Một số điểm mới trong Nghị định 63 về đầu tư theo hình thức công-tư

17:19 | 11/06/2018 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Nghị định 63/2018/NĐ-CP (Nghị định 63) về đầu tư theo hình thức công-tư (PPP) sẽ có hiệu lực vào ngày 19/6. Nghị định được thiết kế với nhiều nội dung sửa đổi khá quan trọng và cụ thể.

Một số điểm mới trong Nghị định 63 về đầu tư theo hình thức công-tư - ảnh 1
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet 
Nghị định 63 đã giải quyết các vướng mắc, bất cập của Nghị định 15/2015/NĐ-CP về các vấn đề liên quan đến quy định dự án PPP, đặc biệt là quy định về chủ trương đầu tư dự án PPP; nguồn lực tài chính bố trí để chuẩn bị dự án và phần Nhà nước tham gia vào các dự án PPP; năng lực của các tổ chức đầu mối, cán bộ thực hiện dự án PPP...

Dưới đây là một số điểm mới của Nghị định 63 được Hội nghị đưa ra.

Một số điểm mới trong Nghị định 63 về đầu tư theo hình thức công-tư - ảnh 2
Hội nghị phổ biến Nghị định 63. Nguồn: baodauthau.vn 

Quy định rõ hơn về thẩm quyền, trình tự, thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư

Theo ông Trần Việt Dũng, Chánh văn phòng Cục Quản lý đấu thầu bổ sung, Nghị định 63 quy định rõ hơn về  trình tự, thủ tục triển khai dự án PPP sử dụng công nghệ cao với mục đích tạo sự linh hoạt trong quá trình triển khai và giảm thời gian, chi phí trong giai đoạn lập dự án. Đặc biệt, Nghị định rút ngắn giai đoạn chuẩn bị đầu tư với nhiều thủ tục được đơn giản hóa trong đó có việc bãi bỏ thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Mở rộng các nguồn vốn nhà nước tham gia dự án PPP

Nghị định cũng mở rộng nguồn vốn được sử dụng làm phần Nhà nước tham gia thực hiện dự án, ngoài vốn ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu chính phủ, vốn trái phiếu chính quyền địa phương, vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài; sẽ có thể sử dụng nhiều nguồn lực khác để tham gia, hỗ trợ nhà đầu tư trong dự án PPP, như giá trị quyền sử dụng đất, tài sản công, tài sản kết cấu hạ tầng, quyền kinh doanh khai thác công trình, dịch vụ...

Vốn thanh toán cho nhà đầu tư đối với các dự án PPP cũng quy định mở hơn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các bộ, ngành và ủy ban nhân dân cấp tỉnh linh hoạt trong việc sử dụng cũng như thuận lợi hơn cho nhà đầu tư tham gia dự án PPP.

Ngoài ra, Nghị định cũng quy định rất rõ tỷ lệ nguồn vốn chủ sở hữu, vốn huy động của nhà đầu tư thực hiện dự án theo hình thức PPP, trong đó, nhà đầu tư chịu trách nhiệm góp vốn chủ sở hữu và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện dự án theo hợp đồng dự án đã ký kết.

Cụ thể, đối với dự án có tổng vốn đầu tư đến 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư không được thấp hơn 20% tổng vốn đầu tư. Ðối với dự án có tổng vốn đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư được xác định theo nguyên tắc: đối với phần vốn đến 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu không được thấp hơn 20%; đối với phần vốn từ hơn 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu không được thấp hơn 10%. Phần Nhà nước tham gia trong dự án PPP không tính vào tổng vốn đầu tư để xác định tỷ lệ vốn chủ sở hữu...

"Quy định này được đưa ra nhằm sàng lọc năng lực tài chính của nhà đầu tư tham gia dự án PPP, tránh trường hợp dự án bị kéo dài do nhà đầu tư không có khả năng huy động nguồn lực tài chính cho dự án khiến dự án chậm triển khai, kéo dài như trong thời gian qua", ông Dũng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, để khắc phục lỗ hổng tạo tham nhũng, thất thoát trong dự án PPP do thiếu thông tin minh bạch, Nghị định 63 đã bổ sung điều khoản về công khai thông tin hợp đồng dự án, gồm thời hạn và nội dung thông tin được công khai.

Những thay đổi trong Nghị định 63 được kỳ vọng sẽ tạo niềm tin cho cộng đồng các nhà đầu tư về một môi trường đầu tư công khai, minh bạch, các dự án khi đưa ra đấu thầu được chuẩn bị kỹ lưỡng, bài bản hơn.