Một thành viên HĐQT Đầu tư Sao Thái Dương (SJF) xin từ nhiệm
Theo văn bản gửi đến Đại hội đồng cổ đông và Hội đồng Quản trị CTCP Đầu tư Sao Thái Dương, ông Nguyễn Anh Tuấn cho hay nộp đơn xin từ nhiệm vì lý do cá nhân nên không đủ thời gian đảm nhiệm vai trò thành viên HĐQT.
Ngay sau đơn từ nhiệm của ông Nguyễn Anh Tuấn, phía CTCP Đầu tư Sao Thái Dương ra văn bản thông báo ông Tuấn không còn đảm nhiệm chức vụ thành viên HĐQT Công ty từ ngày 27/5/2022.
Trước đó, ĐHĐCĐ thường niên tháng 6/2021 của Đầu tư Sao Thái Dương đã bầu ra 5 thành viên HĐQT cho nhiệm kỳ 2021-2025 là ông Nguyễn Trí Thiện, từng là Chủ tịch HĐQT SJF nhiệm kỳ 2016-2020, 4 cá nhân khác cũng từng là thành viên HĐQT SJF nhiệm kỳ 2016-2020 là các ông Nguyễn Xuân Nam, Nguyễn Anh Tuấn, Đặng Văn Hóa và Yoshiro Komiyama.
Như vậy, với việc ông Nguyễn Anh Tuấn từ nhiệm, HĐQT SJF còn 4 thành viên.
Ông Nguyễn Anh Tuấn sinh ngày 06/07/1985, có trình độ chuyên môn Kiến trúc sư. Ông Tuấn từng có thời gian làm việc tại vị trí chuyên viên Trung tâm quy hoạch đô thị và nông thôn Hà Nội vào năm 2009-2011 trước khi chuyển sang vai trò chuyên viên Công ty CP Vinaconex 21 từ năm 2011-2013. Giai đoạn 2013-2020, ông Tuấn là Phó Giám đốc Công ty CP HAWINCO Phúc Minh. Đến trước khi nộp đơn xin từ nhiệm, ông Tuấn cũng kiêm nhiệm vai trò thành viên HĐQT SJF.
Hiện ông Tuấn không sở hữu cổ phần nào tại SJF.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2022 của SJF, công ty ghi nhận doanh thu thuần 7,29 tỷ đồng trong quý, giảm mạnh 50% so với cùng kỳ năm ngoái (cùng kỳ năm ngoái đạt 14,73 tỷ đồng). Tuy vậy lợi nhuận sau thuế quý I/2022 đạt dương 364 triệu đồng, tăng đáng kể từ mức âm 2,48 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái (năm ngoái ghi nhận giá vốn hàng bán, chi phí bán hàng, chi phí khác và chi phí quản lý doanh nghiệp đều tăng vọt dẫn đến lợi nhuận giảm mạnh).
Tổng tài sản tính đến hết quý I/2022 đạt 1.143,94 tỷ đồng, giảm nhẹ so với mức 1.163,61 tỷ đồng hồi đầu năm. Trong đó, tài sản ngắn hạn là 668,03 tỷ đồng và tài sản dài hạn là 475,9 tỷ đồng.
Tổng nợ phải trả là 296,22 tỷ đồng, trong đó bao gồm 276,12 tỷ đồng nợ ngắn hạn và 20,1 tỷ đồng nợ dài hạn. Vay và nợ thuê tài chính (cả ngắn hạn và dài hạn) là 135,55 tỷ đồng, tương đương 45,76% tổng nợ phải trả của SJF trong kỳ.
Hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu của SJF tính đến hết quý I/2022 khoảng 0,35 lần. Hệ số thanh toán hiện hành (Tài sản ngắn hạn trên Nợ ngắn hạn) khoảng 2,42 lần. Hệ số thanh toán tiền mặt (Tiền và các khoản tương đương tiền trên Nợ ngắn hạn) khoảng 0,07 lần.