Mở màn chiến dịch truy quét hàng giả: Tiểu thương Saigon Square đồng loạt đóng cửa
Chiến dịch mở màn trong chuỗi các nhiệm vụ trọng tâm năm 2020 về đấu tranh phòng ngừa, kiểm tra, xử lý vi phạm tại các địa bàn, tụ điểm nổi cộm về hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền SHTT được Tổng cục Quản lý thị trường thực hiện tại khu mua sắm sầm uất bậc nhất Sài Gòn. Nơi mà bấy lâu giới làm ăn trong nghề coi là tụ điểm tập kết, công khai kinh doanh buôn bán hàng nhái hàng giả.
Nhiều gian hàng tại Trung tâm thương mại Saigon Square đồng loạt đóng cửa để tránh sự kiểm tra của lực lượng QLTT
Theo Tổng cục Quản lý thị trường, ngày 10/1, các gian hàng tại Trung tâm thương mại Saigon Square và Lucky Plaza đồng loạt đóng cửa. Giới tiểu thương đã biết sợ, chứ không còn công khai thách thức hay tỏ thái độ chống đối.
Điều này cũng trái ngược hẳn với nhiều đợt kiểm tra trước đây - khi cơ quan chức năng rời đi - hàng hoá lại được bày bán công khai như chưa có việc gì xảy ra. Thậm chí, sau các đợt truy quét hàng giả, hạng nhái lại đổ về buôn bán sôi động hơn.
Sau 2 ngày ra quân, từ 8 – 9/1/2020, Đội QLTT số 1 thuộc Cục QLTT TPHCM dưới dự chỉ đạo trực tiếp của Tổng cục QLTT đã thu giữ hàng nghìn sản phẩm có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu LV, Gucci, Montblanc, Burberry, YSL, Valentino, Prada, Hermes, Chanel tại 14 địa điểm kinh doanh trong trung tâm thương mại Saigon Square và Lucky Plaza. Các mặt hàng bị làm giả chủ yếu là kính, túi, ví, giày dép, dây lưng. Ước tính giá trị hàng vi phạm khoảng 100 triệu đồng.
Trong hai ngày trước đó, lực lượng QLTT thu giữ hàng nghìn sản phẩm tại 14 điểm kinh doanh trong 2 Trung tâm thương mại Saigon Square và Lucky Plaza
Không dừng lại ở đó, Lực lượng quản lý thị trường tiếp tục mở đợt tấn công thứ 3 vào sáng 10/1, ghi nhận sự chuyển biến tích cực, các gian hàng kinh doanh trong Trung tâm thương mại Saigon Square và Lucky Plaza đồng loạt đóng cửa để tranh cơ quan chức năng.
“Tinh thần Quyết định 3972 của Tổng cục QLTT là “Nói không với các vi phạm và truy quét tới cùng”. Mỗi địa bàn chúng tôi làm liên tục trong nhiều ngày và sẽ đột xuất quay lại kiểm tra khi cần. Chúng tôi muốn để tiểu thương hiểu đúng, hiểu đủ về bản chất của việc kinh doanh để từ đó ký cam kết không kinh doanh các mặt hàng vi phạm, chuyển hướng sang các mặt hàng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng”, ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ QLTT, Tổng cục QLTTnói.
Theo Kế hoạch đấu tranh phòng ngừa, kiểm tra, xử lý vi phạm tại các địa bàn, tụ điểm nổi cộm về hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền SHTT đến hết năm 2020, việc kiểm tra sẽ được triển khai tại 20 tỉnh, thành phố với hàng trăm địa bàn nổi cộm về hàng giả, hàng nhái.
“Chúng tôi xác định đây không phải là nhiệm vụ dễ thực hiện. Tuy nhiên, với Quyết tâm cao nhất để làm trong sạch thị trường, bảo vệ doanh nghiệp chân chính, mang lại niềm tin cho người tiêu dùng. Chúng tôi sẽ huy động toàn lực lượng với quyết tâm cao nhất để thực hiện nhiệm vụ” lãnh đạo Tổng cục QLTT nhấn mạnh.
Với tinh thần đó, Tổng cục QLTT cũng đặt ra mục tiêu cụ thể: Đến hết tháng 03 năm 2020, 100% số cơ sở kinh doanh tại các địa bàn nổi cộm được tuyên truyền, vận động, phổ biến pháp luật, ký cam kết không kinh doanh hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và không tái phạm.
100% số cơ quan, chính quyền, ban quản lý chợ, trung tâm thương mại, tuyến phố, phường, xã, thôn, xóm... tại các địa bàn nổi cộm được tuyên truyền, phổ biến pháp luật, ký cam kết, quy chế phối hợp không để hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bày bán công khai, vi phạm tái diễn.
Đến hết tháng 6 năm 2020: 50% số cơ sở kinh doanh tại các địa bàn nổi cộm không còn kinh doanh hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; 70% số cơ sở kinh doanh đã bị xử phạt vi phạm hành chính không tái phạm.
Đến hết tháng 12 năm 2020: 90% đến 100%số cơ sở kinh doanh tại các địa bàn nổi cộm không còn kinh doanh hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; 90% đến 100% số cơ sở kinh doanh tại các địa bàn nổi cộm đã bị xử phạt vi phạm hành chính không tái phạm.
“Đấu tranh với hàng giả là cuộc chiến lâu dài và đầy khó khăn thách thức mà không chỉ Việt Nam, nhiều nước trên thế giới cũng phải đối mặt. Khó nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm làm để bảo vệ người tiêu dùng cũng như giới doanh nghiệp kinh doanh chân chính”, lãnh đạo Tổng cục QLTT nêu quyết tâm.
Theo Tổng cục QLTT, Bộ Công Thương, các tỉnh, thành phố địa bàn nổi cộm bao gồm:
- Hà Nội: Quận Hoàn Kiếm (Chợ Đồng Xuân, các tuyến phố Hàng Bài, Huế, Bà Triệu, Tràng Thi, Hàng Khay, Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Buồm, Hàng Đường, Đồng Xuân, Hàng Giấy, Hàng Khoai, Hàng Gai, Hàng Bông, Đinh Liệt), Gia Lâm (các chợ, trung tâm thương mại tại Ninh Hiệp), Phú Xuyên (xã Sơn Hà), Phúc Thọ (xã Tam Hiệp), Hoài Đức (xã La Phù).
- TPHCM: Chợ, trung tâm thương mại (Saigon Square, Bến Thành, An Đông, Kim Biên, Bình Tây, Tân Bình và các tuyến đường xung quanh, Lucky Plaza), các tuyến đường (Lê Văn Sỹ - Huỳnh Văn Bánh, Cách Mạng Tháng 8, Nguyễn Trãi, Ba Tháng Hai, Bà Hom - tỉnh lộ 10).
- Đà Nẵng: Chợ Cồn, chợ Hàn, chợ Đống Đa, các tuyến phố Lê Duẩn - shop thời trang và chợ đêm, các chợ Hòa Khánh, Hùng Vương, Ông Ích Khiêm
- Khánh Hoà: Thành phố Nha Trang (các chợ Đầm, VCN Phước Hải, Xóm Mới, Vĩnh Hải, Trung tâm thương mại Hòn Chồng, chợ đêm Nha Trang; các tuyến đường Nguyễn Trãi, Ngô Gia Tự, Phan Bội Châu, Thống Nhất).
- Quảng Ninh: Thành phố Hạ Long (các chợ Hạ long 1, Hạ long 2, Bãi Cháy, Hòn Gai), Đầm Hà (chợ Đầm Hà), Cẩm Phả (tuyến đường Trần Phú), Móng Cái (tuyến đường Đào Phú Lộc -Triều Dương, chợ trung tâm thành phố, đại lộ Hòa Bình), Uông Bí (phố Quang Trung).
- Hải Phòng: Đường ngoài Chợ Đổ, Số 4 Hoàng Ngân, Phan Bội Châu
- Vĩnh Phúc: Thổ Tang, Vĩnh Tường
- Lạng Sơn:Các chợ Tân Thanh, Đông Kinh, Kỳ Lừa, Hồng Kông-Tân Thanh
- Bắc Ninh:Chợ Đọ, chợ Nhớn; khu vực giáp ranh với chợ Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội
- Bắc Giang: Thành phố Bắc Giang (chợ Thương).
- Thái Nguyên: Các chợ trung tâm trong thành phố Thái Nguyên, địa bàn phường Đồng Quang, phường Thịnh Đán, Thành phố Thái Nguyên
- Quảng Trị: Các chợ Đông Hà, chợ Quảng Trị.
- Thừa Thiên Huế: Các chợ: Đông Ba, Bến Ngự, Tây Lộc, tuyến phố Hùng Vương.
- Quảng Nam - Hội An: Các tuyến phố Trần Phú, Bạch Đằng, Nguyễn Thị Minh Khai, Hai Bà Trưng, Phan Bội Châu, Nguyễn Thái Học.
- Tây Ninh: Chợ Long Hoa, chợ Tây Ninh.
- Bình Thuận: Chợ Phan Thiết.
- Đồng Nai: Các chợ Biên Hùng, Biên Hòa, chợ Mới Long Thành, Trung tâm thương mại Viva Square.
- Bình Dương Chợ Thủ Dầu Một, Chợ Lái Thiêu.
- Cần Thơ: Các chợ Cần Thơ, Đêm Tây Đô, chợ Đêm Ninh Kiều, Trung tâm thương mại Cái Khế.
- Kiên Giang: Chợ 30/4, Trung tâm thương mại Thành phố Rạch Giá; chợ đêm Phú Cường, khu đô thị Phú Cường thành phố Rạch Giá.