Mức ưu đãi của EVFTA chưa đủ hấp dẫn với ngành dệt may Việt Nam

19:59 | 05/11/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Mức ưu đãi thuế của EVFTA được đánh giá là vẫn chưa đủ hấp dẫn để doanh nghiệp dệt may chủ động chuyển nguồn cung nguyên vật liệu.
Bộ Công thương dự báo kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may vào thị trường EU sẽ tăng nhanh với mức khoảng 67% đến năm 2025 so với kịch bản không có Hiệp định EVFTA. Về sản lượng, nhìn chung EVFTA có tác động tích cực tới sản lượng với tốc độ tăng 6% (với ngành dệt) và 14% (với ngành may) vào năm 2030.
 
Không thể phủ nhận những ưu điểm của EVFTA mang lại, nhưng đa phần các sản phẩm may mặc của Việt Nam hiện đang có mức thuế suất ưu đãi là 9%, trong khi mức thuế suất cơ bản được EVFTA sử dụng theo nguyên tắc đối xử tối huệ quốc (MFN) là 12%, vì vậy hầu hết các sản phẩm may mặc của Việt Nam sẽ không được giảm thuế ngay lập tức.
 

Thiếu hụt nguyên liệu vải trong nước chính là nút thắt

 
Các sản phẩm dệt may chỉ được hưởng mức thuế suất thấp hơn từ năm thứ 2 kể từ khi EVFTA có hiệu lực (8% đối với các sản phẩm loại B5 và 9% đối với các sản phẩm loại B7 trong năm thứ 2). Hơn nữa, để được hưởng ưu đãi thuế theo EVFTA, các doanh nghiệp (DN) phải đảm bảo, nguyên liệu vải có nguồn gốc xuất xứ từ Việt Nam hoặc châu Âu hay Hàn Quốc, vốn là những quốc gia đã có FTA với EU. Đồng thời, các công đoạn cắt may phải được thực hiện tại Việt Nam.

 Mức ưu đãi của EVFTA chưa đủ hấp dẫn với ngành dệt may Việt Nam - ảnh 1
Dệt may Việt Nam chưa mặn mà với ưu đãi thuế từ AVFTA
 
Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của dệt may Việt Nam đạt hơn 39 tỷ USD nhưng nhập khẩu nguyên phụ liệu chiếm tới 22,36 tỷ USD. Điều này cho thấy dệt may Việt Nam hiện phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung nguyên liệu từ nước ngoài, phản ánh sự mất cân đối trong chuỗi toàn cầu khi chúng ta mới tham gia công đoạn cắt may thuê là chính, bởi DN ngại đầu tư các trang thiết bị hiện đại, chiếm nguồn vốn lớn, hiệu quả hoạt động không cao.
 
Do đó, quy tắc xuất xứ từ vải sẽ khiến ngành dệt may Việt Nam khó được hưởng lợi từ Hiệp định này. Bởi thực tế, ngành dệt may hiện chưa chủ động được nguồn vải đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu vào EU. Theo nguyên tắc cộng gộp trong EVFTA cho phép DN Việt Nam sử dụng vải của Hàn Quốc hoặc một nước thứ 3 mà hai bên cùng ký Hiệp định Thương mại Tự do, tuy nhiên, giá thành cao và chủng loại nguyên liệu không phong phú cũng là vấn đề cần tính toán của DN.
 
Hiện nay, hơn 60% vải nhập khẩu vào Việt Nam là từ Trung Quốc và Đài Loan, có giá thấp hơn nhiều so với vải nhập khẩu từ Hàn Quốc. Theo tính toán của các nhà sản xuất hàng may mặc trong nước, nếu chuyển sang sử dụng nguồn vải của Hàn Quốc sẽ không đạt hiệu quả kinh tế ngay cả khi được hưởng mức thuế suất 0% từ EVFTA. Điều này khiến các công ty trong nước gặp trở ngại trong việc tận dụng thuế suất ưu đãi.
 
Bên cạnh đó, tình trạng ngành dệt may chưa chủ động được nguồn cung nguyên liệu vải còn có lý do từ một số địa phương không tiếp nhận dự án dệt nhuộm vì lo ngại ảnh hưởng đến môi trường. Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas), Quy tắc xuất xứ "từ vải trở đi" của Hiệp định EVFTA vẫn là thách thức trong ngắn hạn đối với ngành dệt may Việt Nam.
 
Để được hưởng ưu đãi thuế theo EVFTA, các doanh nghiệp dệt may cần sử dụng vải sản xuất trong nước hoặc vải nhập khẩu có xuất xứ từ Hàn Quốc. Hiện tại các sản phẩm dệt may, da giày của Việt Nam vẫn đang phụ thuộc khoảng 60-70% vào nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc. Vải nhập từ Hàn Quốc chỉ chiếm 15% tổng nhu cầu vải. 
 
Tuy nhiên, hiện tại, vải Trung Quốc có giá rẻ hơn từ 10-40% so với vải sản xuất trong nước tùy chủng loại, do đó mức ưu đãi thuế 12% (mức thuế MFN 12% sẽ được áp dụng sau 2 năm nữa trong trường hợp doanh nghiệp không đáp ứng được chuẩn của EVFTA) là chưa đủ hấp dẫn để doanh nghiệp chuyển sang sử dụng vải nội địa. Ngoài ra thiếu hụt nguyên liệu vải trong nước vẫn là nút thắt của ngành khiến các doanh nghiệp không thể đáp ứng yêu cầu về qui tắc xuất xứ của EVFTA. 

 Mức ưu đãi của EVFTA chưa đủ hấp dẫn với ngành dệt may Việt Nam - ảnh 2
 
Bị phụ thuộc quá nhiều vào nguồn vài nhập khẩu từ Trung Quốc
 
Trong khi đó, giá thành vải nhập khẩu từ Trung Quốc hiện thấp hơn giá thành vải sản xuất tại Việt Nam đến 30%, thời gian giao hàng nhanh hơn do luôn có sẵn tồn kho nhờ qui mô sản xuất lớn, khiến vải sản xuất trong nước khó có thể cạnh tranh và ảnh hưởng của dịch COVID-19 vẫn tiếp tục gây sức ép lên nhu cầu đối với hàng may mặc trên thế giới nói chung và thị trường EU nói riêng.
 
Trong vòng 2 năm đầu tiên (8/2020-8/2022), doanh nghiệp có thể lựa chọn tiếp tục chịu thuế theo chế độ GSP hoặc theo EVFTA, do đó SSI Research cho rằng đa số các doanh nghiệp sẽ tiếp tục lựa chọn chế độ thuế GSP (9,6%) do mức này thấp hơn mức thuế theo EVFTA và doanh nghiệp cũng chưa kịp chuyển đổi nguồn nguyên vật liệu. Song từ năm thứ 3 trở đi, nếu doanh nghiệp không đáp ứng được quy tắc xuất xứ như qui định của EVFTA thì mức thuế sẽ tăng lên 12% - mức thuế cơ sở theo chế độ MFN.
 
Trong lộ trình chuyển đổi ưu đãi thuế, trong vòng 5 năm tiếp theo kể từ năm thứ 3, doanh nghiệp vẫn có thể lựa chọn mức ưu đãi theo GSP hoặc EVFTA, song dù lựa chọn mức ưu đãi thuế nào vẫn phải đảm bảo tuân thủ quy tắc xuất xứ như qui định của EVFTA. Tuy vậy, SSI Research cho rằng mức ưu đãi thuế của EVFTA được đánh giá là vẫn chưa đủ hấp dẫn để doanh nghiệp chủ động chuyển nguồn cung nguyên vật liệu từ Trung Quốc về trong nước, theo đánh giá của Vinatex, do giá vải Trung Quốc hiện vẫn thấp hơn khoảng 30% so với giá vải nội địa, chưa kể thời gian cung ứng nhanh hơn (vải Trung Quốc có thể giao hàng trong vòng 10 ngày so với vải nội địa thường mất 40-60 ngày). 
 

Cần có kế hoạch dài hơi với "đầu vào" của ngành dệt may


Hiệp đinh EVFTA được kỳ vọng sẽ mang lại cơ hội xuất khẩu mạnh cho dệt may Việt Nam vào EU khi khoảng 77% kim ngạch xuất khẩu sẽ về 0% sau 5 năm, trong đó khoảng 20% kim ngạch xuất khẩu về 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực. Còn lại khoảng 23% kim ngạch xuất khẩu về 0% sau 7 năm. Dệt may Việt Nam kỳ vọng tăng gấp đôi thị phần sau 5 năm, chiếm khoảng 5%. Tuy nhiều cơ hội về chính sách đang mở ra như vậy nhưng trên thực tế doanh nghiệp dệt may hiện vẫn chưa biết chạy đường nào để về đích.  
 
Không phải doanh nghiệp may mặc nào cũng có lợi thế hoặc sự chuẩn bị kịp để hưởng lợi từ EVFTA như TCM hay Việt Thắng Jean. Trên thực tế, lâu nay Việt Nam chủ yếu nhập khẩu vải từ thị trường Trung Quốc hoặc nguyên liệu vải theo chỉ định của khách hàng nước ngoài. Để giải bài toán thiếu hụt vải và hưởng ưu đãi từ EVFTA, một số doanh nghiệp sử dụng vải nhập khẩu tại Hàn Quốc để cắt may tại Việt Nam. Tuy vậy, tỷ lệ nhập khẩu vải từ thị trường xứ kim chi chưa cao, doanh nghiệp đang ưu tiên nhập vải từ Trung Quốc do giá thấp hơn, lại có lợi thế hơn về địa lý và mẫu mã phong phú, đa dạng.
 
Mức ưu đãi của EVFTA chưa đủ hấp dẫn với ngành dệt may Việt Nam - ảnh 3
Ngành dệt may cần phải đáp ứng được "đầu vào" trước cơ hội mà EVFTA mang đến
 
Việc các nhà đầu tư rót nhiều vốn vào Việt Nam sẽ góp phần phát triển công nghiệp hỗ trợ cho ngành dệt may, qua đó giúp gia tăng tỷ lệ nội địa hóa. Tuy nhiên, trong những năm gần đây nhiều địa phương có phần không mặn mà và đã có cân nhắc trong việc tiếp nhận những dự án thuộc lĩnh vực này, nhất là những dự án có khâu nhuộm.
 
Theo đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), có địa phương còn thẳng thừng từ chối dự án với vốn cam kết lên đến cả trăm triệu đô la Mỹ vì e ngại sẽ ảnh hưởng đến môi trường. Vitas cho rằng đây là thách thức khá lớn đối với ngành để doanh nghiệp đáp ứng quy định và được hưởng lợi thuế xuất khẩu vào thị trường các nước châu Âu.
 
Lãnh đạo Vitas cho rằng chỉ có một số rất ít dự án dệt nhuộm của ngành vi phạm và gây ảnh hưởng đến môi trường nhưng nhiều địa phương lại quay lưng với phần lớn các dự án nói chung. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp dệt may trong nước, vì sẽ không thỏa các điều kiện để được hưởng ưu đãi thuế quan khi sản xuất hàng dệt may xuất khẩu vào thị trường châu Âu.
 
Tuy vậy, VITAS kêu gọi sự ý thức từ các doanh nghiệp dệt may trong hoạt động sản xuất và bảo vệ môi trường, từ đó tạo niềm tin với chính phủ, cơ quan quản lý môi trường và chính quyền các địa phương để không còn bị sự "từ chối" với những dự án dệt nhuộm.
 
Trong khi đó, các chuyên gia kinh tế cho rằng, các địa phương có cơ sở để lo lắng vấn đề này, nhưng nếu cứ e ngại thái quá thì nguy cơ đánh mất cơ hội của doanh nghiệp trong nước là rất lớn. Nhìn xa hơn, Việt Nam sẽ khó làm chủ được khâu nguyên phụ liệu và tận dụng cơ hội được hưởng ưu đãi thuế quan tại nhiều thị trường.
 
Do đó, chính sách hiện nay là quy hoạch các dự án theo địa bàn và phải xử lý, kiểm soát chặt chẽ về môi trường. Theo các chuyên gia, nếu áp dụng và tuân thủ chặt chẽ theo những công nghệ hiện đại sẽ vừa sản xuất được vải, vừa đảm bảo môi trường.
 
Con đường dài để ngành dệt may Việt Nam phát triển là chúng ta cần phải có chính sách kêu gọi đầu tư sản xuất nguyên liệu cho ngành dệt-nhuộm sao cho các nhà đầu tư thấy có cơ hội để phát triển nguyên liệu dệt may tại Việt Nam. Sự thực thì đất nước Việt Nam có đủ điều kiện để trở thành một nơi cung ứng nguyên liệu dệt-nhuộm cao cấp nhưng chúng ta vẫn chưa có những nhà đầu tư đủ tầm muốn đầu tư vào ngành này”.
 
Bên cạnh chính sách kêu gọi đầu tư cho “đầu vào” sản phẩm dệt may, để EVFTA được các doanh nghiệp “hấp thụ” thì ngành dệt may hiện đang cần hỗ trợ thêm về việc liên kết với nhà cung ứng là khách hàng từ EU, cần thêm kết nối giữa nhà cung ứng và nơi tiêu thụ phù hợp với điều kiện hiện có của ngành.


Nguyễn Dung(t/h)