M&A tại Việt Nam sẽ tiếp tục sôi động

09:51 | 06/02/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Báo cáo về xu hướng ngành M&A toàn cầu do PwC vừa công bố dự báo ngành M&A tại Việt Nam có khả năng tiếp tục sôi động trong năm nay.

Sức cầu đang bị dồn nén

 
Theo báo cáo về xu hướng ngành M&A toàn cầu do PwC vừa công bố, định giá các thương vụ mua bán sáp nhập (M&A) đang tăng mạnh, với mức định giá cao và cạnh tranh lớn đối với các tài sản công nghệ hoặc tài sản số đang thúc đẩy các hoạt động thương vụ toàn cầu.
 
Dựa trên dữ liệu thị trường sáu tháng cuối năm 2020, báo cáo phân tích hoạt động thương vụ toàn cầu kết hợp với ý kiến chuyên môn của các chuyên gia tại PwC, từ đó xác định những xu hướng chính thúc đẩy hoạt động M&A, và dự báo các điểm nóng sẽ thu hút đầu tư năm 2021.
 
 
M&A tại Việt Nam sẽ tiếp tục sôi động - ảnh 1
 Định giá các thương vụ M&A đang tăng mạnh
 
Thông tin nổi bật từ báo cáo là bất chấp những bất định do đại dịch COVID-19, thị trường chứng kiến tăng trưởng mạnh về hoạt động M&A giai đoạn nửa cuối năm 2020.
 
Ông Brian Levy, lãnh đạo toàn cầu Khối tư vấn thương vụ của PwC nhận xét: "COVID-19 đã hé mở cho các công ty một cái nhìn không mấy lạc quan về viễn cảnh tương lai. Việc tăng tốc số hóa và chuyển đổi trong doanh nghiệp đã lập tức trở thành ưu tiên hàng đầu, và M&A là phương thức nhanh nhất để thực hiện mục tiêu này. Điều này tạo ra môi trường cạnh tranh cao đối với các thương vụ cần thiết cho nhiều doanh nghiệp".
 
Ở cấp độ khu vực, so với sáu tháng đầu năm, số lượng thương vụ nửa cuối năm 2020 tại châu Mỹ tăng 20%, tại khối các quốc gia châu Âu, Trung Đông và châu Phi (EMEA) tăng 17%, và tại châu Á - Thái Bình Dương tăng 17%. Tổng giá trị các thương vụ tại châu Mỹ chứng kiến mức tăng lớn nhất trên 200%, phần lớn nhờ vào các giao dịch quy mô lớn (megadeal) đáng chú ý diễn ra vào nửa cuối năm.
 
Các lĩnh vực công nghệ và viễn thông có mức tăng trưởng cao nhất về số lượng và giá trị giao dịch trong nửa cuối năm 2020, với số thương vụ công nghệ tăng 34% và tăng 118% về giá trị. Số lượng thương vụ viễn thông tăng 15% với giá trị tăng đáng kể gần 300% nhờ có ba thương vụ quy mô lớn.
 
Theo ông Ong Tiong Hooi - Phó Tổng giám đốc Dịch vụ tư vấn thương vụ và thẩm định giao dịch tại PwC Việt Nam, cùng với xu hướng toàn cầu, ngành M&A tại Việt Nam có khả năng sẽ tiếp tục sôi động trong năm nay. Tuy cho đến thời điểm hiện tại thị trường còn khá cẩn trọng, các hoạt động M&A tại Việt Nam đang có vị thế tốt để phục hồi, đặc biệt với triển vọng kinh tế tích cực của quốc gia này cho năm 2021. Bên cạnh đó, sức cầu bị dồn nén có khả năng sẽ đưa thị trường bật trở lại khi niềm tin tiêu dùng và niềm tin của các nhà đầu tư được cải thiện với các thông tin mới về việc phát triển vắc-xin ngừa COVID-19.
 
Các tài sản đang có nhu cầu trên thị trường được định giá cao và cạnh tranh mạnh, chủ yếu được thúc đẩy bởi các yếu tố kinh tế vĩ mô. Trong đó bao gồm lãi suất thấp, nhu cầu nắm giữ các hoạt động kinh doanh sáng tạo được hỗ trợ bởi công nghệ hoặc kỹ thuật số, cùng với lượng vốn khả dụng dồi dào từ bên mua là các doanh nghiệp (trị giá hơn 7,6 nghìn tỷ USD tiền mặt và chứng khoán thị trường) và các quỹ đầu tư tư nhân (1,7 nghìn tỷ USD).
 
Nhận định về vấn đề này, ông Ong Tiong Hooi cho biết: "Bối cảnh và thách thức mới do COVID-19 đang tạo ra những nhu cầu và cơ hội đặc thù dành cho các dịch vụ công nghệ và kỹ thuật số giúp hỗ trợ cho xã hội và doanh nghiệp hoạt động. Do đó, việc liên tục đẩy nhanh tiến trình số hóa đã trở nên thiết yếu đối với các ngành khác nhau. Nhu cầu đặt ra về tốc độ số hóa đã khiến nhiều doanh nghiệp nghiêng về chiến lược mua lại thay vì tự xây dựng (buy-versus-build). Điều này làm gia tăng cạnh tranh giữa các công ty để có được cơ sở hạ tầng kinh doanh cần thiết, do đó, đẩy mức định giá của các tài sản này lên mức cao hơn".
 

Khối ngoại sẽ tích cực tham gia

 
 
BNEWS cho biết: Giai đoạn 2019 - 2020 được đánh giá là đầy thách thức với sự biến động và khủng hoảng thị trường toàn cầu.  Tuy nhiên,  Việt Nam được đánh giá ít bị tác động nhất trong số các quốc gia Đông Nam Á.
 
Trạng thái bình thường mới đã có tác động hai mặt cả tích cực và tiêu cực đến thị trường M&A. Kế hoạch M&A của bên mua và bên bán cũng như tác động đến công việc của nhà nhà đầu tư, nhà tư vấn.
 
Do đó, nắm bắt tín hiệu thị trường là những yêu cầu cấp thiết đối với nhà đầu tư, doanh nghiệp trong chiến lược M&A.
 
Thống kê giai đoạn 2019 – 2020, thị trường M&A Việt Nam vẫn tiếp tục được dẫn dắt bởi nhà đầu tư ngoại; trong đó tập trung vào 4 quốc gia là Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan và Singapore.
 
Thương vụ M&A tại Việt Nam tập trung vào ngành bất động sản, tài chính – ngân hàng, công nghiệp, bán lẻ; còn những lĩnh vực có thương vụ đáng chú ý gồm: logistics, nông nghiệp, dược phẩm – y tế, xây dựng...
 
Ghi nhận thực tế trên thị trường Việt Nam, các thương vụ đáng chú ý của giai đoạn 2019 - 2020 là KEB Hana bank và BIDV; Vinacapital và Bệnh viện Thu cúc; Masan Consumer và VinCommerce & VinEco; Stark Corporation và Thipha Cables & Dovina; FWWD và VCLI; Vinamilk và GTN - Sữa Mộc Châu...
 
Những thương vụ M&A điển hình mà doanh nghiệp Việt Nam thực hiện trong giai đoạn 2019 – 2020 chủ yếu liên quan đến các tập đoàn Masan, Vingroup, Vinamilk, Gelex, REE, Thaco, PAN Group...
 
Bên cạnh những thương vụ thành công, nhiều kế hoạch M&A trong tương lai gần cũng đã được định hình như Kido Group lên kế hoạch sáp nhập các công ty thành viên, Thadi tiếp tục đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp...
 
Giai đoạn 2019 – 2020, thị trường ghi nhận thêm nhiều thương vụ M&A của nhà đầu tư Nhật Bản. Lĩnh vực doanh nghiệp Nhật bản tham gia là bất động sản, xây dựng, tài chính – ngân hàng và dược phẩm – y tế.
 
Đáng chú ý là Mitsubishi Corporation và Nomura Real Estate mua lại 80% trong giai đoạn 2 Dự án Grand Park của Vingroup; Ngân hàng Aozora mua 15% cổ phần của Ngân hàng thương mại cổ phần Phương Đông; Tập đoàn bất động sản Haseko mua 36% cổ phần của Công ty Xây dựng Ecoba...
 
Tương tự, nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc thời gian gần đây cũng tích cực tham gia thị trường M&A Việt Nam với nhiều hoạt động sôi nổi.
 
Cụ thể, một số thương vụ đáng chú ý như SK Investment III (công ty con của SK Group) đã nhận được hơn 12 triệu cổ phiếu, tương đương gần 25% cổ phiếu của Imexpharm Corporation; Lotte Chemical (thuộc Tập đoàn Lotte) đã mua lại Công ty VinaPolytech; GS Caltex đã chi 39 tỷ đồng (gần 1,7 triệu USD) để mua 16,7% cổ phần của VI Automotive Service (công ty mẹ của VietWash)...
 
Trong khi đó, nhà đầu tư Thái Lan tiếp tục có những thương vụ M&A tại thị trường Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất.
 
Điển hình, Thương vụ Tập đoàn Stark mua lại Công ty cáp điện Thịnh Phát và Dovina, Tập đoàn SCG mua lại Công ty Bao bì Biên Hòa...
Liên quan đến cơ hội thị trường M&A Việt Nam đối với nhà đầu tư ngoại, ông Masataka “Sam” Yoshida - Giám đốc toàn cầu Dịch vụ mua bán - sáp nhập xuyên quốc gia, RECOF Corporation, Tổng giám đốc RECOF Việt Nam cho rằng, hiện tại có xu hướng M&A của nhà đầu tư Nhật Bản vào khu vực Đông Nam Á.
 
Việt Nam là một trong những nước đạt số thương vụ cao nhất khu vực. Tính riêng trong 10 tháng đầu năm 2020, giữa Nhật Bản và Việt Nam có 21 giao dịch M&A công bố, chỉ đứng sau Singapore.
 
Còn xét về giá trị giao dịch, Việt Nam đứng thứ hai với giá trị 282 triệu USD. Việt Nam thậm chí còn chiếm vị trí cao hơn so với năm 2019 trong bảng xếp hạng giá trị giao dịch. Điều này cho thấy, sự quan tâm của nhà đầu tư Nhật Bản đối với thị trường M&A Việt Nam là rất lớn ngay cả trong đại dịch.
 
Còn việc chậm lại trong hoạt động đầu tư hoàn toàn chỉ là vấn đề về thời gian, vì trước bối cảnh đại dịch thì doanh nghiệp, nhà đầu tư cần tái cấu trúc lại ngành nghề, lĩnh vực đầu tư, kinh doanh là vấn đề tất yếu.
 
"Xu hướng M&A của công ty Nhật Bản vào Việt Nam sẽ sôi động trong giai đoạn tới, bởi doanh nghiệp Nhật Bản cần thị trường mới để mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh. Hiện tại, hầu hết ngành nghề, lĩnh vực ở Nhật Bản đã phát triển chạm trần, gần 1/3 dân số tuổi trên 65 tuổi, khiến độ tuổi trung bình của người Nhật Bản là 48,4 tuổi (hơn người Việt Nam gần 20 tuổi) và dân số giảm khoảng 276.000 người mỗi năm" - ông Masataka “Sam” Yoshida cho biết thêm.
 

M&A bất động sản sẽ sôi động

 
cafef.vn cho rằng kênh thu hút đầu tư tiềm năng M&A bất động sản được dự báo sôi động năm nay. Nhiều doanh nghiệp BĐS cũng dần hé mở các cơ hội M&A của mình trong năm 2021. CTCP Đầu tư và Phát triển BĐS An Gia ( HoSE: AGG ) cho biết đang đàm phán mua 30 - 50 ha để phát triển các dự án thấp tầng và đã đặt cọc một dự án 3.000 sản phẩm tại Bình Dương. Coi việc mở rộng quỹ đất là chiến lược xuyên suốt, An Gia khẳng định không ngừng tìm kiếm các cơ hội, thực hiện M&A, ưu tiên đất sạch, có pháp lý rõ ràng, thời gian triển khai nhanh.
 
 
M&A tại Việt Nam sẽ tiếp tục sôi động - ảnh 2
Kênh thu hút đầu tư tiềm năng M&A bất động sản được dự báo sôi động năm nay
 
CTCP Đầu tư Nam Long ( HoSE: NLG ) cũng đang thực hiện các thủ tục M&A 2 khu đất thuộc khu Đông TP HCM (quận 9, Thủ Đức) với tổng diện tích hơn 100 ha, dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2020 - 2021. Giá trị mỗi dự án đạt hơn 2.000 tỷ đồng, theo đại diện công ty . Đồng thời, theo kế hoạch, năm 2020, Nam Long cũng tiến hành chuyển nhượng vốn từ 2 dự án Đồng Nai Waterfront (170 ha, Đồng Nai) và Paragon Đại Phước (45 ha, Đồng Nai), dự kiến đem lại 725 tỷ đồng thu nhập tài chính.
 
Công ty chứng khoán VNDirect cho rằng các thương vụ M&A sẽ giúp thị trường BĐS năm 2021 sôi động hơn. Bởi lẽ, quá trình phê duyệt pháp lý kéo dài kể từ giữa năm 2018 và tác động của dịch Covid–19 đã khiến nhiều nhà phát triển có quy mô nhỏ đối mặt với các vấn đề tài chính. Điều này đã tạo cơ hội săn tìm đất cho các công ty BĐS có tiềm lực mạnh về tài chính. Theo Colliers Việt Nam, trong 9 tháng năm 2020 có ít nhất 10 nhà phát triển nước ngoài mới từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và Singapore đang tìm kiếm cơ hội gia nhập thị trường Việt Nam. Con số này đáng ngạc nhiên khi so sánh với 12-15 nhà phát triển nước ngoài tại Việt Nam hiện tại, nguyên nhân từ việc Việt Nam kiểm soát tốt sự bùng phát đại dịch Covid-19.
 
Báo cáo nhấn mạnh các thương vụ M&A, đặc biệt là việc chuyển nhượng các dự án thành phần trong các dự án có quy mô lớn được xem là giải pháp nhanh nhất cho các nhà đầu tư nước ngoài bước chân vào thị trường Việt Nam và các nhà đầu tư trong nước mở rộng quỹ đất. Theo quan sát của VNDirect, một số dự án từ các công ty lớn đang trong quá trình đàm phán, một số đã hoàn tất đàm phán các điều khoản tài chính quan trọng trong quý IV/2020. Báo cáo kỳ vọng các thương vụ này sẽ được hoàn tất trong năm 2021 nhờ các cải tiến trong khuôn khổ pháp lý từ Luật Đầu tư mới năm 2020, có hiệu lực từ ngày 1/1/2021. Một trong những thương vụ M&A đáng chú ý gần đây được VNDirect kể đến là Tập đoàn Novaland (HoSE: NVL) hoàn tất thương vụ mua lại 286 ha đất tại Đồng Nai, cùng một số thương vụ nhỏ lẻ với các địa phương với tổng giá trị lên tới 1 tỷ USD.
 
Minh Hoa