Mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% là thách thức, gói hỗ trợ kinh tế phải hiệu quả hơn

Nguyễn Thị Thùy Dung 16:05 | 27/04/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Sáng 27/4, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức tọa đàm Hỗ trợ và phục hồi kinh tế Việt Nam trong điều kiện bình thường mới. Trong khuôn khổ tọa đàm, các chuyên gia bày tỏ kỳ vọng ở Chương trình phục hồi phát triển KT-XH trị giá gần 350 nghìn tỷ mà Quốc hội phê duyệt hồi tháng 1.

Tại tọa đàm, TS. Trần Toàn Thắng (Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia) đã trình bày báo cáo của VEPR về những diễn biến mới và triển vọng kinh tế toàn cầu trong năm 2022. Theo đó, TS. Trần Toàn Thắng nhận định nền kinh tế thế giới đang đối diện nhiều thách thức đáng kể khi xung đột Nga - Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt và dịch COVID-19 bùng phát khiến Trung Quốc thắt chặt các biện pháp kiểm dịch.

Trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy, nguồn cung bị thiếu hụt, sức ép nguồn cung đẩy giá năng lượng quốc tế lên cao, gây áp lực mạnh lên giá cả; lạm phát toàn cầu được dự báo sẽ tăng nhanh. Điều này buộc các ngân hàng trung ương lớn đưa ra biện pháp tăng lãi suất, thông qua siết chặt tiền tệ để hạ nhiệt lạm phát. Điều này có nguy cơ tác động đến đà tăng trưởng kinh tế chung và sự phục hồi của thị trường lao động.

Trước những thách thức này, Ngân hàng Thế giới (World Bank) gần đây dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ giảm tốc từ 5,5% năm 2021 còn 4,1% năm 2022 và 3,2% vào năm 2023. Đáng chú ý, tăng trưởng GDP của các nước đang phát triển và các nền kinh tế mới nổi (EMDEs) dự kiến sẽ chậm lại từ 6,3% vào năm 2021 xuống 4,6% vào năm 2022. 

Tại Việt Nam, các chuyên gia nhận định năm 2021 là năm khó khăn khi kinh tế Việt Nam trải qua thời gian đóng cửa kéo dài hồi quý III năm ngoái, nhất là tại các trung tâm kinh tế lớn của đất nước. Bước sang quý I/2022, nền kinh tế dù đã ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực, vẫn còn những rủi ro đáng kể với đà tăng trưởng.

Tọa đàm Hỗ trợ và phục hồi kinh tế Việt Nam trong điều kiện bình thường mới do VEPR phối hợp với viện KAS (Đức) tổ chức sáng 27.4.

Bối cảnh đã thay đổi, mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% là thách thức

Tăng trưởng GDP Việt Nam quý I/2022 đạt mức 5,03%, so với mức tăng 4,2% của quý I/2021 và 3,68% của quý 1/2020. Theo TS. Trần Toàn Thắng, đây là một con số ấn tượng và mức tăng đáng ngạc nhiên trong bối cảnh nền kinh tế chưa phục hồi hoàn toàn và còn nhiều thách thức trước mắt.

Đóng góp vào mức tăng trưởng ấn tượng này là vai trò động lực dẫn dắt thị trường của khu vực công nghiệp chế biến chế tạo (tăng 7,79%). Riêng trong tháng 3/2022, chỉ số tiêu thụ công nghiệp chế biến, chế tạo tăng mạnh 19,1% so với tháng trước và tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước. Một số ngành công nghiệp khác cũng ghi nhận đà tăng trưởng rất tốt nhờ thị trường quốc tế phục hồi mạnh, nhu cầu hàng xuất khẩu tăng cao.

Bên cạnh đó, khu vực dịch vụ cũng ghi nhận sự cải thiện đáng kể nhờ việc thực thi một số chính sách phòng chống dịch mới tạo điều kiện cho sự mở cửa trở lại nền kinh tế. Xuất khẩu dịch vụ du lịch đã tăng 75% so với cùng kỳ năm trước. Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt gần 91 nghìn lượt người, tăng 89,1% so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài ra, xuất nhập khẩu phục hồi mạnh mẽ cũng là một động lực hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa quý I tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 12,9%, nhập khẩu tăng 15,9%. Tính trong 3 tháng đầu năm, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 0,81 tỷ USD.

Mặc dù những động lực tăng trưởng triển vọng như vậy, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho hay từ khi Quốc hội xây dựng chỉ tiêu tăng trưởng đạt 6-6,5% trong năm 2022 đến nay, nhiều bối cảnh đã thay đổi. Chẳng hạn, xung đột Nga - Ukraine bùng nổ và kéo dài đến nay, tác động gián tiếp đến rất nhiều lĩnh vực kinh tế trong nước, hay làn sóng dịch COVID-19 bùng phát tại Trung Quốc và chính sách Zero-COVID làm trầm trọng thêm sự đứt gãy chuỗi cung ứng. Ngoài ra, sức nóng của lạm phát, nguy cơ bất ổn kinh tế vĩ mô hiện hữu hiện nay cũng rất khác với bối cảnh trước đó.

“Điều này đồng nghĩa Chính phủ ngoài phục hồi kinh tế thì phải chú ý nhiều hơn đến ổn định vĩ mô, chính sách tiền tệ phải có những thắt chặt nhất định. Do đó nếu vẫn dự báo tăng trưởng GDP năm nay có khả năng đạt 6-6,5% thì không logic, mà theo tôi muốn có tăng trưởng đạt mức đó thì thực thi chính sách hỗ trợ kinh tế phải nỗ lực hơn, phải tốt hơn nữa. Nếu không có sự thay đổi mạnh mẽ trong tổ chức thực hiện thì cá nhân tôi vẫn thiên về kịch bản tăng trưởng thấp hơn mức mục tiêu”, ông Cung khẳng định.

Đồng quan điểm này, PGS. TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) nhận định bối cảnh hiện nay đã rất khác so với thời điểm Quốc hội đưa ra chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế hay thông qua Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội trị giá gần 350 nghìn tỷ. Do đó, rất cần thiết thực hiện nhanh chóng và hiệu quả Chương trình này để nền kinh tế có thêm động lực phục hồi.

Còn theo TS. Vũ Sỹ Cường, chuyên gia kinh tế từ Học viện Tài chính, không phải xung đột Nga - Ukraine mà chính các biện pháp chống dịch tại Trung Quốc sẽ gây tác động đáng kể đến tăng trưởng GDP và lạm phát trong nước hơn cả, do Trung Quốc là đối tác thương mại - đầu tư quan trọng của Việt Nam, đồng thời đóng vai trò đáng kể trong dòng chảy thương mại - đầu tư toàn cầu.

Kỳ vọng động lực từ nhiều gói hỗ trợ tích cực

Ngày 30/1/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình. Chương trình có tổng quy mô lên tới gần 350.000 tỷ đồng, trong đó, quy mô của giải pháp tài khóa lên tới 291.000 tỷ đồng, chiếm 83% tổng giá trị của chương trình.

Theo đánh giá của nhóm nghiên cứu VEPR, chính sách tài khóa được thiết kế giữ vai trò chủ đạo trong Chương trình, kết hợp hài hòa với chính sách tiền tệ nhằm tạo ra các nguồn lực tốt nhất hỗ trợ nền kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn.

Trong chương trình này, gói đầu tư công trị giá hơn 113 nghìn tỷ được đánh giá là gói tài khóa quan trọng, được kỳ vọng là trụ cột kích thích phục hồi kinh tế cả trực tiếp và gián tiếp. Tuy nhiên, việc giải ngân vốn từ đầu tư công từ Chương trình vẫn chưa được triển khai do một số vấn đề về thủ tục phê duyệt dự án và bố trí nguồn lực.

Trong khi đó, chính sách giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% dự kiến sẽ trực tiếp làm giảm thu NSNN khoảng 49,4 nghìn tỷ đồng, nhưng được kỳ vọng mang đến nhiều tác động tích cực chính bao gồm giảm áp lực lạm phát thông qua giữ ổn định mặt bằng giá, kích thích cầu tiêu dùng và kích thích doanh nghiệp gia tăng sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường 2.000 đồng mỗi lít xăng được đánh giá là biện pháp phù hợp giúp giảm áp lực tăng giá xăng dầu trong nước do tác động của việc tăng mạnh giá xăng dầu trên thị trường thế giới, qua đó giảm chi phí sản xuất, chi phí vận tải và giảm áp lực lên lạm phát.

Cuối cùng, chính sách hỗ trợ lãi suất 2% cũng được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao. Theo VEPR, nhiều doanh nghiệp trong các ngành nghề trọng tâm kỳ vọng triển khai gói hỗ trợ này sẽ giúp tháo gỡ "rào cản" về vốn, lãi suất cao, chi phí, từ đó kinh doanh sẽ thuận lợi hơn. Tuy nhiên, đến giữa tháng 4/2022, chính sách vẫn chưa được triển khai thực tế do cần hoàn thiện khung khổ pháp lý để thực hiện.

“Cấp thiết phải triển khai ngay, triển khai nhanh chóng và hiệu quả Chương trình phục hồi phát triển kinh tế xã hội. Nếu không, nền kinh tế có nguy cơ tụt hậu”, PGS. TS. Ngô Trí Long nhấn mạnh.