Lương tối thiểu 2019 tăng bình quân 5,3%

16:09 | 13/08/2018 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Sáng nay (13/8), Hội đồng tiền lương Quốc gia đã tổ chức phiên họp thứ 3 tại Đồ Sơn (Hải Phòng) và thống nhất chốt phương án mức tiền lương tối thiểu năm 2019 sẽ tăng lên 5,3% so với mức lương tối thiểu năm 2018.
Sau nhiều giờ thương lượng, đại diện phía doanh nghiệp và người lao động đã tìm được tiếng nói chung, đi đến thống nhất mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2019 là 5,3% so với năm 2018. Như vậy, mức tăng tương ứng của lương tối thiểu vùng ở vùng 1 là 200.000 đồng; vùng 2 là 180.000 đồng; vùng 3 và 4 đều là 160.000 đồng.

Ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh Xã hội, Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia  cho biết: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đại diện cho người lao động (NLĐ) đề xuất mức tăng tối thiểu bằng với mức tăng năm 2018, là 6,1%. Trong khi đó, đại diện cho giới chủ, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) lại đề xuất mức tăng tối đa là 5,1%. Do vẫn còn mức chênh lệch, nên hai bên tiếp tục bàn thảo. Và phương án chốt được chọn là 5,3% để bỏ phiếu.

Lương tối thiểu 2019 tăng bình quân 5,3% - ảnh 1
Hội đồng tiền lương quốc gia bỏ phiếu quyết định phương án tăng lương tối thiểu năm 2019. (Ảnh: Lao Động)

Kết quả bỏ phiếu, 100% Hội đồng tiền lương quốc gia đã đồng thuận tăng mức lương vùng 1 lên 4.180.000 đồng, vùng 2 lên 3.710.000đồng, vùng 3 lên 3.250.000 đồng, vùng 4 lên 2.950.000 đồng. Mức tăng bình quân là 5,3% so với mức tăng năm 2018.

Phương án tăng lương tối thiểu vùng 2019 mức 5,3% sẽ được Hội đồng Tiền lương Quốc gia trình lên Chính phủ để quyết định mức tăng lương năm 2019.

Trước đó, tại 2 phiên họp căng thẳng, Hội đồng tiền lương quốc gia đã không thể thể chốt mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2019.

Trong phiên họp đầu tiên, phía giới chủ lao động đề xuất không tăng lương tối thiểu vùng nhằm tạo đà cho doanh nghiệp phát triển. Phía Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất mức tăng 8%.

Đến phiên họp thứ 2, đại diện cho giới sử dụng lao động gồm: Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam đề xuất mức tăng 2%, Liên minh hợp tác xã đề xuất mức tăng 4%, còn đại diện hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ, Hiệp hội da giày, dệt may ủng hộ phương án tăng nhưng không đưa ra con số cụ thể.

Tuy nhiên, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vẫn kiên quyết với mức đề xuất 8% và đưa ra những con số cho thấy tình hình kinh tế đang có nhiều dấu hiệu khả quan, trong khi đời sống của người lao động còn gặp nhiều khó khăn, chưa đáp ứng được mức sống tối thiểu.

Trước đó, năm 2018 mức tăng lương tối thiểu vùng được đề xuất và chấp nhận ở mức là 6,8%, năm 2017 là 7,3%.