Triển vọng đầu tư 2025: Về vàng, bitcoin và trái phiếu
Giá vàng sẽ có một năm bình lặng hơn?
Báo cáo đầu tư mới nhất của chứng khoán Tiên Phong nhận định rằng với khả năng nền kinh tế Mỹ kỳ vọng tăng trưởng khi ông Trump nhậm chức, chỉ số DXY đo lường sức mạnh đồng bạc xanh dự kiến sẽ có nhịp tăng trưởng phản ánh nền kinh tế dần mạnh lên. Diễn biến mạnh lên của DXY thường sẽ ảnh hưởng xấu đến giá vàng thế giới do việc chuyển dịch dòng tiền từ vàng sang các kênh đầu tư khác hấp dẫn hơn.
Theo Kitco, nhà phân tích hàng hóa cấp cao Jim Wyckoff nhận định rằng thị trường vàng đang rơi vào tình trạng dao động khó lường, và triển vọng kim loại quý trong năm 2025 vẫn chưa chắc chắn. Thời điểm hiện tại, giá vàng thế giới đang có “độ nhiễu” với những đợt giảm và tăng nhanh chóng trong ngày. Tuy nhiên, ông Jim Wyckoff xu hướng này có thể thay đổi vào năm 2025, nhất là khi những yếu tố địa chính trị toàn cầu quan trọng được đẩy lên.
Cuối tháng 1/2025, tân Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ chính thức nhậm chức. Giới giao dịch vẫn đang theo dõi những bước điều chỉnh chính sách đối ngoại và kinh tế đầu tiên của ông Trump, đặc biệt là về quan hệ với Trung Quốc và Liên minh Châu Âu xoay quanh các biện pháp thuế quan mà ông từng tuyên bố. Nhà phân tích Wyckoff cho rằng vị tân Tổng thống Mỹ có thể sẽ không hành động quá cứng rắn như nhiều người lo ngại; và trong trường hợp như vậy thì thị trường vàng sẽ có thêm động lực tích cực bởi quan hệ kinh tế tốt đẹp hơn giữa Mỹ và các đối tác quốc tế có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu và tăng nhu cầu đối với kim loại quý.
Nhìn chung, năm 2025 hứa hẹn sẽ là năm có nhiều biến chuyển quan trọng trên thị trường vàng. Đa số các chuyên gia cùng thống nhất nhận định rằng dù có thể có những yếu tố ngắn hạn gây biến động, giá vàng vẫn sẽ duy trì xu hướng tăng trong dài hạn, với triển vọng vượt ngưỡng 3.000 USD/ounce trong vài năm tới.
Trong khi đó, giá vàng trong nước cũng dần có dấu hiệu hạ nhiệt khi vàng thế giới không còn tăng nóng có thể dẫn đến việc chốt lời của những nhà đầu tư lướt sóng vàng trước đó. Và khi xu thế đầu cơ vàng qua đi, giá của mặt hàng này có thể ổn định hơn mà không tăng nóng như nhiều thời điểm trong năm 2024.
Trái phiếu: Áp lực đáo hạn TPDN vẫn cao
Trong báo cáo đầu tư 2025 mới cập nhật, các chuyên gia từ chứng khoán Tiên Phong (TPS) đã điểm qua triển vọng một số kênh đầu tư khác bên cạnh cổ phiếu, trong đó có trái phiếu.
Trên kênh trái phiếu chính phủ, nhìn chung, lãi suất TPCP năm 2024 được điều chỉnh và duy trì phù hợp để cân bằng giữa mục tiêu huy động vốn và hỗ trợ nền kinh tế, trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực phục hồi sau giai đoạn kinh tế toàn cầu bất ổn.
Theo các chuyên gia, dù mức lãi suất trái phiếu chính phủ vẫn được duy trì ở ngưỡng ổn định nhưng nhìn chung vẫn cao hơn so với các quốc gia lân cận như Hàn Quốc (LSTP kỳ hạn 3 năm 2,57%) Nhật Bản (3 năm 0,63%), Trung Quốc (3 năm 1,39%).
Trong khi đó, trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, nhiều trái phiếu doanh nghiệp vẫn gặp tình trạng chậm trả gốc hoặc lãi, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản (BĐS). Theo thống kê của MBS, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp chậm thanh toán tính đến hết tháng 11/2024 đạt khoảng 204,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 20% dư nợ toàn thị trường, trong đó 69% thuộc về ngành bất động sản.
Dù thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang có tín hiệu khởi sắc với hoạt động phát hành và mua lại trước hạn diễn ra mạnh mẽ, áp lực đáo hạn trái phiếu riêng lẻ dự kiến tăng cao vào năm 2025 và 2026. Cụ thể, VBMA ước tính năm 2025 và 2026, áp lực đáo hạn tiếp tục tăng cao, lần lượt đạt 250.000 tỷ đồng và 230.000 tỷ đồng. Riêng năm 2025, khối lượng trái phiếu đáo hạn sẽ đạt đỉnh vào quý III, với mức ước tính lên đến 70 nghìn tỷ đồng – gấp 1,6 lần so với cùng kỳ năm trước.
Tuy vậy về mặt tích cực, các chuyên gia đánh giá năm 2024 đã ghi nhận nhiều sự cố gắng của Chính phủ làm trong sạch thị trường trái phiếu Việt Nam như: cải thiện khung pháp lý, tăng cường giám sát và xử lý vi phạm, phát triển các công cụ hỗ trợ thị trường và đặc biệt là chính sách hỗ trợ tái cấu trúc nợ. Những động thái như vậy đang làm cải thiện chất lượng phát hành, tăng cường tính minh bạch và quản trị doanh nghiệp để củng cố lòng tin của nhà đầu tư.
Bitcoin về định giá hợp lý hơn?
Dù chưa được đại đa số các quốc gia công nhận, không thể phủ nhận Bitcoin (BTC) nói riêng và các đồng tiền ảo nói chung vẫn đang thu hút dòng tiền khổng lồ từ nhà đầu tư trên thế giới. Theo một nghiên cứu của Data.ai, có đến 23% dân số Việt Nam (khoảng 16,6 triêu người) tính đến năm 2022 sở hữu tiền mã hoá.
BTC đã có một năm 2024 thăng hoa, vượt qua nhiều cột mốc quan trọng, bao gồm cả mốc 100.000 USD khi niềm tin của nhà đầu tư vào đồng tiền điện tử số một này tăng vọt. Việc ông Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ đã mở ra hy vọng cho nhà đầu tư về các chính sách ủng hộ tiền điện tử, được củng cố thêm bởi một số quyết định bổ nhiệm của ông gần đây.
Về triển vọng BTC trong 2025, sự lạc quan của thị trường vẫn tiếp tục sau khi Tổng thống đắc cử Donald Trump dường như đã tỏ ra ủng hộ ý tưởng dự trữ chiến lược Bitcoin, dù vẫn chưa rõ liệu chính phủ Mỹ sẽ nắm giữ bao nhiêu Bitcoin, có bổ sung vào lượng nắm giữ hiện tại hay không, và mục đích cụ thể của việc dự trữ này là gì. Trước đó, Thượng nghị sĩ Cynthia Lummis đã đề xuất việc mua 1 triệu Bitcoin để thành lập "dự trữ chiến lược Bitcoin" của Mỹ.
Dù vậy, theo Investopedia, nếu Fed làm chậm chiến dịch cắt giảm lãi suất, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ có thể duy trì ở mức cao, khiến các nhà đầu tư chuyển hướng khỏi Bitcoin và các tài sản rủi ro khác.
Các chuyên gia Chứng khoán Tiên Phong nhận định khi hiệu ứng của Trump và Musk qua đi, nhiều khả năng BTC sẽ có một nhịp giảm trở về định giá hợp lý hơn.
Tại ngày 25/12/2024 (giờ Việt Nam), giá Bitcoin hiện dao động quanh mức 98.000 USD.