Mì Hảo Hảo chua cay tại thị trường Việt Nam có chất 2-CE

07:23 | 13/09/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo kết quả thử nghiệm của Trung tâm phân tích Eurofins thì sản phẩm Hảo Hảo tôm chua cay nội địa không có chất EO và có sự hiện diện của một lượng rất nhỏ 2-chloroetanol (2-CE) với hàm lượng 1,17 ppm.

Chiều 12/9, Công ty CP Acecook Việt Nam vừa có thông báo về sản phẩm “Hảo Hảo tôm chua cay” và các sản phẩm khác của Acecook Việt Nam đang tiêu thụ tại thị trường nội địa. Theo đó, thông báo của Acecook khẳng định, sản phẩm của họ đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn về sức khoẻ.

Theo đó, công ty đã tìm hiểu rõ về nội dung cảnh báo của RASFF, tiêu chuẩn Ethylene Oxide (EO) của các nước thuộc EU cũng như khẩn trương tiến hành rà soát toàn bộ quy trình sản xuất, và gửi đi thử nghiệm một số mẫu sản phẩm nội địa tại Trung tâm phân tích Eurofins.

Theo kết quả thử nghiệm của Trung tâm phân tích Eurofins thì sản phẩm Hảo Hảo tôm chua cay nội địa không có chất EO và có sự hiện diện của một lượng rất nhỏ 2-chloroetanol (2-CE) với hàm lượng 1,17 ppm. Đồng thời, hàm lượng 2-CE này có giá trị thấp hơn rất nhiều lần so với tiêu chuẩn của Mỹ (940 ppm), Canada (940 ppm) và một số quốc gia khác.

Ông Kajiwara Junichi, Tổng Giám đốc Công ty ACECOOK Việt Nam

Như vậy, công ty Acecook Việt Nam khẳng định sản phẩm Hảo Hảo tôm chua cay nội địa có chất lượng đảm bảo và hoàn toàn tuân thủ đúng quy định pháp luật Việt Nam.

Trước đó ngày 20/8, Cơ quan an toàn thực phẩm của Ireland thông báo thu hồi các lô sản phẩm mì ăn liền hương tôm chua cay nhãn hiệu Hảo hảo và miến ăn liền hương sườn non nhãn hiệu Good của Công ty cổ phần Acecoo Việt Nam do phát hiện thuốc bảo vệ thực vật EO không được phép sử dụng tại Châu Âu.

Ngay sau đó, Bộ Công Thương đã khẩn trương xác minh thông tin liên quan đến cảnh báo của FSAI và đề nghị Công ty cổ phần Acecook Việt Nam khẩn trương báo cáo về quy trình sản xuất và sự khác biệt giữa lô sản phẩm tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đối với 2 sản phẩm mì nói trên.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ Công Thương đã yêu cầu doanh nghiệp báo cáo, yêu cầu Ban bảo vệ an toàn thực phẩm của TP.HCM kiểm tra quy trình sản xuất và việc tuân thủ các quy định của hai doanh nghiệp này thế nào. Bộ Công Thương đã nhận được báo cáo của các đơn vị này.

Ngoài ra, quy định ngưỡng cụ thể về chất EO giữa các quốc gia không giống nhau. Ví dụ như Ireland đánh giá EO là vượt ngưỡng nhưng lại thấp hơn so với Mỹ. Các doanh nghiệp khẳng định các sản phẩm được sản xuất riêng cho thị trường EU chứ không sản xuất và sử dụng tại Việt Nam.

Trả lời báo chí, đại diện Acecook Việt Nam khẳng định sản phẩm bị thu hồi trong thông tin được đề cập là sản phẩm xuất khẩu, không cùng lô hàng sản xuất với sản phẩm nội địa tại Việt Nam.

Về nguyên nhân xuất hiện chất 2-CE trong sản phẩm, theo bước đầu xác minh, Acecook Việt Nam cho hay đã có nhà cung cấp sử dụng EO để khử khuẩn trong một số nguyên liệu, kết quả phân tích nguyên liệu của nhà cung cấp cũng phát hiện sự hiện diện của một ít 2-CE.

Trước mắt, Acecook Việt Nam quyết định tạm ngưng xuất khẩu cho thị trường EU, đồng thời trao đổi với những nhà phân phối tại các nước EU về việc ngưng xuất hàng ra thị trường đối với những sản phẩm còn chưa đạt tiêu chuẩn EU về chất 2-CE này.

Liên quan đến vụ việc này, trao đổi trên báo chí, ông Vũ Thế Thành, chuyên gia thực phẩm cho rằng, EO là chất khí, và đúng là chất gây ung thư, chủ yếu qua đường hô hấp (hít thở). Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA) khẳng định điều này. Tiếp xúc thường xuyên với ethylen oxide có thể gây kích ứng da, mắt mũi, cuống họng, phổi...

Theo ông Thành, không chỉ EO mà những chất chuyển hóa từ nó cũng thế. Nếu ethylen oxide có mặt trong thực phẩm, nó có thể chuyển hóa thành những chất khác, "chộp" cả clor của thực phẩm để tạo ra hợp chất clor hữu cơ, còn độc "dữ dằn" hơn. Nên Châu Âu đã cấm sử dụng EO trong thực phẩm.

Ông Thành cũng khẳng định, EO không phải là phụ gia thực phẩm để đưa vào chế biến. Nhưng còn dùng ethylen oxide để khử khuẩn nông sản, gia vị thì đã số các quốc gia châu Âu, Mỹ và Canada cấm tiệt, nhưng hầu hết các nước khác lại cho phép và Việt Nam nằm trong số này.

Được biết, Ethylene Oxide (EO), hay còn gọi là oxiran và epoxit là hợp chất hữu cơ có công thức phân tử C2H4O, trong đó nguyên tử O liên kết với cả hai nguyên tử C nên khá linh động, thường được tìm thấy ở dạng khí không màu và rất dễ cháy.

EO khi gặp các vi sinh vật sẽ xảy ra quá trình Alkyl hóa ADN và ARN, làm bất hoạt vi sinh vật nên EO trở thành thuốc khử trùng phổ rộng. Tuy nhiên, EO làm biến đổi vật chất di truyền ADN và ARN, tức là biến đổi gen, nên tiềm ẩn nguy cơ gây ung thư.

 

Xem thêm: Thứ trưởng Bộ Công Thương nói gì về vụ mì Hảo Hảo có chất Ethylene Oxide?