Madam Phương là ai? Tại sao bức Chân dung Madam Phương phá kỷ lục giá cao nhất?

15:51 | 20/04/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Tác phẩm “Chân dung cô Phương” của họa sĩ Mai Trung Thứ đạt mức giá kỷ lục 3,1 triệu USD trong phiên đấu giá quốc tế. Nguyên nhân nào dẫn tới cuộc đua tranh đẩy giá lên cao đến vậy?

Giới thiệu tác phẩm “Chân dung Madam Phương”

Bức tranh “Chân dung cô Phương”, hay còn được gọi là "Portrait of Mademoiselle Phuong", của họa sĩ Mai Trung Thứ là tác phẩm nằm trong bộ sưu tập Les Souvenirs d’Indochine: The Madame Dothi Dumonteil Collection (tạm dịch: Ký ức Đông Dương: Bộ sưu tập của Madam Dothi Dumonteil). 

Từ trước đến nay, tác phẩm đình đám này thuộc quyền sở hữu của bà Đỗ Thị Lan, hay còn có tên gọi khác là Madam Dothi Dumonteil. Chồng bà là nhà sưu tập nghệ thuật có tiếng Pierre Dumonteil. Hai vợ chồng cùng sưu tập và sở hữu trong tay khá nhiều bức tranh của các danh họa Việt Nam. Bức “Chân dung cô Phương” được hai vợ chồng bà duy trì trong tình trạng tốt.

Tác phẩm vẽ cô Phương cũng từng xuất hiện len lỏi trên truyền hình thông qua một số phân cảnh quan trọng của bộ phim Mùi đu đủ xanh (The Scent of Green Papaya) của đạo diễn Trần Anh Hùng, được trình chiếu vào năm 1993.

Madam Phương là ai? Tại sao bức Chân dung Madam Phương phá kỷ lục giá cao nhất? - ảnh 1

Tác phẩm Chân dung Madam Phương - Portrait of Mademoiselle Phuong của họa sĩ Mai Trung Thứ.

Nhân vật chính của bức tranh - Madam Phương là ai?

Theo Sotheby’s Hong Kong, nhà đấu giá chính lần này, đã cho biết: Nhân vật chính trong tác phẩm là một phụ nữ trẻ có tên là Phương. Cô sinh ra tại Hà Nội và thuộc tầng lớp quý tộc, sở hữu vẻ đẹp duyên và yêu kiều, vẻ đẹp tự nhiên đã khiến chàng họa sĩ tài hoa đem lòng mến mộ.

Nhiều nguồn tin cũng cho rằng giữa họa sĩ và cô Phương có nảy sinh mối quan hệ lãng mạn, hoặc ít nhất cũng có tình cảm một chiều giữa hai người. Vì thông qua bức tranh, người ta nhận ra tình yêu của ông được gửi gắm vào từng nét vẽ.

Tuy nhiên, vào thời kỳ bấy giờ, phân biệt giai cấp xã hội cũng như các chuẩn mực đạo đức ở Việt Nam còn rất khắc nghiệt với tình yêu đôi lứa, tình cảm giữa hai người bị cấm đoán.

Madam Phương là ai? Tại sao bức Chân dung Madam Phương phá kỷ lục giá cao nhất? - ảnh 2

Bức tranh Chân dung cô Phương có mặt tại Triển lãm tranh tại Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương năm 1930.

Tác giả của bức tranh - Họa sĩ Mai Trung Thứ

Họa sĩ Mai Trung Thứ hay còn gọi là Mai Thứ sinh năm 1906 và mất năm 1980 vì bệnh tim. Ông là một trong những họa sĩ theo học và tốt nghiệp khóa đầu tiên của Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương từ năm 1925 đến năm 1930.

Sau khi tốt nghiệp, Mai Trung Thứ tới Trường Quốc học Huế khi được bổ nhiệm dạy vẽ và bộc lộ tài năng vẽ tranh lụa tại đây. Những cô gái Huế dịu dàng, đình đài lầu các cong cong, dòng sông Hương hữu tình… tất cả những nét đẹp đằm thắm và dịu dàng của cố đô Huế đã đem tới cho ông những ký ức sâu đậm, được chuyển vào trong hàng loạt các tác phẩm lụa. Chính những năm tháng sống và làm việc tại đây, ông tìm được chỗ đứng vững chắc trong nền hội họa hiện đại Việt Nam.

Kể từ Hội chợ đấu xảo Paris năm 1936, Mai Trung Thứ gắn bó với kinh đô ánh sáng, chìm trong bầu không khí nghệ thuật với rất nhiều danh họa bậc thầy của thế giới tại đây. Đại đa số thời gian còn lại của cuộc đời, ông Mai Trung Thứ sống và hoạt động nghệ thuật ở Pháp. 

Madam Phương là ai? Tại sao bức Chân dung Madam Phương phá kỷ lục giá cao nhất? - ảnh 3

Hình ảnh họa sĩ Mai Trung Thứ bên các tác phẩm của mình.

Cùng với 3 danh họa khác là Lê Phổ, Lê Thị Lựu, Vũ Cao Đàm, ông Mai Trung Thứ được xếp vào nhóm "Việt Nam tứ kiệt" ở châu Âu. Những tác phẩm của ông vẫn xoay quanh khung cảnh quê hương, các cô thiếu nữ và trẻ em Việt Nam thông qua ký ức.

Sau này, tới gần cuối đời, ông từng về thăm lại Việt Nam vào năm 1974 theo lời mời của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sau 38 năm xa quê hương.

Vì sao bức chân dung Madam Phương đạt mức giá kỷ lục 3,1 triệu USD?

Cách đây hai năm, bức “Khỏa thân” của danh họa Lê Phổ lần đầu đạt tới mức giá kỷ lục gần 1,4 triệu USD - từng là mức giá cao nhất trong lịch sử tranh Việt trên sàn công khai. Cũng trong buổi đấu giá đó, tranh của Tô Ngọc Vân lần đầu cán mốc triệu USD.

Thời điểm hiện tại, tác phẩm 'Chân dung cô Phương' của họa sĩ Mai Trung Thứ được chính thức chốt giá với mức 3,1 triệu USD. Bức tranh ngay lập tức phá kỷ lục cũ, vươn lên đỉnh giá công khai của nền mỹ thuật Việt Nam. 

Madam Phương là ai? Tại sao bức Chân dung Madam Phương phá kỷ lục giá cao nhất? - ảnh 4

Trong cuốn vựng tập Triển lãm Quốc tế Thuộc địa năm 1932 đã giới thiệu tới 3 tác phẩm của họa sĩ Mai Trung Thứ, Nguyễn Nam Sơn, Nguyễn Phan Chánh.

Chân dung cô Phương trưng bày lần đầu vào năm 1930 tại Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Ngay sau đó 01 năm, tác phẩm có mặt tại Paris khi được tuyển chọn tham Triển lãm quốc tế thuộc địa. Với hơn 33 triệu lượt tham quan từ Pháp và quốc tế, cuộc triển lãm kéo dài trong suốt 6 tháng đã mở ra cánh cửa quan trọng cho họa sĩ Việt Nam sang châu Âu.

Ngày 18/04/2021, bức tranh xuất hiện trong phiên đấu giá mang tên Beyond Legends: Modern Art Evening Sale của Sotheby’s Hong Kong với mức giá ước tính cao nhất trong lịch sử bán đấu giá tranh Việt là từ 900.000 - 1,2 triệu USD. Theo dự báo, bức tranh sẽ đạt tới một đỉnh mới sau khi chính thức được các nhà đầu tư săn đuổi.

Ở thời điểm buổi đấu giá chính thức bắt đầu, 500.000 USD là mức giá khởi điểm cho “Chân dung cô Phương”. Chỉ trong vòng 2 phút sau đó, bức tranh đã lên tới 1,9 triệu USD khiến nhiều người theo dõi phải choáng váng. Điện thoại của những người tham gia triển lãm đấu giá online liên tục gọi đến, các đối thủ giằng co nhau đến từng giây một. 

Đến cuối cùng, sau nhiều phút tranh chấp, bức tranh của họa sĩ Mai Trung Thứ đã được gõ búa khi người mua kêu giá lên tới 2,573 triệu USD. Sau khi tính thêm các khoản thuế phí liên quan, mức giá cuối cùng cho tác phẩm nghệ thuật này là 3,1 triệu USD.

Madam Phương là ai? Tại sao bức Chân dung Madam Phương phá kỷ lục giá cao nhất? - ảnh 5

Portrait of Mademoiselle Phuong (Chân dung cô Phương) là tác phẩm đạt mức giá cao nhất từ trước đến nay dành cho tác phẩm của họa sĩ Việt Nam trong một buổi đấu giá.

Lý giải nguyên do mà bức tranh sơn dầu “Chân dung cô Phương” có thể lên tới mức giá kỷ lục như vậy là do đây là một tác phẩm hiếm thấy của họa sĩ khi ông thường dành hết tâm trí để vẽ tranh lụa. Tác phẩm là biểu tượng của vẻ đẹp dịu dàng, gần gũi và đáng yêu nhưng không kém phần hoành tráng, theo Sotheby’s Hong Kong đánh giá. 

Đây được coi là bức tranh lớn nhất và quan trọng nhất của họa sĩ Mai Trung Thứ được đưa ra đấu giá. Có thể nhận thấy, ông tạo ra tác phẩm này vào thời kỳ đầu, sau khi  tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương ở Hà Nội, vào đầu những năm 1930. Chính vì lẽ đó, người ta nhận thấy một niềm ngưỡng mộ sâu sắc của họa sĩ đối với người mẫu, một quý cô Hà Nội mà người ta đồn đại là người yêu thầm kín của ông, trong những nét vẽ bằng sơn dầu.

Bức tranh cũng là bước đánh dấu quan trọng khi xuất hiện trong Triển lãm quốc tế thuộc địa ở Paris danh tiếng vào năm 1931. Chính tác phẩm đã giúp họa sĩ Mai Trung Thứ chính thức bước vào thế giới nghệ thuật châu Âu, nhận được nhiều lời khen và sự công nhận từ giới phê bình và những người sưu tầm tranh trên khắp quốc tế.

Nhà nghiên cứu Phạm Long cũng nhận định rằng, “Đây là một tác phẩm đẹp và hiếm hoi trong thời kỳ đầu của Mai Trung Thứ.” Ông cho rằng, một nhà sưu tập Việt Nam đã mua bức tranh nhằm mục đích sưu tập nhiều hơn là đầu cơ. Như vậy, ông hoàn toàn có thể hy vọng bức tranh sẽ được trưng bày tại Việt Nam vào một ngày không xa.

Madam Phương là ai? Tại sao bức Chân dung Madam Phương phá kỷ lục giá cao nhất? - ảnh 6

Bức tranh "Chân dung cô Phương" từng xuất hiện trong nhiều cảnh của bộ phim truyền hình Mùi đu đủ xanh (1993).

Ý nghĩa và tác động của hoạt động đấu giá tranh đem lại

Tại phiên đấu giá sáng ngày 19/04, Modern Art Day Sale của Sotheby's Hong Kong, ngoài Chân dung cô Phương (Lô 126), 8 bức tranh của họa sĩ Vũ Cao Đàm, Lê Phổ, Lê Thị Lựu cũng xuất hiện và nhận được nhiều sự chú ý từ các nhà sưu tập. Có thể thấy, sự chú ý của các sàn đấu giá danh tiếng và nhà sưu tập dành cho tác phẩm Việt Nam ngày càng lớn.

Các hoạt động đấu giá tranh, các tác phẩm nghệ thuật chuyên nghiệp được tổ chức sẽ khiến hành trình đưa thị trường mỹ thuật Việt phát triển chuyên nghiệp hơn.

Ông Trần Quốc Khánh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Lạc Việt (đơn vị từng tổ chức một số cuộc đấu giá tranh) từng cho rằng: Trước đây, thị trường Việt Nam chưa có thói quen bán hàng qua đấu giá, trái ngược với tập quán của đại đa số người Việt, cả người mua lẫn người bán, đặc biệt với đấu giá tác phẩm mỹ thuật như tranh, ảnh, đồ mỹ nghệ, đồ cổ… 

Madam Phương là ai? Tại sao bức Chân dung Madam Phương phá kỷ lục giá cao nhất? - ảnh 7

Chân dung của ông Trần Quốc Khánh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Lạc Việt.

Thông qua con đường đấu giá chuyên nghiệp, các tác phẩm nghệ thuật được tổ chức giao dịch theo đúng quy trình, quy định của pháp luật Việt Nam về bán đấu giá tài sản. Một công ty đứng ra tổ chức bán đấu giá, ghi nhận hồ sơ đăng ký tham gia theo mẫu và thu phí tham gia đấu giá của khách hàng muốn bán. Sau đó, công ty tổ chức cần tiến thành đúng trình tự, có đưa ra mức giá khởi điểm và quy định từng bước giá. 

Như vậy, hình thức tổ chức bán đấu giá như hiện nay sẽ công khai hoàn toàn, hạn chế tối đa việc thất thoát thuế cho Nhà nước. Đây sẽ trở thành một kênh mua, bán tác phẩm nghệ thuật một cách công khai, góp phần thúc đẩy hoạt động sáng tác của các họa sỹ trong nước, giúp những người yêu nghệ thuật, những nhà sưu tập có thêm cơ hội tìm đến những tác phẩm nghệ thuật có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và được pháp luật bảo hộ. Đây cũng là điều mà nhiều họa sỹ Việt Nam mong muốn trong suốt thời gian qua.

Ngoài ra, một số buổi đấu giá được tổ chức vì mục đích từ thiện, đóng góp cho cộng đồng là cơ hội lan tỏa những giá trị tích cực, giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn. Những buổi đấu giá thiện nguyện là nghĩa cử đẹp đối với mỗi người tham gia, bao gồm cả người mua lẫn người bán. Số tiền đấu giá được qua việc bán các tác phẩm nghệ thuật đều được đưa vào quỹ từ thiện, gửi tới các nhóm đối tượng cần hỗ trợ về tài chính.

Xem thêm: Hội chợ triển lãm nghệ thuật lớn nhất thế giới bị hủy do COVID-19

Phương Thúy