Lý giải 'cơn sốt' NFT mà nhiều người sẵn lòng chi hàng triệu USD để sở hữu
Dù manh nha từ lâu nhưng NFT chỉ mới được biết tới sau việc bạn gái của tỷ phú Elon Musk chỉ mất 20 phút đã thu về tới 5,8 triệu USD nhờ bán bộ sưu tập của mình.
NFT là gì? Tại sao NFT lại đặc biệt?
NFT (Non-fungible token) ra đời dựa trên thuật toán giống với tiền kỹ thuật số. Có thể hiểu rằng NFT như một loại tài sản số được sử dụng công nghệ blockchain để tạo ra một chuỗi mã độc quyền cho vật phẩm, kkhông thể xóa bỏ hoặc làm giả bởi bất cứ ai. Chính vì thế món đồ được chứng nhận bởi chuỗi mã NFT sẽ trở thành độc nhất. Thông thường người ta hay sử dụng chuỗi mã NFT để định danh cho các tác phẩm nghệ thuật, bài hát hoặc thậm chí chỉ là một dòng đăng tải trên Twitter.
Chuỗi mã NFT được coi như một vật phẩm số độc nhất vô nhị trong thời công nghệ 4.0.
Sở hữu NFT cũng giống như việc sưu tầm những món hàng có độc nhất vô nhị. Người ta thường mua NFT thông qua các cuộc đấu giá trực tuyến và thanh toán bằng USD hoặc tiền ảo. Nhiều nhà đầu tư chọn mua NFT gắn với một vật phẩm nào đó để khẳng định mình là người sở hữu duy nhất hoặc để tích trữ chờ tăng giá kiếm lời.
Trên thực tế NFT đã có mặt từ năm 2012 nhưng nó chưa được nhiều người chú ý tới. Chỉ tới năm 2017 khi ảnh chế và meme cùng trò chơi nuôi mèo ảo trên nền tảng blockchain CryptoKitties được đưa ra giao dịch bằng đồng Ethereum thì lúc này NFT mới bắt đầu phát triển. Với tính năng độc nhất và an toàn, NFT đã trở thành một món đồ sưu tầm mới trong thời công nghệ 4.0 được nhiều người ưu thích.
NFT – “Cơn sốt” mới sau Bitcoin
Nhưng NFT chỉ thực sự trở thành “cơn sốt” khi mới vài tháng trước, bức tranh số NFT của họa sĩ Beeple đã trở thành vật phẩm ảo đầu tiên được bán đấu giá tại nhà bán đấu giá nổi tiếng Christie với mức giá lên tới 69 triệu USD. Trước đó họa sĩ này đã từng bán một bức tranh số khác tại chợ NFT với giá 6,6 triệu USD.
NFT của hiện tượng mạng Nyan Cat được mua với giá gần 600.000 USD.
Gần đây nhất, nền tảng chuyên bán bộ sưu tập thẻ bài và clip của các cầu thủ bóng rổ NBA Top Shot đã thu về gần 150 triệu USD chỉ trong 1 tuần chỉ nhờ mua bán các NFT video của các trận đấu bóng rổ.
Cùng với đó nhiều người đã bắt đầu sử dụng NFT để đại diện cho sản phẩm của mình, giá của các NFT rất đa dạng từ vài USD cho tới hàng chục triệu USD, như nhóm nhạc Rock Kings of Leon đã ra thông báo sẽ phát hành album nhạc số với 6 phiên bản NFT với giá 50 USD. Hay YouTuber Logan Paul đã bán các NFT video ngắn được cắt từ kênh của mình và bán với giá 20.000 USD cho một NFT.
NBA Top Shot đã thu về 150 triệu USD chỉ nhờ mua bán các NFT video bóng rổ.
Theo Coindesk, trang web chuyên cung cấp về Bitcoin và các loại tiền kỹ thuật số thì giá trị NFT được khẳng định nhờ tính chất không thể phá hủy hay làm giả của nó. Nguyên nhân là do các dữ liệu được lưu trữ trên chuỗi khối; có thể xác minh, nhờ blockchain cho phép truy xuất ngược nguồn gốc của sản phẩm mà không cần qua một bên thứ ba.
Dù cũng là vật phẩm ảo nhưng khác với game online, các vật phẩm trong đó có thể bị nhân bản và bị kiểm soát bởi nhà phát hành game. Hơn nữa khi game đóng cửa thì vật phẩm ảo cũng không còn giá trị.
Nhưng vẫn còn nhiều người đặt dấu hỏi về việc đảm bảo giá trị bền vững cũng như độc nhất của NFT. Khi công nghệ vẫn luôn thay đổi thì làm sao có thể đảm bảo được một đoạn mã token vẫn có thể tồn tại. Hơn nữa, nếu giống như Bitcoin, việc mua bán NFT cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro lớn bởi giá trị của nó có thể được đẩy lên cao bất thường nhưng cũng rất dễ bị mất giá chỉ trong ít ngày.
Ngoài ra, nhiều người cũng hoài nghi về tính duy nhất của vật phẩm nếu có người sử dụng chiêu trò tạo ra hàng trăm bản sao để tạo nên hàng trăm NFT trước khi bán nó. Qua đó có thể thấy rủi ro trong việc giao dịch NFT vẫn là rất lớn, tương lai của NFT vẫn còn ở phía trước và để xác định được chính xác giá trị của nó thì chúng ta vẫn cần thời gian để kiểm chứng.
Minh Nguyệt (Tổng hợp)