Mở rộng đường để kinh tế tư nhân phát triên

07:44 | 30/04/2019 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) -Thời gian qua, kinh tế tư nhân (KTTN) Việt Nam đã vươn lên mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực then chốt, không chỉ góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP mà còn góp phần củng cố, tăng cường tính tự chủ của nền kinh tế Việt Nam. Dư địa để KTTN phát triển còn rất lớn, vấn đề quan trọng là phải được khơi thông nguồn lực, xóa bỏ mọi rào cản từ nhận thức.

Đầu tiên phải kể đến việc Tập đoàn Vingroup đã nâng tầm thương hiệu quốc gia khi lần đầu tiên ra mắt thương hiệu ô tô đầu tiên của Việt Nam - Vinfast tại triển lãm motor danh giá thế giới tổ chức tại Paris, Pháp.

Tiếp theo đó, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh) được khánh thành vào cuối năm 2018, đánh dấu một cột mốc mới trong quá trình phát triển hạ tầng giao thông ở Việt Nam. Lần đầu tiên doanh nghiệp tư nhân (DNTN) đầu tư, vận hành cảng hàng không, lĩnh vực rất đặc thù về chuyên môn, kỹ thuật, đòi hỏi nguồn vốn lớn và cả những vấn đề về an ninh, vốn trước đây đều do doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đảm nhiệm.

Không chỉ Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, nhiều công trình giao thông khác cũng mang dấu ấn của KTTN, như: Cảng tàu khách du lịch quốc tế Hạ Long, tuyến đường cao tốc Hạ Long-Vân Đồn (Quảng Ninh). Trong lĩnh vực hàng không, sự tham gia của DNTN ngày càng được mở rộng, Hãng hàng không Bamboo Airway trở thành hãng hàng không thứ 5 của Việt Nam, đồng thời cũng là hãng hàng không thuộc quản lý, điều hành của DNTN.

Mở rộng đường để kinh tế tư nhân phát triên - ảnh 1
 Xe VinFast ở Paris Motor Show 2018. Ảnh: Twitter/Bouniol Guillaume.
Bên cạnh đó, ở nhiều lĩnh vực khác, đã có hàng loạt sản phẩm, dự án, công trình của các tập đoàn, DNTN hàng đầu tại Việt Nam ra mắt thị trường trong thời gian qua. Các dự án này đã nâng tầm vị thế của các tập đoàn, doanh nghiệp, như: Vingroup, Sun Group, Vietjet, TH true Milk, Hòa Phát, Công ty Cổ phần ô tô Trường Hải, T&T... và từng bước định vị thương hiệu quốc gia Việt Nam trên toàn cầu.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), KTTN đang chiếm một lực lượng đông đảo với khoảng 700.000 doanh nghiệp và khoảng 5,2 triệu hộ kinh doanh. Qua các năm, số doanh nghiệp thành lập mới liên tiếp đạt kỷ lục. Riêng năm 2018, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đạt 131.275 doanh nghiệp và tổng vốn đăng ký là 1.478,1 nghìn tỷ đồng, tăng 3,5% về số doanh nghiệp và tăng 14,1% về số vốn đăng ký so với năm 2017. Đáng chú ý, chỉ trong quý I/2019, cả nước có hơn 28.400 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 375,5 nghìn tỷ đồng, tăng 6,2% về số lượng và tăng 34,8% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018 - đây là số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng cao nhất so với cùng kỳ 5 năm gần đây.
Đáng chú ý, theo thông tin từ Ban Kinh tế Trung ương, hằng năm, trong khu vực doanh nghiệp, DNTN đang có đóng góp lớn nhất vào Ngân sách Nhà nước với gần 50%; là khu vực chính tạo ra việc làm mới cho người lao động. Năm 2018, về vốn đầu tư, vốn của khu vực tư nhân chiếm 43,3% trong tổng nguồn vốn của xã hội; đã tạo ra hơn 40% GDP, đóng góp khoảng 30% giá trị tổng sản lượng công nghiệp, gần 80% tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ, khoảng 64% tổng lượng hàng hóa vận chuyển.
Dẫu vậy, các chính sách đối với khu vực tư nhân hiện nay chủ yếu hướng đến khu vực chính thức. Do đó, các khó khăn với khu vực KTTN nói chung vẫn còn nhiều và bủa vây ở nhiều phía.
Mở rộng đường để kinh tế tư nhân phát triên - ảnh 2
 Nhà máy Thaco Mazda của Công ty Cổ phần ô tô Trường Hải.
Đánh giá về khó khăn cho phát triển KTTN, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế của VCCI, cho rằng chất lượng xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật còn tồn tại nhiều bất cập khiến những rủi ro từ việc thực hiện chính sách đang lớn dần. Phản ánh của doanh nghiệp cho thấy, nhiều quy định chưa rõ ràng, thiếu nhất quán, phức tạp, chồng chéo hay thay đổi, dẫn tới tình trạng các cơ quan thừa hành và các doanh nghiệp lúng túng trong việc chấp hành luật; còn tình trạng “giấy phép con” gây khó cho doanh nghiệp.
Còn theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, mặc dù khu vực KTTN đóng góp hơn 40% GDP, nhưng DNTN mới chiếm khoảng 8% GDP, còn lại phần lớn thuộc về khu vực kinh tế cá thể, hộ gia đình. Điều đó có nghĩa, số đông trong khu vực KTTN vẫn là các hộ kinh doanh, các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ với trình độ công nghệ thấp, năng lực tài chính, năng suất lao động, hiệu quả kinh doanh còn thấp, trình độ quản trị, tính liên kết còn yếu. Do đó, theo Chủ tịch VCCI, không chỉ khuyến khích sự dịch chuyển từ khu vực hộ gia đình sang khu vực DNTN mà cần có sự hỗ trợ việc chuyển đổi này nhằm tăng khu vực doanh nghiệp chính thức, từ đó cải thiện năng lực cạnh tranh của khu vực KTTN.
Nhấn mạnh vào các giải pháp thúc đẩy cho khu vực KTTN phát triển, TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế cho rằng, các chính sách cần phải cởi mở hơn để các hộ kinh doanh cá thể chính thức đăng ký kinh doanh một cách dễ dàng, thuận lợi, từ đó sẽ tạo ra nguồn dư địa rộng hơn để tăng nguồn thu cho ngân sách. Đồng thời,  mảng chính sách phát triển và chuyển đổi khu vực không chính thức cần được tập trung hơn nữa, như: có cơ chế khuyến khích đăng ký thành lập DN, đồng thời cần xác định hình thức DN phù hợp để hộ kinh doanh cá thể có thể chuyển đổi sang, với nguyên tắc giảm thiểu các chi phí phát sinh và phân bổ nguồn lực một cách hiệu quả.
Phát triển KTTN lành mạnh theo cơ chế thị trường là một yêu cầu khách quan, vừa cấp thiết, vừa lâu dài trong quá trình hoàn thiện thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta; là một phương sách quan trọng để giải phóng sức sản xuất; huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phát triển. Kinh tế Việt Nam muốn phát triển vững mạnh không thể thiếu khu vực KTTN trong nước tăng trưởng hiệu quả và lớn mạnh.