Mang gần 2/3 tài sản đi gửi ngân hàng, Hoá chất Đức Giang (DGC) thu lãi 296 tỷ trong nửa đầu năm

Lạc Lạc 21:15 | 21/07/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Sản lượng tiêu thụ và giá bán một số sản phẩm giảm là nguyên nhân lớn nhất khiến lợi nhuận quý II/2023 của CTCP Tập đoàn Hoá chất Đức Giang (mã: DGC) giảm hơn 50% so với cùng kỳ. Bù lại, việc tăng doanh thu hoạt động tài chính và tiết giảm chi phí đã giúp lợi nhuận có phần cải thiện hơn so với quý trước.

So với đỉnh lợi nhuận cùng kỳ năm ngoái, DGC ghi nhận lãi ròng quý II giảm hơn 53%

Theo báo cáo tài chính hợp nhất vừa công bố, trong quý II/2023, DGC ghi nhận doanh thu đạt 2.414 tỷ đồng, giảm 40% so với cùng kỳ. Giá vốn giảm chậm hơn với mức giảm 21%, xuống 1.473 tỷ. Lợi nhuận gộp đạt 941 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp giảm mạnh từ 53,2% về 39%.

Bù lại, doanh thu tài chính tăng 68% lên 181 tỷ nhờ sự tăng mạnh của lãi tiền gửi có kỳ hạn. Chi phí tài chính giảm 47%, về 25 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm 24% về 145 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.

Dù đã ghi nhận doanh thu tài chính tăng vọt cũng như cố gắng tiết giảm chi phí, doanh nghiệp vẫn báo lợi nhuận sau thuế quý II giảm 53,5% so với cùng kỳ, xuống còn 882 tỷ đồng.

Theo giải trình, công ty cho biết sức mua trên thị trường trong nước và thế giới giảm khiến sản lượng tiêu thụ lao dốc, kéo theo doanh thu và lợi nhuận giảm. Trong đó, phốt pho vàng ghi nhận sản lượng tiêu thụ giảm 44%, doanh thu giảm 57%; sản phẩm WPA ghi nhận sản lượng tăng 43%, doanh thu giảm 8%; phân bón các loại ghi nhận sản lượng sản 2,26%, doanh thu giảm 0,28%.

Tuy nhiên, kết quả này đã có phần khởi sắc hơn so với quý I.  

Tại ĐHĐCĐ năm 2023, Chủ tịch Đào Hữu Huyền cho biết đỉnh lợi nhuận của DGC đã qua. Biên lợi nhuận của DCG đã chứng kiến sự giảm dần từ sau quý II/2022 và doanh nghiệp đã mất chuỗi “lãi trên nghìn tỷ” kéo dài liên tục 5 quý. 

 

Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2023, DGC ghi nhận doanh thu đạt 4.897 tỷ đồng, giảm 36% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế giảm 50%, về 1.705 tỷ đồng. 

Với giá các mặt hàng phân bón, phốt pho vàng (sản phẩm chính của công ty) có xu hướng giảm, DGC đặt kế hoạch doanh thu 10.875 tỷ đồng, giảm 24,7% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế dự kiến 3.000 tỷ đồng, giảm 50,3% so với thực hiện trong năm 2022. Như vậy, kết thúc 6 tháng đầu năm 2023, doanh nghiệp hoá chất này đã thực hiện được 45% kế hoạch doanh thu và 57% mục tiêu lợi nhuận năm.

Trước đó, cũng tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, ông Đào Hữu Huyền thừa nhận, sau năm đại thắng 2022 với lợi nhuận đạt 6.037 tỷ đồng, tăng 140% so với năm 2021, chưa biết đến năm nào công ty mới quay trở lại mức lợi nhuận kỷ lục này.

Với doanh thu và lợi nhuận giảm mạnh, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh luỹ kế 6 tháng cũng giảm hơn 3 lần, xuống 829 tỷ đồng. Dòng tiền đầu tư âm 1.038 tỷ đồng, cải thiện khá nhiều so với mức âm 2.562 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái, đến từ tiền thu hồi cho vay, bán lại công cụ nợ của đơn vị khác.  Dòng tiền tài chính âm 1.255 tỷ đồng do sự tăng mạnh của cổ tức, lợi nhuận đã trả cho chủ sở hữu. Nhìn chung, dòng tiền thuần trong kỳ âm 1.464 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức âm 11,5 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước. 

Lãi tiền gửi ngân hàng mang về cho doanh nghiệp gần 300 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm

Về tình hình tài chính, tính tới 30/6/2023, tổng tài sản của DGC tăng 2% so với đầu năm lên 13.673 tỷ đồng. Trong đó, tiền và tương đương tiền là 71,5 tỷ đồng, giảm 95% so với đầu năm trong bối cảnh dòng tiền thuần âm hơn 1.400 tỷ và đầu tư tài chính ngắn hạn là 8.521 tỷ đồng, tăng 14%. Riêng 2 khoản này đã chiếm gần 63% tổng tài sản. Đáng chú ý, theo báo cáo tài chính, khoản tiền gửi ngân hàng chiếm gần 2/3 tổng tài sản đã mang về cho DGC khoảng 296 tỷ đồng tiền lãi trong 6 tháng đầu năm.

 Nguồn: BCTC quý II/2023 của DGC.

Ngoài ra, tài sản cố định ghi nhận 1.717 tỷ đồng, các khoản phải thu ngắn hạn 1.580,5 tỷ đồng, chiếm 11,6% tổng tài sản và các khoản mục khác. Hàng tồn kho còn 1.003 tỷ đồng, thay đổi không đáng kể so với đầu năm. 

 

Tìm động lực tăng trưởng từ M&A

Tại thời điểm 30/6/2023, DGC đang sở hữu 51% vốn tại CTCP Ắc quy Tia Sáng (Tibaco, mã: TSB), đơn vị hoạt động trong lĩnh vực sản xuất ắc quy các loại.

Trước đó, ngày 21/3, DGC đã mua vào 3,4 triệu cổ phiếu TSB để nâng sở hữu từ 0% lên 51% vốn điều lệ. Ước tính giá trị đầu tư cho thương vụ này là hơn 133 tỷ đồng. 

“Việc mua Tibaco là hướng đến năng lượng tương lai, đặc biệt là pin Lithium, thứ rất phổ biến sử dụng trong xe đạp điện, xe máy điện hay ô tô điện. Tuy nhiên, đây là câu chuyện mang tính ý tưởng, chưa thể nói trước điều gì”, Chủ tịch DGC Đào Hữu Huyền chia sẻ. 

Cũng liên quan đến thương vụ này, hồi đầu tháng 1, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đã bán ra toàn bộ hơn 3,4 triệu cổ phiếu TSB để giảm sở hữu từ 51% về còn 0% vốn điều lệ. Bên mua cổ phiếu đấu giá gồm 2 người là bà Bùi Thị Hà Thu đã mua thành công 3,1 triệu cổ phiếu TSB để nâng sở hữu từ 0% lên 45,9% vốn điều lệ và bà Nguyễn Thị Thu Hà mua vào 343.995 cổ phiếu TSB, qua đó nâng sở hữu lên 5,1% vốn điều lệ. Với giao dịch trên, ước tính bà Thu đã chi ra hơn 121 tỷ đồng và bà Hà chi ra 13,5 tỷ đồng để mua lại phần vốn cổ phần của Vinachem tại Tibaco. Đáng chú ý, bà Bùi Thị Hà Thu cũng là vợ ông Đào Hữu Duy Anh, thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của Tập đoàn Hóa chất Đức Giang.

Theo báo cáo tài chính quý II vừa công bố, Tibaco có doanh thu 46 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ. Nhưng việc tiết giảm chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp đã giúp công ty này thu về gần 990 triệu đồng lợi nhuận sau thuế, gấp 2,6 lần cùng kỳ. Vốn chủ doanh nghiệp tính đến 30/6/2023 là 76,9 tỷ đồng. Sau khi thâu tóm Tibaco, mục tiêu của Hóa chất Đức Giang là đưa doanh thu tại Tibaco lên mức nghìn tỷ trong 5 năm tới.

Ngoài ra, trong tháng 4/2023, DGC thông qua kế hoạch mua 100% vốn tại CTCP Phốt pho 6, giá mua dự kiến 635 tỷ đồng và dự kiến thực hiện trong quý II/2023. Tuy nhiên, tại thời điểm 30/6/2023, danh sách 8 công ty con không có CTCP Phốt pho 6.