Luật Đất đai (sửa đổi): Cần làm rõ thẩm quyền của chính quyền địa phương trong chuyển mục đích sử dụng đất rừng

Cổng TTĐT Quốc hội 11:27 | 19/10/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), bà Lò Thị Luyến, đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên đề nghị làm rõ thêm về thẩm quyền của chính quyền địa phương trong việc chuyển mục đích sử dụng đất, đặc biệt là đất rừng.

  Góp ý quy định tại khoản 2 Điều 14, khoản 5 Điều 72 và khoản 1 Điều 22 về phân cấp thẩm quyền cho địa phương được chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng theo hướng phân cấp thẩm quyền cho địa phương về việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất và rừng tự nhiên sang mục đích khác, nhưng phải tuân thủ theo tiêu chí, điều kiện do Chính phủ quy định.

Theo quy định tại dự thảo nội dung tại quy định này về hạn mức và diện tích được chuyển mục đích sử dụng thuộc thẩm quyền của địa phương sẽ do Chính phủ quy định chi tiết. Đối với các nội dung khác thì dẫn chiếu theo hướng việc thu hồi đất sẽ theo pháp luật về đầu tư, pháp luật về đầu tư công, pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư, pháp luật về dầu khí, v.v... Đại biểu Lò Thị Luyến, đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên bày tỏ chưa đồng tình với nội dung quy định như vậy, bởi hiện dự thảo luật giao cho Thủ tướng Chính phủ quy định cụ thể việc này, vậy Nghị định của Chính phủ có điều chỉnh được các luật trước đây đã ban hành hay không? Trong khi Luật Đất đai là luật gốc.

 

 Đại biểu Lò Thị Luyến, đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên.

Lấy dẫn chứng từ địa phương như Điện Biên, đại biểu Lò Thị Luyến phân tích cụ thể.

Thứ nhất là vấn đề thẩm quyền về hạn mức chuyển mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất. Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 58 Luật Đất đai hiện hành có quy định là Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền chuyển mục đích sử dụng đất đối với đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng dưới 20 hecta. Luật Lâm nghiệp năm 2017 có hiệu lực năm 2019 tại Điều 20 cũng quy định "Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng đầu nguồn; rừng phòng hộ biên giới; rừng phòng hộ chắn gió, cát bay; rừng phòng hộ chắn gió lấn biển dưới 20 hecta; rừng sản xuất dưới 5 hecta đối với rừng đầu nguồn của cộng đồng dân cư".

Nhưng quá trình tổ chức thực hiện gặp rất nhiều vướng mắc, khó khăn, khi đánh giá về tiến độ triển khai các dự án đầu tư công của giai đoạn này. Đó là, khi tổ chức thực hiện Điều 58 Luật Đất đai trước năm 2019 không hề vướng mắc gì, nhưng từ năm 2017, Chỉ thị 13, cụ thể hóa tại khoản 2 Điều 14 Luật Lâm nghiệp. Do đó, khi thực hiện theo Điều 58 Luật Đất đai các địa phương ở miền núi gần như rất vướng, thậm chí trong nội tại bản thân Luật Lâm nghiệp cũng có xung đột lẫn nhau. Khoản 2 Điều 14 quy định vấn đề này được cụ thể hóa, thể chế hóa từ Chỉ thị 13 là "không chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác, trừ dự án quan trọng quốc gia; dự án phục vụ quốc phòng, an ninh quốc gia; dự án cấp thiết khác được Chính phủ phê duyệt".

Bên cạnh đó, bà Luyến cũng nhấn mạnh, tại khoản 3 Điều 20 cho phép Hội đồng nhân dân tỉnh chuyển mục đích sử dụng rừng, nhưng tại khoản 2 Điều 14 lại không cho; 1 mét đất bây giờ cũng phải trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương thì mới chuyển được mục đích sử dụng rừng, do đó thực tiễn tỉnh miền núi như Điện Biên gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, bà Lò Thị Luyến đề nghị cụ thể hoá hơn quy định chuyển đổi mục đích sử dụng chuyển đổi mục đích đất rừng trong Luật.

Đại biểu Lò Thị Luyến cũng chỉ ra những bất hợp lý với các quy định về chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa. Tại điểm b khoản 1 Điều 58 Luật Đất đai quy định Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền chuyển mục đích sử dụng đất lúa với diện tích dưới 10 hecta. Dự thảo Luật Đất đai không quy định hạn mức nội dung này và giao cho Thủ tướng Chính phủ quy định. Hiện nay nếu như căn cứ theo các luật đầu tư và theo quy định của dự thảo hiện hành thì thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án theo Luật Đầu tư công thì các tiêu chí phân loại của các dự án nhóm A, B, C lại được phân định trên tổng mức đầu tư sử dụng vốn đầu tư công, không liên quan đến diện tích sử dụng các loại đất lúa, chỉ có dự án quan trọng quốc gia mới có tiêu chí về chuyển mục đích sử dụng đất lúa thuộc thẩm quyền Quốc hội được quy định tại khoản 3 Điều 7, đó là sử dụng đất có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 2 vụ trở lên với quy mô từ 500 hecta trở lên.

Như vậy theo dự thảo trình thì hạn mức chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ và thẩm quyền của Hội đồng nhân dân tỉnh, nhưng chưa có Luật nào quy định cụ thể, rõ ràng, trong khi đó Luật Lâm nghiệp, Luật Đầu tư công có quy định chuyển mục đích sử dụng đất rừng và đất trồng lúa thuộc thẩm quyền của Quốc hội quyết định. Còn đối với thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ và của Hội đồng nhân dân không có luật nào quy định và dự kiến sẽ giao cho Chính phủ quy định.

Bà Lò Thị Luyến cho rằng, đây là vấn đề đại biểu đã nhiều lần kiến nghị đến Quốc hội, đồng thời mong muốn Trung ương hãy thấu hiểu địa phương, quy định theo hướng thuận lợi hơn cho địa phương khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội. Từ đó, đại biểu Lò Thị Luyến đề nghị điều chỉnh quy định tại khoản 1 Điều 122 của dự thảo luật Đất đai (sửa đổi). Đồng thời thẩm quyền và hạn mức chuyển mục đích sử dụng đất rừng và các loại đất khác thì phải được quy định ngay trong luật cho tương thích với các luật khác, theo hướng minh bạch, rõ ràng, thực hiện thống nhất

Đồng thời, bà Lò Thị Luyến cũng đề nghị bãi bỏ khoản 2 Điều 14 Luật Lâm nghiệp và mong muốn Đảng đoàn Quốc hội cũng đề nghị với Ban Bí thư Trung ương Đảng tổng kết Chỉ thị 13 và có kết luận rõ ràng để tháo gỡ cho các địa phương.