Mục tiêu giảm lãi suất năm 2022 nhiều thách thức

Nguyễn Thị Thùy Dung 12:07 | 19/04/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Lãi suất huy động tại một số ngân hàng TMCP đã tăng khoảng 0,1-0,3% trong quý I, tuy nhiên không biến động tại nhóm ngân hàng TMCP Nhà nước. Nhiều nhận định cho rằng mặt bằng lãi suất khó giảm thêm trong năm 2022 do nhiều sức ép.

Tăng trưởng tín dụng quý I lên tới 5,04% 

Khi nền kinh tế tăng tốc phục hồi, nhu cầu tăng trưởng tín dụng là rất lớn để khơi thông tín dụng chảy vào hoạt động kinh doanh. Việc đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng song song với kiểm soát thị trường tài chính và nợ xấu là một trong 7 nhóm mục tiêu và nhiệm vụ tổng quát của ngành ngân hàng trong năm nay, theo Chỉ thị 01/CT-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Cụ thể, chỉ thị nêu rõ mục tiêu định hướng tín dụng tăng khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế trong năm nay. Dòng chảy tín dụng sẽ hướng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế xã hội; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. 

Trong quý I, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đạt 5,04% so với quý IV/2021, mức tăng rất cao phần nào phản ánh nhu cầu tín dụng cao hơn trong giai đoạn phục hồi, đặc biệt tại các ngành thương mại và dịch vụ. 

Tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế năm nay dự báo ở mức cao

Theo VCBS, tình hình lạm phát thế giới leo thang do lực đẩy từ việc tăng giá nhiên nguyên vật liệu và gián đoạn chuỗi cung ứng vô hình chung đã khiến NHNN ưu tiên chính sách kiểm soát lạm phát và không thể quá mạnh tay trong việc duy trì trạng thái thanh khoản dồi dào. Theo đó, lãi suất liên ngân hàng liên tục tăng và giữ ổn định ở mức cao trong quý. 

Kể từ tháng 2, lãi suất liên ngân hàng tăng và giữ mức chênh lệch không quá lớn với lãi suất nghiệp vụ thị trường mở OMO. Lãi suất huy động cũng đã có dấu hiệu bật tăng tại nhiều ngân hàng TMCP. Kết thúc quý I, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng cao hơn 1-1,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mặt bằng lãi suất liên ngân hàng đang nhích lên (Nguồn: VCBS)
Lãi suất huy động cũng tăng, chủ yếu tại các ngân hàng TMCP (Nguồn: VCBS)

VCBS nhận định: “Đứng trước nhiều rủi ro và yếu tố bất định gia tăng, nhà điều hành đã lựa chọn phương án duy trì mức thanh khoản vừa phải trên thị trường liên ngân hàng, đảm bảo hài hòa tăng trưởng tín dụng với các mục tiêu điều hành kinh tế vĩ mô trong khi vẫn quản lý sát sao, chặt chẽ vấn đề dịch chuyển vốn, tiền tệ sang thị trường bất động sản hay các thị trường khác".

"Cho đến thời điểm này, lựa chọn của NHNN vẫn đang cho thấy sự hợp lý, linh hoạt nhất định trong bối cảnh tình hình chung trên thế giới - đặc biệt là lạm phát - chưa xác định thời điểm chuyển biến tích cực hơn”, nhóm nghiên cứu VCBS nói thêm.

Mặt bằng lãi suất khó giảm thêm

Trong bối cảnh lãi suất liên ngân hàng bật tăng, VCBC nhận định khi chưa quan sát được các yếu tố thuận lợi đủ mạnh để kéo lãi suất giảm trở lại thì mục tiêu giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ nền kinh tế phục hồi sau dịch sẽ gặp thách thức lớn. 

Cụ thể, mức độ biến động của lãi suất huy động năm nay được dự báo sẽ tiếp tục phụ thuộc nhiều vào độ dồi dào của dòng vốn trên thị trường liên ngân hàng. Cùng với đó, tốc độ tăng trưởng tín dụng và diễn biến lạm phát trong các quý tới cũng sẽ là yếu tố ảnh hưởng đến mức tăng lãi suất huy động. 

Với dự báo áp lực lạm phát tiếp tục hiện hữu trong các tháng tiếp theo đi cùng với nhu cầu tăng trưởng tín dụng cao hơn trong giai đoạn phục hồi kinh tế, VCBS kỳ vọng lãi suất huy động tiếp tục tăng, mức tăng khoảng 0,5-1% trong cả năm 2022.

Về lãi suất cho vay, đến nay thông điệp nhất quán từ NHNN vẫn là định hướng giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi. Tuy nhiên, VCBS cho rằng trong bối cảnh không thuận lợi khi tăng trưởng tín dụng dự báo đạt cao hơn so với cùng kỳ, lãi suất huy động chịu áp lực tăng thì lãi suất cho vay khó có thể tránh khỏi áp lực. 

Dự báo từ nay đến cuối năm, lãi suất cho vay sẽ tiếp tục ghi nhận áp lực tăng, tuy nhiên sẽ có độ trễ so với thời điểm tăng của lãi suất huy động. Cùng với đó, sẽ có sự phân hoá giữa mức tăng và thời điểm tăng giữa các ngành nghề.

Trước đó, Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cũng nhận định mức lạm phát tương đối thấp (1,92% sau 3 tháng đầu năm) đang tạo điều kiện cho NHNN duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng trong các tháng đầu năm 2022 để kích thích nền kinh tế hồi phục.

Theo BVSC, gói hỗ trợ lãi suất 2% trong khuôn khổ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội một khi được thực hiện sẽ có hỗ trợ lớn đối với các doanh nghiệp trong việc cắt giảm chi phí và tăng cường hồi phục các hoạt động sản xuất kinh doanh sau một giai đoạn dài bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Theo đó, dự kiến “lãi suất trong năm 2022 sẽ duy trì ở mặt bằng thấp để hỗ trợ cho sự hồi phục của các doanh nghiệp cũng như toàn bộ nền kinh tế”.

Tuy nhiên, từ thực tế nhu cầu tín dụng rất lớn khi các hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi đang rất lớn tạo sức ép lên thanh khoản hệ thống ngân hàng trong các tháng đầu năm, đẩy lãi suất liên ngân hàng lên mặt bằng cao mới, cũng như lãi suất huy động có diễn biến nhích tăng; BVSC đánh giá: “mặt bằng lãi suất năm 2022 khó giảm thêm so với cuối năm 2021”.

 

Trước đó, hồi giữa tháng 3, NHNN cho biết đang triển khai xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 11 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, mục tiêu phấn đấu giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5 - 1% trong 2 năm 2022 và 2023, nhất là đối với các lĩnh vực ưu tiên.

Cụ thể, NHNN hướng tới chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí hoạt động để tiếp tục hạ mặt bằng lãi suất, song song tiếp tục rà soát cơ chế, thủ tục cho vay phù hợp với thực tiễn thị trường, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng tín dụng, an toàn hệ thống nhằm hỗ trợ các đối tượng vay vốn, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ngoài ra, về vấn đề cơ cấu thời hạn trả nợ, tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp; NHNN cho biết ngay từ đầu năm 2020 đã ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN tạo khung khổ pháp lý để các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi phí, giữ nguyên nhóm nợ. Theo Thông tư trên, thời gian thực hiện việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí của các TCTD, chi nhánh NHNN được kéo dài đến ngày 30/6/2022.