5 trong số 18 mặt hàng xuất khẩu tăng trưởng dương trong tháng 7 đến từ nhóm nông nghiệp

Lạc Lạc 18:06 | 31/07/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Góp mặt trong nhóm 18 mặt hàng xuất khẩu tăng trưởng dương trong tháng 7/2023, 5 mặt hàng đến từ nhóm nông nghiệp cho thấy vẫn còn rất nhiều dự địa để tăng trưởng và hoàn thành kế hoạch năm, dù cho bối cảnh thế giới và trong nước vẫn còn khó lường.

Theo báo cáo mới nhất từ Tổng cục thống kê, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam tháng 7 ước đạt 57,21 tỷ USD, tăng 2,5% so với tháng trước và giảm 6,7% so với cùng kỳ năm trước.

Cũng trong tháng 7 có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91,6% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 57,6%).

Xét trong lĩnh vực nông nghiệp, có 5 mặt hàng tăng trưởng dương trong tháng 7 là rau quả, hạt điều, cà phê, gạo và cao su. Đây cũng chính là những mặt hàng xuất khẩu trên tỷ USD trong nửa đầu năm 2023. 

 

Về triển vọng các mặt hàng, với rau quả, các doanh nghiệp xuất khẩu cho biết sầu riêng và chuối của Việt Nam ngày càng được nhiều quốc gia ưa chuộng do chất lượng nâng cao. Đặc biệt, vụ sầu riêng Việt kéo dài nên sản lượng dồi dào, giá cạnh tranh hơn so với hàng Thái Lan, Philippines. Mặt khác, động lực tăng trưởng đến từ các nghị định thư đã ký với Trung Quốc trong năm 2022 đã giúp việc xuất khẩu có nhiều thuận lợi. 

Trong Đề án Phát triển cây ăn quả chủ lực đến năm 2025 và 2030, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu rau quả sẽ đạt 5 tỷ USD vào năm 2025.

Với ngành gạo, việc Ấn Độ và mới đây nhất là Nga cùng Bộ Kinh tế Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) cấm xuất khẩu gạo đã tạo điều kiện cho nước xuất khẩu gạo lớn như Việt Nam. Nhiều chuyên gia nông nghiệp đánh giá rằng đây chính là “thời cơ” để các doanh nghiệp thúc đẩy nhanh việc xuất khẩu, thậm chí mở rộng thị trường, hướng tới có những đơn hàng lâu dài và bền vững trong tương lai. 

 Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam là 3 quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. Ảnh: Bộ Nông nghiệp Mỹ

Trao đổi với báo chí ngày 29/7 vừa qua, ông Trần Quốc Khánh, nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương, nhận định: "Thị trường lương thực thế giới hiện rất đang căng thẳng do xung đột giữa Nga và Ukraine, cộng thêm tình hình thời tiết không thuận ở nhiều nước sản xuất và xuất khẩu gạo lớn. Do đó quyết định cấm xuất khẩu của Ấn Độ chắc chắn sẽ tác động rất mạnh đến thị trường lương thực thế giới. Giá gạo xuất khẩu của nhiều nước đã tăng liên tục trong những ngày qua".

"Tuy nhiên về dài hạn, chúng tôi rất lo ngại về quyết định này của Ấn Độ, vì nó cho thấy một sự mong manh của cơ chế thương mại toàn cầu hiện nay, có thể gây mất lòng tin vào hệ thống thương mại toàn cầu. Tổ chức Thương mại Thế giới hầu như bất lực trước quyết định này của Ấn Độ.

Khi đã mất lòng tin vào hệ thống thương mại toàn cầu, mất lòng tin vào chuỗi cung ứng gạo, lúc đó tất cả các nước sẽ có những biện pháp để bảo vệ chính mình. Thứ nhất là họ tăng cường sản xuất lúa gạo. Thứ hai là người ta có thể đưa ra những biện pháp để kiểm soát nhập khẩu gạo trong tương lai một cách chặt chẽ hơn. Xuất phát từ đó có thể thấy tác động dài hạn cho thị thị trường gạo là có. Chúng tôi cũng rất lo ngại về những cái tác động dài hạn đó", ông Trần Quốc Khánh cho biết.

Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời, nhìn nhận: "Ấn Độ cấm xuất khẩu là một cơ hội cho gạo Việt Nam và Thái Lan có thể bán được cao giá hơn. Đồng thời tiêu thụ hết lượng lúa hàng hóa tăng thêm do năng suất tăng từ vụ đông xuân 2023. Cơ hội này cũng tạo điều kiện để khách hàng quốc tế nhìn nhận Việt Nam là một nguồn cung cấp lương thực ổn định, đáng tin cậy cho nhu cầu lương thực thế giới".

Theo ông Thuận, để có thể tận dụng cơ hội này, gạo Việt Nam cần chứng minh được các điều kiện khác nhau như: chất lượng an toàn, phù hợp với từng thị trường tiêu thụ; truy xuất được nguồn gốc để tạo lòng tin với người tiêu dùng và cơ quan quản lý; bảo vệ môi trường để sản xuất bền vững; liên kết chặt các khâu trong chuỗi sản xuất, kinh doanh để giảm chi phí giá thành... 

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn dự báo, sản lượng xuất khẩu gạo năm nay đạt trên dưới 8 triệu tấn, thu về khoảng 4 tỷ USD. 

Với hạt điều, luỹ kế 7 tháng, sản lượng xuất khẩu đạt 334 nghìn tấn, thu về 1,94 tỷ USD, tăng 13% về lượng và 9,8% về giá so với cùng kỳ 2022. Năm nay, ngành điều đặt mục tiêu xuất khẩu hơn 3,1 tỷ USD. Bên cạnh các yếu tố thuận lợi, hiện ngành hàng này vẫn đối mặt với rất nhiều thách thức. Đáng chú ý, các nhà máy phải lệ thuộc từ 50 - 60% nguyên liệu nhập khẩu. Để cải thiện vấn đề này, khâu then chốt là phải đẩy mạnh việc cải tạo, nâng cao sản lượng, chất lượng cây điều Việt Nam. Đồng thời đầu tư chế biến sâu, đa dạng sản phẩm đang là lợi thế để hạt điều Việt Nam dễ dàng cạnh tranh xuất khẩu.

Với ngành cao su, theo đánh giá của Tập đoàn Cao su Việt Nam, mặc dù Trung Quốc đã mở cửa nhưng sức tiêu thụ vẫn chậm. Các sản phẩm cao su đa phần đều phục vụ cho tiêu dùng, chỉ một ít dùng cho sản xuất lốp xe tải.

Với tình hình kinh tế thế giới hiện tại, lạm phát cao, khiến người dân thắt chặt tiêu dùng, dẫn đến nhu cầu về cao su vẫn không thể cao. Sức tiêu thụ còn yếu, dự báo từ nay đến cuối năm 2023, giá cao su xuất khẩu sẽ khó có thể phục hồi. Tập đoàn Cao su Việt Nam kỳ vọng từ năm 2024 trở đi sẽ ổn định hơn, nhu cầu cũng như giá cả cao su sẽ đi lên.

Theo các chuyên gia trong ngành, nhu cầu cao su tự nhiên của thế giới vẫn trong xu hướng tăng và sự chênh lệch cung thấp hơn cầu là cơ hội lớn để Việt Nam gia tăng sản lượng cao su tự nhiên, tăng kim ngạch xuất khẩu.

 Cao su tự nhiên Việt Nam còn nhiều cơ hội để tăng kim ngạch xuất khẩu trong năm 2023. Ảnh: Báo Bình Dương

Với ngành xuất khẩu cà phê, những khó khăn trong việc đẩy mạnh xuất khẩu cà phê trong năm 2023 của Việt Nam không chỉ dừng lại ở thách thức về nguồn cung mà đó còn là vấn đề về chất lượng cũng như nguồn gốc cà phê. Hơn thế, tình trạng xuất khẩu thô với giá trị gia tăng thấp vẫn luôn là bài toán Việt Nam cần giải quyết vì sự phát triển lâu dài của ngành cà phê.

Tuy nhiên, nguồn cung từ các quốc gia xuất khẩu lớn khác như Brazil và Indonesia đang có dấu hiệu thu hẹp lại, giúp Việt Nam có cơ hội mở rộng thị phần xuất khẩu. Theo dự báo của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), Việt Nam sẽ tiếp tục là quốc gia sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới trong giai đoạn 2023-2033. 

Trong ngắn hạn, việc gia tăng xuất khẩu cà phê khi giá đang ở mức cao là giải pháp tối ưu giúp Việt Nam tiếp tục có được kim ngạch trên 4 tỷ USD. Tuy nhiên, về lâu dài chúng ta cần hướng tới các biện pháp mang tính bền vững. Đồng thời, các doanh nghiệp sản xuất cà phê cần đầu tư cho khâu sản xuất, nhằm hướng tới xuất khẩu cà phê đã qua chế biến với giá trị cao, đồng thời chuyển dịch phương thức chế biến, rang xay phù hợp hơn với thị hiếu của người tiêu dùng Mỹ và châu Âu.