Trung Quốc có thể phải đón ‘bão’ thương chiến nếu ông Trump quay trở lại Nhà Trắng
Chuẩn bị sẵn sàng
Các nhà phân tích cho biết Trung Quốc đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho làn sóng thuế quan ập vào nước này nếu cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump quay trở lại Nhà Trắng.
Bà Chen Fengying, nhà nghiên cứu tại Viện Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc (CICIR), bình luận: “Một cuộc chiến thương mại mới có vẻ là điều không thể tránh khỏi”. Quan điểm của bà Chen đáng chú ý bởi CICIR có liên kết với Bộ An ninh Nhà nước Trung Quốc.
Ông Trump bị đạn bắn sượt qua tai khi đang vận động tranh cử tại Pennsylvania cuối tuần trước. Cuộc tấn công này có vẻ đã làm tăng khả năng đắc cử của ông, ít nhất là trong ngắn hạn.
Theo South China Morning Post (SCMP), trong giai đoạn 2018 - 2019, chính quyền ông Trump đã áp thuế quan tới 25% lên hàng trăm tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.
Trên đường tranh cử năm nay, ông còn đưa ra những cảnh báo đanh thép hơn, bao gồm việc đánh thuế từ 60% lên mọi sản phẩm nhập từ Trung Quốc.
Bà Chen cho biết: “Có vẻ Trung Quốc đang thích nghi dần dần. Cho tới nay, Trung Quốc vẫn đang đối phó với thuế quan của Mỹ bằng cách di dời chuỗi cung ứng - các doanh nghiệp không có cách nào khác”.
Sau khi làn sóng thuế quan đầu tiên vào năm 2018 khiến doanh nghiệp bối rối, Trung Quốc đã tái cơ cấu mô hình thương mại bằng cách khai thác các thị trường mới nổi như Trung Đông và Trung Á, đồng thời nỗ lực thúc đẩy tiêu dùng nội địa.
Bà Chen nhấn mạnh: “Trung Quốc có tâm lý hoàn toàn khác so với 6 năm trước”.
Ảnh hưởng đến quan hệ song phương
Ông Nick Marro, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á của tổ chức Economist Intelligence Unit, chỉ ra một trong những cách để ông Trump áp thuế quan cao hơn là hủy bỏ quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn của Trung Quốc với Mỹ.
Vị chuyên gia cho biết nếu có nhiệm kỳ thứ hai, ông Trump có thể hành động cứng rắn hơn nhiều bởi ông đã biết những gì mình có thể và không thể làm từ nhiệm kỳ đầu tiên.
Các nhà phân tích nhận định đề xuất tăng mạnh thuế quan của ông Trump có thể được lòng một số cử tri, nhưng chưa chắc đã diễn ra trong thực tế, bởi nó có thể khiến lạm phát tăng vọt trong lúc người tiêu dùng đang đau đầu vì giá cả cao.
Nhà kinh tế Marro chỉ ra: “Rất nhiều nhà sản xuất Mỹ không có khả năng cạnh tranh tốt trên toàn cầu, đồng thời họ còn phụ thuộc vào hàng hóa trung gian và tư liệu sản xuất từ nước ngoài, bao gồm Trung Quốc”.
Việc thiếu các lựa chọn thay thế tức thời cho những mặt hàng trên có nguy cơ khiến giá cả nhảy vọt, trước mắt là giá sản xuất. Ông Marro nói thêm rằng dù giá cả có hạ xuống trong những năm tiếp theo, có thể chúng vẫn sẽ duy trì ở mức cao hơn so với trước khi ông Trump tăng thuế quan.
Ông Lu Xiang, nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cảnh báo: “Nếu Mỹ áp thuế quan 60% lên mọi hàng hóa Trung Quốc, mối quan hệ Mỹ - Trung sẽ bị tách rời hoàn toàn.
Nếu vẫn còn khả năng thương thảo với Mỹ về thuế quan, Trung Quốc vẫn sẽ quan tâm đến quan hệ song phương. Nhưng nếu mối quan hệ thương mại đổ vỡ hoàn toàn và nền kinh tế hai bên không còn chút phụ thuộc nào, Trung Quốc sẽ không quan tâm đến Mỹ nữa và đó cũng sẽ là kịch bản bất ổn nhất đối với ôngTrump”.
Ông Ding Shuang, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Standard Chartered, cho rằng có thể ông Trump sẽ thông báo mức thuế quan 60% nếu tái đắc cử, nhưng ông sẽ chỉ dùng lập trường đó để chiếm lợi thế khi đàm phán với Trung Quốc.
Dưới nhiệm kỳ của ông Trump, hai siêu cường có thể sẽ tìm ra điểm thỏa hiệp trong những lĩnh vực như năng lượng. Trung Quốc là quốc gia nhập khẩu năng lượng lớn còn Mỹ là nhà xuất khẩu lớn.
Trong ngắn hạn, ngành xuất khẩu của Trung Quốc có thể được thúc đẩy nếu ông Trump đắc cử. Các nhà nhập khẩu Mỹ có khả năng sẽ cố gắng nhập hàng sớm và tích lũy tồn kho trước khi thuế quan có hiệu lực.
Ông Ding nói tiếp: “Nếu ông Trump tái đắc cử, xu hướng dịch chuyển chuỗi công nghiệp ra khỏi Trung Quốc sẽ tiếp diễn”.
Tuy muốn dựng hàng rào với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, ông Trump lại ủng hộ doanh nghiệp nước này xây nhà máy ở Mỹ và thuê lao động địa phương. Ông Ding dự đoán điều này có thể sẽ chuyển dòng vốn đầu tư nước ngoài của doanh nghiệp Trung Quốc khỏi các nước như Đông Nam Á và Mexico và tới Mỹ.