MB: Đã thu hồi 2.400 tỷ tiền nợ từ Novaland, lên kế hoạch tăng trưởng thận trọng cho năm 2024
Dư nợ của Novaland không còn nhiều
Tại Đại hội, trước thắc mắc của nhiều cổ đông về dư nợ của Novaland tại MB, ông Phạm Như Ánh thông tin, năm 2023, MB đã thu hồi nợ được 2.400 tỷ đồng và hiện tại dư nợ không còn nhiều. Ông Ánh xin phép đại hội không thông tin về con số cụ thể vì liên quan đến quy định bảo mật.
"MB cho vay dựa trên các khoản dự án cụ thể, các khoản vay không đáng lo ngại do MB quản lý rủi ro và tài sản đảm bảo rất chặt chẽ, hơn nữa các vấn đề pháp lý tại các dự án ở Novaland cũng đang được giải quyết, tháo gỡ, dự kiến trong quý II này sẽ xong", Tổng giám đốc ngân hàng cho biết.
Trả lời thắc mắc của nhà đầu tư liên quan đến việc ngân hàng mua trái phiếu của Novaland, ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch HĐQT cho rằng, trái phiếu bản chất là công cụ tài chính rất tốt, đã có lịch sử hàng trăm năm nay. Do đó, quan trọng là đầu tư vào trái phiếu nào, của nhà phát hành nào và cách quản lý ra sao.
"Chúng tôi lựa chọn nhà phát hành là khách hàng để đầu tư trái phiếu thay vì cho vay trung dài hạn và quản lý dự án không khác gì cho vay trung dài hạn, đảm bảo dài hạn. Nhưng có điểm mạnh của đầu tư trái phiếu là dễ dàng chuyển nhượng. Đối với Novaland, cách thức chúng tôi tiếp cận vừa qua tốt là giảm nửa dư nợ và Novaland cũng đang được hỗ trợ pháp lý để tiếp tục dự án. Chúng ta có hàng triệu khách hàng và trên đường đi không tránh khỏi rủi ro, quan trọng là cách chúng ta tiếp cận và xử lý rủi ro như thế nào", ông Thái nói.
Đặt kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận thận trọng
Báo cáo tại đại hội, ông Phạm Như Ánh cho biết, đến cuối năm 2023, tổng tài sản tập đoàn đạt gần 945.000 tỷ đồng, tăng 29,7% so với năm 2022. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt hơn 26.306 tỷ đồng, tăng trưởng 15,7% so với năm 2022, góp mặt trong top 3 lợi nhuận toàn ngành. Riêng ngân hàng, lợi nhuận đạt 24.688 tỷ đồng, tăng 21,5% so năm ngoái.
Năm 2023, MB đã tận dụng tối đa được room tín dụng NHNN phê duyệt, tăng trưởng tín dụng của riêng ngân hàng tăng 28,2%. Trong đó, dư nợ cho nhóm ngành ưu tiên theo định hướng của Chính phủ chiếm 65%.
Năm nay, ngân hàng kỳ vọng lợi nhuận trước thuế tăng trưởng từ 6 - 8%, con số cụ thể theo đó dự kiến đạt từ 27.884 tỷ đồng đến 28.411 tỷ đồng.
Lý giải con số tăng trưởng lợi nhuận khá khiêm tốn, ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch ngân hàng cho biết, trong năm 2023, NIM toàn ngành giảm, do đó dự kiến sẽ tác động đến 2024. Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng dự kiến vẫn ở mức thấp.
"Tốc độ tăng trưởng quý I hàng năm thường ở mức 5-6% nhưng tới thời điểm này mới chỉ tăng 0,23%. Điều này cho thấy nhu cầu hấp thụ vốn của nền kinh tế giảm trong khi NIM giảm, áp lực dự phòng nợ xấu tăng lên, do đó để an toàn, chúng tôi quyết định đặt kế hoạch lợi nhuận tăng trưởng 6-8%, phấn đấu có thể đạt 10% trong năm nay", ông Thái nói.
Trong giai đoạn từ 2024 đến 2029, MB kỳ vọng mức tăng trưởng lợi nhuận tích cực hơn, trung bình khoảng 12%/năm.
Về chỉ tiêu tổng tài sản, ngân hàng đặt mục tiêu tăng 13%, tức đạt gần 1,23 triệu tỷ đồng vào cuối năm 2024 và đạt mức tăng trưởng trung bình khoảng 14%/năm trong giai đoạn 2024 - 2029.
Huy động trong năm 2024 tùy thuộc nhu cầu sử dụng vốn, trong khi mục tiêu trung bình trong 5 năm tới là 15%/năm.
Tín dụng được dự báo sẽ tăng trưởng từ 15% đến 16% trong năm 2024, tùy thuộc theo hạn mức của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). 5 năm tới, MB đặt mục tiêu tín dụng trung bình đi lên 15% mỗi năm. Trong khi đó, tỷ lệ nợ xấu sẽ được kiểm soát dưới 2%, tỷ lệ an toàn vốn tuân thủ Basel II, ở mức tối thiểu là 9%.
Sẽ chia cổ tức tỷ lệ 20%
Theo báo cáo của HĐQT, sau khi trích lập các quỹ, tổng lợi nhuận sau thuế để lại của MB đạt 18.952 tỷ đồng. Dự kiến, trong năm 2024, ngân hàng sẽ sử dụng 10.613 tỷ đồng để chia cổ tức cho cổ đông, với hai cấu phần.
Tổng cộng trong năm 2024, ngân hàng sẽ chia cổ tức với tỷ lệ 20%. Số lợi nhuận còn lại sau khi thực hiện chia cổ tức là 8.339 tỷ đồng. Đầu tiên, MB sẽ dành 2.653 tỷ đồng để chia cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 5%. Thời gian chia cổ tức bằng tiền mặt hiện vẫn chưa được công bố.
Đồng thời, MB cũng dành 7.959 tỷ đồng để chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 15%, giúp vốn điều lệ tăng thêm tương ứng. Thời gian thực hiện kế hoạch trên là trong năm 2024, theo chấp thuận của cơ quan chức năng.
Ngoài việc nâng vốn thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu, MB cũng có kế hoạch phát hành riêng lẻ thêm 62 triệu cổ phiếu, tương đương mức tăng vốn điều lệ là 620 tỷ đồng. Vào đầu năm 2024, ngân hàng đã hoàn thành kế hoạch bán 73 triệu cổ phiếu cho hai cổ đông là SCIC và Viettel. Thời gian thực hiện là từ năm 2024 đến quý II/2025.
Sau khi hoàn thành hai kế hoạch tăng vốn trên, vốn điều lệ của MB dự kiến sẽ tăng lên 61.643 tỷ đồng.