Mục tiêu năm 2023 có lãi, công ty sở hữu The Coffee House, Juno... vẫn lỗ ròng 287 tỷ trong 6 tháng 2022
Tại báo cáo tài chính hợp nhất bán niên đã công bố, phía Seedcom cho biết, trong 6 tháng qua, công ty thu về doanh thu thuần 675,6 tỷ đồng, tăng 24,2% so với cùng kỳ quý trước (cùng kỳ năm ngoái ghi nhận doanh thu thuần 542,9 tỷ đồng). Trừ giá vốn cao hơn 119,6 tỷ, lợi nhuận gộp trong kỳ đạt 314 tỷ đồng, biên lợi nhuận giảm xuống 46,5% so với mức 55,4% cùng kỳ năm ngoái.
Doanh thu từ hoạt động tài chính giảm 56% xuống 2,2 tỷ đồng từ mức 5 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Cùng đó, hàng loạt chi phí trong kỳ bán niên đều tăng so với 2021. Bao gồm: chi phí tài chính, chiếm đa số là chi phí với lãi vay tăng 42,4%, tương đương 13,1 tỷ đồng; chi phí bán hàng tăng 5%, tức 388,4 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng gần 12%, tức 388,4 tỷ đồng.
Doanh thu không đủ bù chi phí dẫn đến trong 6 tháng đầu năm, Seedcom ghi nhận lỗ sau thuế 287,3 tỷ đồng. Mức lỗ này cao hơn 11% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 lỗ 258 tỷ đồng) và vượt qua cả mức lỗ 238 tỷ đồng công ty ghi nhận vào năm 2021 trước đó.
Về tình hình tài chính, tính đến thời điểm 30/6/2022, Seedcom báo cáo tổng tài sản 1.500,1 tỷ đồng, giảm không đáng kể so với đầu năm. Trong đó, tài sản ngắn hạn là 647 tỷ đồng, tương đương 43,1% tổng tài sản và 853,1 tỷ đồng là tài sản dài hạn.
Trong cơ cấu tài sản ngắn hạn, tiền và các khoản tương đương tiền chiếm 246,3 tỷ đồng, các khoản phải thu ngắn hạn là 204,6 tỷ đồng, đầu tư tài chính ngắn hạn 59,7 tỷ đồng.
Trong cơ cấu tài sản dài hạn, khoản đầu tư tài chính dài hạn (đầu tư vào các công ty liên kết) chiếm 237,1 tỷ đồng, các tài sản cố định 328,7 tỷ đồng, khoản phải thu là 49 tỷ đồng, còn lại là các tài sản khác.
Nợ phải trả của Seedcom tính đến 30/6/2022 là 1221,3 tỷ đồng, giảm 17,4% so với đầu kỳ. Trong đó, 65,2% tương đương 795,8 tỷ đồng là nợ dài hạn, còn lại nợ ngắn hạn là 425,5 tỷ đồng.
Hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu tính đến 30/6/2022 của doanh nghiệp là 4,38 lần. Tuy nhiên tỷ lệ này đã giảm đáng kể so với mức 10,32 lần vào cùng kỳ năm 2021. Cũng theo thông tin trong báo cáo tài chính của Seedcom, hệ số dư nợ trái phiếu trên vốn chủ tăng từ 0,39 lần trong kỳ trước lên 0,9 lần trong 6 tháng năm 2022.
Theo báo cáo lưu chuyển tiền tệ, trong kỳ 6 tháng đầu năm, cả dòng tiền kinh doanh và dòng tiền đầu tư của Seedcom đều đang ghi nhận con số âm lần lượt 201,4 tỷ đồng và 42,5 tỷ đồng. Bù lại, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động tài chính ghi nhận dương 252,3 tỷ đồng, tăng 42,9% từ mức 176,6 tỷ đồng, chủ yếu do tiền thu từ đi vay gần 400 tỷ đồng. Kết quả, lưu chuyển tiền thuần tính đến 30/6/2022 dương 8,4 tỷ đồng.
Theo thông tin trên website của Seedcom, công ty hiện đang chi phối và sở hữu nhiều thương hiệu nổi tiếng ở nhiều lĩnh vực khác nhau bao gồm: The Coffee House, Juno, Hnoss, King Food, Haravan, Scommerce (Giao Hàng Nhanh, Ahamove), New Retail CPG.
Đồng hành cùng Seedcom là Ficus Asia Investment – quỹ đầu tư đăng ký kinh doanh tại Singapore và cũng do ông Đinh Anh Huân sáng lập. Năm 2020, Ficus đã huy động 50 triệu USD từ EWTP Capital – quỹ đầu tư được chống lưng bởi Alibaba và Ant Financial. Năm 2021, quỹ này tiếp tục đầu tư thêm 10 triệu USD vào Ficus.
Ông Đinh Anh Huân, nhà sáng lập, hiện giữ vị trí Chủ tịch hội đồng quản trị cho biết, Seedcom đặt kế hoạch tăng trưởng 500% cho giai đoạn 2022-2025. Trong đó, năm 2023 công ty dự kiến có lợi nhuận.