, ổn định chính trị, kinh tế - xã hội, vừa không tác động xấu đến môi trường đầu tư kinh doanh có yếu tố nước ngoài…
 
Ngoài ra, chế độ giao đất có thu tiền sử dụng đất theo hạn mức để xây dựng cơ sở thờ tự, cho thuê đất đối với trường hợp tổ chức tôn giáo sử dụng đất vào mục đích như xây dựng trường học, bệnh viện, cơ sở văn hóa được phép hoạt động.
 
 
luat dat dai can sua doi
Luật Đất đai năm 2013 đang chứa nhiều bất cập
 
Tờ vietnamfinance đăng tải ý kiến của TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương (CIEM), thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng với nhận định thẳng: Luật Đất đai đang chứa nhiều mâu thuẫn xã hội, phải là luật đầu tiên được sửa trong nhiệm kỳ mới.
 
Theo ông Cung, trong giai đoạn 5 năm tới (2021 – 2025), để tạo ra sự thay đổi đáng kể, như một nền tảng, Quốc hội phải sửa đổi Luật Đất đai, vì “luật này chứa đựng rất nhiều mâu thuẫn xã hội và tạo ra sự không công bằng”.
 
 “Tôi cho rằng Luật Đất đai phải được sửa đổi ngay, phải là luật đầu tiên được sửa đổi để tạo ra đột phá trong cải cách thể chế. Sắp tới đây, Đại hội Đảng sẽ nhấn mạnh đột phá trong cải cách thể chế là tập trung hoàn thiện thể chế phát triển các thị trường nhân tố sản xuất, nhất là thị trường quyền sử dụng đất, để các thị trường này đóng vai trò chủ yếu trong phân bổ nguồn lực.
Trước nhu cầu thiết yếu và nhanh chóng này, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa ký ban hành Kế hoạch tổng kết thi hành Luật Đất đai và xây dựng Dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
 
Kế hoạch nêu rõ, việc tổng kết phải được thực hiện nghiêm túc, khách quan và toàn diện trên phạm vi toàn quốc, triển khai đến từng Bộ, ngành và các địa phương; bảo đảm tiến độ, hiệu quả, tiết kiệm. Nội dung tổng kết phải thiết thực, phản ánh đúng thực tế; dựa trên kết quả đánh giá, tổng kết của Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, tổ chức có liên quan, đồng thời tham khảo ý kiến đánh giá của công dân, tổ chức, nhà khoa học, nhà quản lý và doanh nghiệp.
 
Tổng kết thi hành Luật Đất đai tập trung các nội dung cơ bản như: Đánh giá chồng chéo, mâu thuẫn và không thống nhất giữa Luật Đất đai năm 2013 với Luật chuyên ngành có liên quan và sự phù hợp; kết quả tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về đất đai; đánh giá những kết quả đạt được của Luật Đất đai và thực tiễn thi hành trong việc nâng cao chất lượng công tác quản lý nhà nước về đất đai; những hạn chế, bất cập trong các quy định của Luật Đất đai, các văn bản quy định chi tiết thi hành và thực tiễn tổ chức thực hiện quy định của Luật; xác định và phân tích rõ nguyên nhân khách quan và chủ quan của những hạn chế, bất cập đó.
 
Bên cạnh đó, đề xuất, kiến nghị, sửa đổi, bổ sung những nội dung của Luật Đất đai và các pháp luật khác có liên quan.
 
Về xây dựng Dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo thông qua kế hoạch và tiến độ xây dựng Luật Đất đai sửa đổi; xây dựng Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) theo quy định và tổ chức lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức, cá nhân liên quan; hoàn thiện hồ sơ và gửi Bộ Tư pháp thẩm định, trình Chính phủ và hoàn thiện hồ sơ để Chính phủ trình Quốc hội.
 
Hiện nay, Bộ TN&MT tiếp tục nghiên cứu sửa đổi Luật Đất đai 2013 một cách căn bản, toàn diện dựa trên đánh giá tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI để ban hành Nghị quyết mới của Ban Chấp hành Trung ương về chính sách đất đai, phù hợp với những quan điểm, định hướng lớn của Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng làm định hướng cho việc sửa đổi.
 
Đồng thời, trong quá trình sửa đổi sẽ tham vấn rộng rãi ý kiến của nhân dân, doanh nghiệp để đảm bảo tính ổn định, khả thi, toàn diện và đáp ứng yêu cầu quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên, nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn mới.
 
Để giải quyết một số vướng mắc phát sinh, Bộ TN&MT đã trình Chính phủ xem xét ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai, Nghị định khuyến khích tập trung, tích tụ đất đai cho sản xuất nông nghiệp; Nghị định quy định về xây dựng, quản lý và khai thác hệ thống thông tin đất đai.
 
Luật Đất đai năm 2013: 6 vấn đề bất cập và nhu cầu sửa ngay tạo đột phá cải cách thể chế - ảnh 1
 Bộ TN&MT tiếp tục nghiên cứu sửa đổi Luật Đất đai 2013 một cách căn bản, toàn diện 
 
Gần đây nhất, ngày 18/12/2020, Chính Phủ ban hành Nghị định 148/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai (gọi tắt là Nghị định 148) có hiệu lực từ ngày 8-2-2021. Đặc biệt, nghị định này đã bổ sung nhiều quy định mới về: giao đất, cho thuê đất, hỗ trợ cho thuê đất khi bị thu hồi mà người sử dụng đất không được bồi thường về đất...
 
Một trong những điểm mới đáng chú ý của Nghị định 148 là quy định về việc cấp mới giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ), giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng khi dồn điền, đổi thửa. Theo đó, Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15-5-2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai quy định, một trong những trường hợp được cấp đổi giấy chứng nhận QSDĐ, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, giấy chứng nhận sở hữu công trình xây dựng đã cấp là “do đo đạc xác định lại diện tích, kích thước thửa đất”. Còn theo Nghị định 148  thì việc “dồn điền đổi thửa” không phải cấp đổi các loại giấy chứng nhận mà là được cấp mới.
 
Ngoài ra, trình tự, thủ tục chuyển đổi QSDĐ nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân để thực hiện “dồn điền đổi thửa” theo Nghị định 148 cũng có các quy định mới như: yêu cầu rõ Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm chuẩn bị hồ sơ để Phòng TN-MT trình UBND cấp huyện cấp giấy chứng nhận cho người đã thực hiện xong “dồn điền đổi thửa” theo phương án được duyệt.
 
Bên cạnh đó, Nghị định 148 cũng quy định, được làm giấy chứng nhận QSDĐ, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở mới khi dồn điền đổi thửa trong trường hợp đất bị thế chấp. Cụ thể, trường hợp người sử dụng đất đang thế chấp QSDĐ, tài sản gắn liền với đất tại tổ chức tín dụng thì người sử dụng đất nộp bản sao hợp đồng thế chấp QSDĐ, tài sản gắn liền với đất thay cho giấy chứng nhận đã cấp để làm thủ tục cấp giấy chứng nhận mới. Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm thông báo danh sách các trường hợp làm thủ tục cấp giấy chứng nhận cho tổ chức tín dụng nơi nhận thế chấp QSDĐ, tài sản gắn liền với đất; xác nhận việc đăng ký thế chấp vào giấy chứng nhận sau khi được cơ quan có thẩm quyền ký cấp.
 
Bên cạnh việc cụ thể hóa các quy định về thi hành Luật Đất đai năm 2013 thì Nghị định 148 đã bổ sung một số quy định mới cho các nghị định như: Nghị định 43/2014/NĐ-CP;  Nghị định 47/2014/NĐ-CP ngày 15-5-2014 quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất và Nghị định 01/2017/NĐ-CP ngày 6-1-2017 sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai.
 
Cụ thể, Nghị định 148 bổ sung cho Nghị định 43/2014/NĐ-CP Điều 9a quy định trách nhiệm tổ chức lập phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai theo khu chức năng và theo loại đất đến từng đơn vị hành chính cấp huyện trong quy hoạch tỉnh và Điều 14b quy định giao đất, cho thuê đất đối với trường hợp miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất...
 
Đáng chú ý, Điều 14a, Nghị định 43/2014/NĐ-CP được bổ sung mới quy định chi tiết việc giao đất, cho thuê đất đối với các thửa đất nhỏ hẹp do Nhà nước quản lý. Cụ thể, ngoài các quy định thông thường như thuộc quỹ đất đã thu hồi, không có tranh chấp... thì các thửa đất nhỏ hẹp muốn được giao, cho thuê phải “có diện tích, hình dạng không đủ tiêu chuẩn diện tích, kích thước tối thiểu được phép tách thửa” và “Phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn, quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới đã được phê duyệt”.
 
Ngoài ra, Nghị định 148 cũng bổ sung Điều 19a vào Nghị định 47/2014/NĐ-CP, quy định việc hỗ trợ cho thuê đất để tiếp tục sản xuất, kinh doanh đối với trường hợp Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng - an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng mà người sử dụng đất không được bồi thường về đất. Và chỉ duy nhất khi Nhà nước thu hồi đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp của người đang sử dụng được Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất hằng năm thì người sử dụng đất được xem xét hỗ trợ thuê đất để tiếp tục sản xuất, kinh doanh. Lãnh đạo UBND một phường tại TP.Biên Hòa nhận xét, đây là một điều khoản thiết thực, phù hợp với hiện trạng đất đai tại một số địa phương. Tuy nhiên, để đi vào thực tế vẫn cần hướng dẫn thực hiện chi tiết, nhất là với các điều khoản mới hình thành.
 
Minh Hoa