MBKE: VN-Index có thể hướng đến 1.800 điểm trong 2022
Trong Báo cáo chiến lược thị trường và tiêu điểm kinh tế vĩ mô tháng 12, Chứng khoán MayBank Kim Eng (MBKE) đánh giá sau khi VN-Index cuối cùng đã đạt mức cao kỷ lục 1.500 điểm trong tuần cuối cùng của tháng 11, việc chốt lời và những bất ổn do sự xuất hiện của biến thể Omicron đã tạo ra một số áp lực trong trung hạn cho chỉ số để duy trì ở mức cao này.
Tuy nhiên, theo quan sát, thanh khoản trên thị trường (đáng chú ý là nhà đầu tư cá nhân trong nước) vẫn rất mạnh, có thể sẵn sàng mua vào. Do đó, MBKE kỳ vọng thị trường sẽ chứng kiến một sự điều chỉnh nhẹ ở nửa đầu tháng 12 và cũng là thời gian chờ đợi kết luận một cách chắc chắn từ các chuyên gia về mức độ đáng ngại của biến thể COVID-19.
Trong trường hợp biến thể mới tạo ra ít tác động hơn đến số ca nhập viện và tử vong, các loại vắc xin hiện tại vẫn cung cấp sự bảo vệ nhất định và các nhà sản xuất vắc xin cho thấy tiến bộ trong việc nâng cấp, thị trường có thể sẽ phục hồi mạnh mẽ.
VN-Index có thể tiến lên gần 1.800 điểm, đây là thời gian tích lũy cổ phiếu cho 2022
MBKE tin rằng sự điều chỉnh đang diễn ra là thời gian để nhà đầu tư tích lũy vị thế đối với những cổ phiếu khả quan cho năm 2022.
Theo quan điểm của công ty chứng khoán này, thanh khoản mạnh có thể duy trì ít nhất đến 6 tháng đầu năm 2022 và cũng có thể là trong nửa cuối năm 2022 nhờ dòng tiền ngoại quay lại.
Điều kiện để dòng vốn ngoại quay lại là Chính phủ có thể kiềm chế lạm phát để đảm bảo với nhà đầu tư nước ngoài về triển vọng tăng trưởng ổn định của Việt Nam sau năm 2022.
Đi cùng thanh khoản là sự phục hồi kinh tế đáng chú ý được củng cố nhờ tỷ lệ tiêm chủng cao hơn sẽ tạo nền tảng cho tăng trưởng EPS 22% vào năm 2022, MBKE kỳ vọng VN-Index có thể tiến xa hơn lên gần 1.800 điểm, dựa trên 17 lần PER năm 2022.
Tỷ lệ tiêm chủng tăng cao trong thời gian gần đây đã đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có tốc độ tiêm chủng nhanh nhất. Tính đến ngày 30/11, hơn 73% dân số đã được tiêm ít nhất một liều, với khoảng 51% dân số được tiêm chủng đầy đủ. Tỷ lệ tiêm đầy đủ ở các thành phố và công nghiệp trọng điểm đạt trên 70%.
Năng lực tăng tốc tiêm chủng của Việt Nam đã đánh bại tất cả các dự báo trước đó. Điều này giúp củng cố triển vọng phục hồi của Việt Nam vào năm 2022. MBKE dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 6,7% vào năm 2022. Lạm phát sẽ duy trì ở mức ổn định dưới 4%.
Chính phủ Việt Nam sẽ họp vào tháng 12 để bàn về gói kích thích kinh tế, với các gói đầu tư tập trung vào cơ sở hạ tầng, cắt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và giảm lãi suất cho vay (trong đó ngân sách Nhà nước sẽ bù đắp cho các ngân hàng khi giảm lãi suất).
Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước cũng đang xem xét nâng hạn ngạch tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng vào năm 2021. Công ty chứng khoán này kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ duy trì quan điểm ủng hộ vào năm 2022, với mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn ngành là 14%.
Một số ngành dẫn đầu hưởng lợi từ sự phục hồi kinh tế
Các ngành dẫn đầu hưởng lợi từ sự phục hồi kinh tế và đầu tư công tăng tốc của Chính phủ bao gồm: vật liệu, năng lượng, hậu cần, bất động sản khu công nghiệp, nhà ở, bất động sản thương mại, bán lẻ và ngân hàng.
Trên thực tế, một số ngành đã phục hồi. Do đó, MBKE khuyến nghị nhà đầu tư nên chọn thời gian điều chỉnh để tích lũy các mã ngành nguyên vật liệu, năng lượng, phương tiện dịch vụ công ích, bất động sản, bán lẻ, hậu cần và ngân hàng ngay bây giờ.
Về một số cổ phiếu cụ thể, công ty chứng khoán này khuyến nghị tích cực đối với ngành tài chính như VCB, TCB, MBB, VPB, MSB, STB (ngân hàng), VND, SSI (chứng khoán). Đối với nhóm bất động sản, khu công nghiệp, danh mục bao gồm: VHM, NVL, VRE, BCM, SZC.
Với ngành công nghiệp, MBKE đánh giá tích cực đối với VIC, DGC, HPG. Ngoài ra, một số cổ phiếu được khuyến nghị bao gồm nhóm tiêu dùng: MWG, MSN, PNJ, VEA, VHC; Logistics: ACV, GMD, DXP; Năng lượng: GAS, PVD; Phương tiện dịch vụ công ích: REE.