Mối liên kết giá trị giữa doanh nghiệp và nông dân còn lỏng lẻo

22:25 | 03/07/2019 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Trong những năm qua, nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu cùng kinh tế thế giới. Các ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó có nông nghiệp được các chuyên gia đánh giá có nhiều cơ hội để phát triển. Tuy nhiên để không bị tụt hậu, ngành nông nghiệp cần phải nhanh chóng phát triển thành công chuỗi giá trị.

Theo các chuyên gia kinh tế, Hiệp định CPTPP mở ra một sân chơi mới với quy mô thị trường chiếm khoảng 13,5% GDP toàn cầu và bao trùm thị trường gần 500 triệu dân. Để tận dụng tốt các cơ hội do thị trường này mang lại cũng như chuẩn bị tâm thế sẵn sàng ở một sân chơi mới, doanh nghiệp Việt Nam nói chung và các chủ trang trại, doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp nói riêng cần chủ động tìm hiểu thông tin về Hiệp định CPTPP để nắm vững cam kết của Việt Nam và các thị trường đối tác quan tâm, đặc biệt là thông tin về các ưu đãi thuế quan theo Hiệp định này đối với những mặt hàng ta đang có thế mạnh hoặc có nhiều tiềm năng xuất khẩu trong thời gian tới.

Đặc biệt, các doanh nghiệp cần chủ động tìm hướng hợp tác với các thị trường đối tác của Hiệp định CPTPP để thu hút mạnh mẽ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam nhằm tận dụng hiệu quả nguồn vốn và việc chuyển giao công nghệ từ các tập đoàn lớn. Đây cũng chính là cơ hội tốt để các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.

Mối liên kết giá trị giữa doanh nghiệp và nông dân còn lỏng lẻo - ảnh 1
  Nông sản Việt có nhiều tiềm năng xuất khẩu trong thời gian tới.
Đánh giá về việc tham gia sâu vào các Hiệp định Thương mại kinh tế, đặc biệt là Hiệp định CPTPP, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng, Việt Nam sẽ gia tăng cơ hội xuất khẩu. Tuy nhiên ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt ở việc tăng sức ép đáng kể đến sức cạnh tranh với nhóm hàng nông lâm thủy sản và có thể đối mặt với nguy cơ thu hẹp sản xuất.
Nhưng trên thực tế, nền nông nghiệp nước ta vẫn chủ yếu là sản xuất manh mún, nhỏ lẻ với điệp khúc được mùa mất giá. Những mối liên kết còn lỏng lẻo, đặc biệt là mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân để tạo ra các chuỗi giá trị nông sản hàng hóa lớn còn hạn chế. Vai trò chính yếu của Nhà nước trong chuỗi giá trị còn hết sức mờ nhạt. Chính các yếu tố này đã làm cho nền nông nghiệp Việt Nam rất dễ bị tổn thương và kém sức cạnh tranh. Do vậy, việc xây dựng chuỗi giá trị có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong sản xuất nông nghiệp. Nếu không xây dựng thành công chuỗi giá trị sẽ khó đưa nông sản Việt ra thị trường thế giới.
Do đó, để hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp, theo bà Lê Việt Nga, từ năm 2010, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương triển khai xây dựng 02 mô hình thí điểm tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp tại 12 tỉnh (Lào Cai, Sơn La, Bắc Giang, Hải Dương, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Lâm Đồng, Bình Thuận, An Giang, Tiền Giang, Đồng Tháp), bao gồm mô hình Doanh nghiệp - Hợp tác xã - Hộ nông dân ở vùng sản xuất hàng hóa tập trung và mô hình Doanh nghiệp - Hộ kinh doanh - Hộ nông dân áp dụng ở vùng sản xuất phân tán. Đồng thời, trong thời gian qua, Bộ Công Thương và Sở Công Thương một số địa phương đã đồng hành các doanh nghiệp bán lẻ trong và ngoài nước tổ chức các “Tuần hàng nông sản”, hỗ trợ nông sản Việt Nam có thị trường tiêu thụ ổn định trong nước và từng bước xây dựng thương hiệu.
Mối liên kết giá trị giữa doanh nghiệp và nông dân còn lỏng lẻo - ảnh 2
 Mối liên kết giá trị giữa doanh nghiệp và nông dân còn lỏng lẻo.
Mục đích chung của chương trình là hỗ trợ mở rộng thị trường tiêu thụ một số mặt hàng đặc sản tại các vùng, miền, địa phương có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được cấp Giấy chứng nhận thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam (VietGAP)… tới người tiêu dùng, các nhà phân phối, nhà hàng, khách sạn,… góp phần khuyến khích hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn của các địa phương…
Tại các địa phương, hoạt động kết nối cung cầu, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường được các Sở Công Thương tập trung đẩy mạnh triển khai. Sở Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các tổ chức chính trị-xã hội, doanh nghiệp triển khai bán hàng thông qua các hệ thống bán lẻ, cửa hàng tiện ích, tổ chức các chuyến hàng bình ổn giá, đẩy mạnh việc lồng ghép bán hàng Việt trong các điểm bán hàng bình ổn, tổ chức nhiều hoạt động kết nối cung cầu giữa nhà sản xuất và nhà kinh doanh, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đưa hàng vào chợ, siêu thị, trung tâm thương mại…
Theo báo cáo của 56 Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong giai đoạn 2009-2019, các Sở Công Thương đã tổ chức được hơn 1.000 hội nghị kết nối cung cầu các cấp, từ đó kết nối hàng hóa từ các vùng miền tại tỉnh, thành này đến các địa phương khác, tăng cường sự lưu thông hàng hóa xuyên suốt cả nước. Điển hình là thành phố Hà Nội, đã phối hợp tổ chức thực hiện trên 80 cuộc giao thương, kết nối tiêu thụ hàng hóa giữa doanh nghiệp Hà Nội và các tỉnh, thành phố… Hỗ trợ doanh nghiệp 46 tỉnh, thành phố đưa hàng hóa (chè, cà phê, gia vị, trái cây: chanh leo, thanh long, dừa, bơ…) vào các hệ thống phân phối nước ngoài như Aeon - Nhật, Central Group - Thái Lan, Lotte - Hàn Quốc, chợ đầu mối Rungis - Pháp...
Hay TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức thành công nhiều hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa, trở thành cầu nối để các doanh nghiệp giữa các tỉnh, thành tiếp xúc, trao đổi thông tin, nắm bắt nhu cầu tiêu thụ, hỗ trợ các địa phương phương thức đưa hàng hóa vào hệ thống phân phối, mở rộng thị trường các nước lân cận như Lào, Campuchia, Myanmar...