Thị trường nên kỳ vọng gì từ hai phiên điều trần của Chủ tịch Fed và bitcoin tăng nóng tác động sao tới lãi suất?

Khả Nhân 15:32 | 06/03/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Chủ tịch Fed Jerome Powell sẽ điều trần trước Quốc hội Mỹ trong hai ngày 6 và 7/3. Thị trường sẽ theo sát để tìm hiểu định hướng chính sách tiền tệ của Fed trong năm nay.

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell sẽ có hai phiên điều trần trước Quốc hội vào tuần này. (Ảnh minh hoạ: AP).

Thị trường chờ thông tin

Trong vài tháng qua, dự đoán của thị trường tài chính và định hướng của Fed về tốc độ cũng như thời điểm hạ lãi suất đã có sự thay đổi. Các nhà đầu tư phải điều chỉnh nhận định bởi ngân hàng trung ương Mỹ đang trở nên thận trọng hơn.

Chủ tịch Fed Jerome Powell sẽ điều trần trước Hạ viện Mỹ vào ngày 6/7 và Thượng viện vào ngày 7/3. Ông Powell được kỳ vọng sẽ cung cấp nhiều thông tin quý giá hơn và không làm chấn động Phố Wall đang trong tâm trạng lo lắng.

Chia sẻ với CNBC, bà Quincy Krosby - chiến lược gia toàn cầu tại LPL Financial - cho hay: “Mục tiêu hiện nay của thị trường là thu thập thông tin về thời điểm Fed bắt đầu hạ lãi suất và số đợt giảm trong năm nay”.

“Ông Powell không nhất thiết phải giải đáp thắc mắc đó. Song, nếu có bất kỳ thay đổi nào thì thị trường đều muốn biết”, vị chuyên gia lưu ý.

Trong đó, mối quan tâm hàng đầu của thị trường là quan điểm của Fed về lạm phát và cách ông Powell thể hiện điều đó.

Vài tuần gần đây, “thuyền trưởng Fed” và các đồng nghiệp đã bày tỏ sự hài lòng về xu hướng hạ nhiệt của lạm phát, song họ cũng lo ngại rằng rủi ro vẫn rình rập. Các quan chức nhấn mạnh vẫn còn quá sớm để nới lỏng chính sách.

Thị trường tài chính hiện dự đoán ngân hàng trung ương Mỹ sẽ bắt đầu hạ lãi suất vào tháng 6 và giảm tổng cộng 4 lần trong năm nay, mỗi lần 25 điểm cơ bản, theo dữ liệu của CME Group.

Tại cuộc họp tháng 12 năm ngoái, Fed phát tín hiệu sẽ hạ chi phí đi vay liên ngân hàng ít nhất ba lần trong năm 2024 và hầu hết đều từ chối cung cấp thời điểm hành động cụ thể.

 

Tiền ảo tăng nóng có tác động gì tới Fed?

Trên mặt trận chống lạm phát, nhìn chung dữ liệu cho thấy chiến lược tăng lãi suất của Fed đã phát huy tác dụng.

Các báo cáo cuối năm 2023 chỉ ra lạm phát đang quay về mức mục tiêu 2%. Tuy nhiên, số liệu tháng 1 khiến thị trường bất ngờ khi giá tiêu dùng (đặc biệt là chi phí nhà ở) vẫn còn cao và là trở ngại cho quá trình này.

Ông Powell sẽ phải đánh giá cẩn thận các xu hướng giá cả gần đây khi phát biểu trước Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện vào ngày 6/3 và sau đó một ngày là trước Ủy ban Ngân hàng Thượng viện.

“Thông điệp chính của ông Powell không phải là ‘chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ’, mà phải là ‘chúng tôi đã đạt được nhiều tiến bộ và dự kiến sẽ hạ lãi suất’”, nhà kinh tế Joseph LaVorgna của SMBC Nikko Securies cho hay.

Các phiên điều trần của Chủ tịch Powell diễn ra vào thời điểm nhạy cảm của thị trường tài chính. Sau khi phá đỉnh lịch sử, các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đã giảm điểm trong tuần này trong bối cảnh nhà đầu tư lo ngại về lãi suất và triển vọng của một số ông lớn công nghệ đột ngột xấu đi.

Cả hai yếu tố trên đều khiến các nhà hoạch định chính sách lo lắng.

Giá của nhiều tài sản rủi ro tăng vọt có thể chỉ ra rằng các điều kiện tài chính đang trở nên lỏng lẻo hơn, buộc lòng Fed phải tiếp tục thắt chặt chính sách.

Đà tăng mạnh của thị trường tiền ảo vài ngày qua cho thấy nhà đầu tư đang theo đuổi rủi ro trở lại. Đầu tuần này, Chủ tịch Fed chi nhánh Atlanta là ông Raphael Bostic đã bày tỏ quan ngại về “sự hưng phấn bị dồn nén” có thể bộc phát ra ngoài sau khi Fed cắt giảm lãi suất.

Trong một ghi chú mới đây, các chiến lược gia của Macquarie đánh giá: “Chúng tôi không nghĩ bản thân chính sách tiền tệ đang trở nên lỏng lẻo nhưng Fed và ông Powell vẫn phải băn khoăn vì điều này, vì ‘những tàn tích của tình trạng đầu cơ’”.

Họ nhấn mạnh rằng những cơn sốt đầu cơ không biết từ đâu xuất hiện này sẽ khiến “Fed càng khó tỏ ra ôn hoà hơn ở thời điểm hiện tại”.

Trong khi đó, một môi trường kinh tế kém chắc chắn hơn có khả năng dấy lên lo ngại về việc Fed duy trì lãi suất ở mức quá cao trong thời gian quá dài.

 

Theo CNBC, Fed còn đang phải đối mặt với một số thách thức khác. Nhiều nhà kinh tế, bao gồm cả ông LaVorgna, nhận thấy thị trường lao động đang yếu đi dù tỷ lệ thất nghiệp vẫn duy trì ở mức thấp 3,7%.

Bên cạnh đó, ngân hàng trung ương Mỹ cũng phải đương đầu với áp lực chính trị. Trong quá khứ, khi Mỹ bước vào cuộc bầu cử tổng thống, Fed thường được kêu gọi giảm lãi suất.

Tháng 1 năm nay, Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren đã thúc giục Fed bắt đầu cắt giảm lãi suất vì chi phí đi vay cao đang đặc biệt gây khó khăn cho các hộ gia đình có thu nhập thấp.

Các nhà lập pháp sẽ có cơ hội gây sức ép lên Fed vào ngày 7/3 vì bà Warren là thành viên của Ủy ban Ngân hàng Thượng viện, CNBC thông tin.