Mạnh tay dùng công cụ trừng phạt, ông Trump khiến Đức xích lại gần Nga

09:49 | 05/09/2018 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Tổng thống Trump mạnh tay sử dụng các công cụ trừng phạt như là một phần trong chính sách đối ngoại. Đây là lý do khiến Đức đang dần có mối quan hệ gần gũi hơn với Nga.

Mạnh tay dùng công cụ trừng phạt, ông Trump khiến Đức xích lại gần Nga - ảnh 1
Ngày 18/8, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Nga Vladimir Putin có cuộc gặp kéo dài 3 giờ ở thủ đô Berlin 
Kể từ khi lên nắm quyền, ông Trump đã rút nước Mỹ ra khỏi Thỏa thuận Khí hậu Paris, Thỏa thuận Hạt nhân Iran và đang đe dọa rời khỏi Tổ chức Thương mại Thế giới. Đối với Đức, Tổng thống Trump đã nhiều lần lên tiếng chỉ trích Đức về thặng dư thương mại cũng như hạn chế chi tiêu quốc phòng, dù Đức là đồng minh quan trọng nhất của Mỹ ở châu Âu, có ý nghĩa lớn trong việc đảm bảo an ninh và quốc phòng của Mỹ. Mỹ hiện đe dọa trừng phạt Đức nếu dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 giữa Đức và Nga qua biển Baltic vẫn được tiến hành.

Nhà ngoại giao kỳ cựu người Đức Wolfsgang Ischinger, từng làm Đại sứ Đức tại Mỹ và hiện là Chủ tịch Hội nghị An ninh Munich thường niên đã bày tỏ lo ngại khi Tổng thống Trump mạnh tay sử dụng các công cụ trừng phạt như là một phần trong chính sách đối ngoại.  Theo ông Ischinger, Tổng thống Donald Trump tiếp tục nắm quyền ở Mỹ sẽ thúc đẩy lực lượng chống Mỹ ở Đức phát triển, đồng thời, đẩy nước Đức đến gần hơn với Nga và Trung Quốc.

Một khảo sát mới đây của Trung tâm nghiên cứu Pew cho biết, chỉ có 35% người Đức có cái nhìn tích cực về nước Mỹ dưới thời Tổng thống Trump. Trong khi đó, ở cuộc thăm dò do Quỹ Körber tiến hành, nhiều người Đức thậm chí còn xem ông Trump gây ra nhiều rắc rối hơn cả các nhà lãnh đạo ở Triều Tiên, Nga hay Thổ Nhĩ Kỳ.

Nga-Đức: Đối thoại và thực chất

Ngày 17/8, trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng cuộc gặp là dịp quan trọng để lãnh đạo hai nước cùng nhau thảo luận và trao đổi để tìm được tiếng nói chung cũng như giải pháp phù hợp cho các vấn đề hai bên cùng quan tâm, từ tình hình Ukraine, cuộc xung đột tại Syria đến hợp tác kinh tế song phương dưới sức ép từ Mỹ.

Thủ tướng Merkel nhấn mạnh: Một cuộc đối thoại lâu dài là cần thiết và phù hợp trong thời điểm này để Đức và Nga có thể tìm hướng giải quyết cho các vấn đề cùng quan tâm.

Tại thời điểm trước cuộc gặp thượng đỉnh, Đảng Cánh tả ở Đức cũng bày tỏ hy vọng cuộc sẽ giúp loại bỏ những căng thẳng hiện nay trong quan hệ hai nước cũng như trong quan hệ giữa Nga với Liên minh châu Âu.

Trả lời phỏng vấn của phóng viên hãng truyền thông Sputnik, ông Alexander Neu, thành viên của đảng Cánh tả trong Quốc hội Liên bang Đức cho rằng hợp tác kinh tế cần tiếp tục được Đức và Nga thúc đẩy, duy trì đầy đủ, đặc biệt trong lĩnh vực hợp tác năng lượng, trong đó liên quan đến dự án đường ống dẫn khí đốt "Dòng chảy phương Bắc 2".

Thực tế, cuộc gặp thượng đỉnh ngày 18/8 được đánh giá là đã diễn ra với hình thức “bất thường” (theo hướng tích cực hơn dự đoán), khi hai bên tổ chức họp báo chung trước khi bắt đầu hội đàm chính thức.

Trong cuộc gặp kéo dài 3 giờ ở cung điện Schloss Meseberg này, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận rất nhiều vấn đề quan trọng, từ Dự án Dòng chảy phương Bắc 2, tới các vấn đề Syria và Ukraine.

Mạnh tay dùng công cụ trừng phạt, ông Trump khiến Đức xích lại gần Nga - ảnh 2
Ông Putin và bà Merkel trao đổi ngày 18/8/2018. (Ảnh: Bundesregierung) 
Trong một thông báo, Điện Kremlin cho hay cuộc gặp đã diễn ra rất thực chất, với nhiều vấn đề quan trọng được lãnh đạo hai nước thảo luận chi tiết và đạt được nhất trí như đã được nêu trước cuộc gặp. Tổng thống Putin và Thủ tướng Merkel đã nhất trí dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 không được phép "chính trị hóa," và bày tỏ quyết tâm hoàn thành dự án. Hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận việc chuyển khí đốt của Nga thông qua Ukraine trong dự án này.

Cũng liên quan đến tình hình Ukraine, hai bên lấy làm tiếc về việc thực thi thỏa thuận hòa bình Minsk bị đình trệ. Ngoài ra, hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận về thỏa thuận hạt nhân Iran.

Về cuộc xung đột Syria, Tổng thống Putin đã chỉ ra việc dòng người tị nạn hồi hương ngày càng lớn, đồng thời kêu gọi các nước châu Âu hỗ trợ để giúp người tị nạn Syria không phải rời bỏ nhà cửa một lần nữa.

Ngoài ra, lãnh đạo hai nước cũng thảo luận về việc thiết lập một cơ chế đối thoại gồm Nga-Đức-Pháp-Thổ Nhĩ Kỳ về vấn đề Syria, trước hết ở cấp chuyên viên và trợ lý. Đồng thời, thảo luận về cách thức tăng trưởng thương mại song phương. Nga, Đức nhấn mạnh vai trò của Ukraine trong Dòng chảy phương Bắc 2.

Nga tái khẳng định hợp tác, doanh nghiệp Đức lạc quan

Cũng tại cuộc gặp thượng đỉnh ngày 18/8, Tổng thống Putin đã tái khẳng định Moskva cam kết hợp tác với doanh nghiệp Đức.

Trước đó hai ngày, đại diện nhiều doanh nghiệp của Đức đã bày tỏ sự lạc quan khi cho rằng cuộc gặp thượng đỉnh có thể đánh dấu một bước tiến xa hơn trong việc cải thiện quan hệ song phương Đức - Nga.

Trả lời phỏng vấn báo giới, ông Wolfgang Buechele, Chủ tịch Ủy ban Đức về Quan hệ Kinh tế Đông Âu nhận định cường độ trao đổi giữa hai nước Đức và Nga đã tăng lên đáng kể trong nhiều tháng qua. Đây là sự phát triển tích cực và là một tín hiệu tốt đẹp góp phần cải thiện quan hệ hai nước.

Ông Buechele cho biết những đề xuất mới của Tổng thống Nga Putin về tương lai tiến trình hòa bình ở Ukraine trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel có thể mở ra một "chương trình nghị sự tích cực mới" cho các mối quan hệ giữa châu Âu và Nga. Ông cũng nhấn mạnh việc Nga gần đây đưa ra các đảm bảo để tiếp tục sử dụng Ukraine như một nước quá cảnh để vận chuyển khí đốt cho các nước khu vực châu Âu là rất đáng khích lệ trong bối cảnh hiện nay.

Theo các số liệu thống kê mới nhất, thương mại Đức - Nga trong năm 2017 đã tăng trở lại lần đầu tiên trong 5 năm qua với tổng giá trị lên tới 57 tỷ euro (khoảng 64,8 tỷ USD). Trong khi đó, sản lượng xuất khẩu của các doanh nghiệp Đức sang Nga cũng đạt 26 tỷ euro./.