Lý do nào khiến các quỹ đầu tư đổ xô gom đất nông nghiệp ở Mỹ?

Yên Khê 06:00 | 25/02/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Các nhà đầu tư đang rót số tiền kỷ lục để thâu tóm đất nông nghiệp tại Mỹ. Đất nông nghiệp được kỳ vọng sẽ sinh lời vượt trội khi dân số thế giới tăng mạnh trong khi tài nguyên thiên nhiên ngày càng khan hiếm.

Một trang trại ở bang Iowa, Mỹ. (Ảnh: Reuters).

Các quỹ ra sức gom đất nông nghiệp ở Mỹ

Theo Hội đồng Ủy thác Đầu tư Bất động sản Quốc gia Mỹ (NCREIF), giá trị đất nông nghiệp mà các quỹ đầu tư nắm giữ đã tăng hơn gấp đôi trong ba năm qua lên 16,6 tỷ USD.

Hồi cuối năm 2020, các tổ chức trên chỉ có khoảng 7,4 tỷ USD đất nông nghiệp ở Mỹ. Trong khi đó, vào cuối năm 2008, con số này chỉ rơi vào khoảng 1,8 tỷ USD, Financial Times thông tin thêm.  

Giá trị trung bình của đất nông nghiệp cũng tăng đáng kể trong vài thập kỷ gần đây. Từ mức 1.270 USD/mẫu (tương đương 3.175 USD/ha) vào năm 1997, giá đất nông nghiệp ở Mỹ đã vọt lên khoảng 5.460 USD/mẫu (13.650 USD/ha) vào năm ngoái.

Theo các chuyên gia, giá đất nông nghiệp dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong bối cảnh biến đổi khí hậu khiến đất trồng trọt ngày càng khan hiếm, trong khi dân số toàn cầu vẫn đi lên.

Liên Hợp Quốc ước tính, dân số toàn cầu sẽ tăng 20% từ mức 8 tỷ hiện nay lên khoảng 10 tỷ người vào năm 2050. Khi đó, thế giới sẽ cần sản xuất thêm 60% lương thực.

 

Giá đất nông nghiệp tại Mỹ tăng vọt chủ yếu là do đại dịch COVID-19. Khi dịch bệnh bùng phát và làm đảo lộn chuỗi cung ứng toàn cầu vào năm 2020, rất nhiều siêu thị ở Mỹ rơi vào cảnh thiếu hụt hàng hoá.

Sau đó, vào tháng 2/2022, cuộc chiến giữa Nga và Ukraine nổ ra. Hai quốc gia này là những nhà xuất khẩu ngũ cốc hàng đầu thế giới, vì vậy giá thực phẩm được đà tăng mạnh kể từ sau khi chiến sự bắt đầu.

Triển vọng dài hạn tích cực

Ông Cedric Garnier-Landurie, trưởng bộ phận phân tích nông nghiệp tại quỹ Cordiant Capital, cho biết cùng với lạm phát, giá thực phẩm tăng cao đã giúp đất nông nghiệp trở nên hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư.

“Nếu có một loại tài sản không mất giá trong trung và dài hạn thì đó chính là đất nông nghiệp”, vị chuyên gia nhấn mạnh.

Ngay cả khi lạm phát hạ nhiệt, các nhà đầu tư vẫn không mất đi hứng thú với đất nông nghiệp, các nhà quản lý quỹ cho hay.

CEO Antoine Bisson-McLernon của Fiera Comox (công ty con của hãng quản lý tài sản toàn cầu Fiera Capital) chia sẻ với Financial Times: “Triển vọng dài hạn của đất nông nghiệp Mỹ là cực kỳ hấp dẫn”.

Ông Bisson-McLernon đặc biệt ưu tiên mua những mảnh đất chất lượng tốt, dễ dàng tiếp cận với nguồn nước tưới tiêu.

Theo Financial Times, Fiera Comox và Cordiant Capital đang tập trung vào các loại cây trồng lâu năm như táo, anh đào và hạnh nhân. Trong khi đó, các nhà đầu tư tổ chức khác ở Mỹ lại trồng những ngũ cốc như lúa mì, ngô, đậu nành và các nông sản khác có thể giao dịch trên toàn cầu.

Sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, các tập đoàn đầu tư lớn như PGIM, PSP và TIAA đã bắt đầu mua đất nông nghiệp ở Mỹ để đa dạng hoá và bảo vệ danh mục trước sự suy yếu của thị trường chứng khoán.

Chiến lược của các tập đoàn nói trên nhận được sự quan tâm trở lại vào năm 2022 khi lạm phát tăng cao khiến giá cổ phiếu cũng như trái phiếu giảm hàng chục phần trăm.

“Ngay cả những tài sản được coi là có khả năng bảo vệ danh mục như bất động sản cũng bị ảnh hưởng vào năm 2022, nhưng đất nông nghiệp lại có tỷ suất sinh lời khá tốt”, CEO Bisson-McLernon của Fiera Comox cho hay.

 

Theo bà Jamie Shen - CEO công ty đầu tư bất động sản PGIM Real Estate, trong vài năm qua nhà đầu tư đã nhận thức rõ hơn về nhu cầu thực phẩm cũng như những hạn chế ở phía cung.

Bây giờ, nhà đầu tư “có thể hiểu rằng dân số đang ngày càng tăng, chúng ta cần nhiều lương thực hơn và đất nông nghiệp có thể canh tác được không phải là thứ ta có thể tự tạo ra thêm”, bà Shen nhấn mạnh.

Song, theo ước tính của các chuyên gia trong ngành, các quỹ đầu tư hiện chỉ nắm giữ khoảng 1 - 3% đất nông nghiệp tại Mỹ. Dữ liệu gần đây nhất từ Bộ Nông nghiệp Mỹ cho thấy các doanh nghiệp do gia đình sở hữu và điều hành đang chiếm 95% tổng số trang trại tại nền kinh tế số một thế giới.