Muôn nẻo mưu sinh bên ray tàu
(DNVN) - Câu chuyện người dân mưu sinh dựa vào đường tàu vốn không mới nhưng vẫn là chuyện lạ đối với thế giới, tuy nhiên ở Việt Nam, người dân lại bình thường hóa cái sự lạ ấy tới mức hiển nhiên như ăn cơm, uống nước để sống vậy.
Thức, ngủ cùng tiếng còi tàu
Tuyến đường sắt phía bắc được người Pháp xây dựng từ những năm đầu thế kỷ 20, tính tới nay đã tồn tại hơn 100 năm, trong đó có rất nhiều đoạn chạy len lỏi trong lòng các khu dân cư Thủ đô Hà Nội. Với khoảng cách từ chỗ sinh hoạt đến đường tàu chỉ từ 3 đến 5 m, nhịp sống của người dân nơi đây vẫn bình thản, hòa thuận với những chuyến tàu đã tồn tại hơn một thế kỷ qua.
Đối với những người dân ở đây, phần đường ray gần như trở thành không gian sinh hoạt cộng đồng không thể thiếu: Các cụ ông ngồi uống nước, các chị ngồi trò chuyện; thậm chí, nơi đây còn bị biến thành những điểm kinh doanh, buôn bán hàng hóa tấp nập với đủ các hình thức từ ăn uống cho đến giải khát...
Người dân sinh sống dọc theo tuyến đường sắt ở đây có đủ các thế hệ người Hà Nội lẫn những người lao động từ khắp mọi nơi đổ về thuê trọ. Phần lớn họ đã quen, thậm chí nằm lòng giờ giấc tàu chạy đi - về, đã ngửi thấy, nghe thấy con tàu khi nó còn ở rất xa… nên chẳng còn sợ hãi. Mỗi ngày trôi qua là một ngày họ sống chung, ăn, ngủ cùng những chuyến tàu xuôi ngược.
Chú Tuấn, một người dân sống lâu năm trong khu phố Khâm Thiên chia sẻ: “Những người sống ở đây trước kia phần lớn là cán bộ, công nhân viên bên công ty đường sắt, sau này ai có điều kiện thì bán lại nhà rồi chuyển qua nơi khác sinh sống. Nên giờ ở đây còn có rất nhiều từ các địa phương khác, một phần do giá cả cũng rẻ nên số người ngày một đông. Một phần do đã quá quen với những chuyến tàu nên chẳng thấy sợ nữa. Lúc tàu đi qua thì mình tránh, xong xuôi rồi lại vô tư đi lại, làm việc trên đường ray thôi. Còn nhà ai có con trẻ thì luôn phải để mắt trông chừng, tránh sự cố đáng tiếc xảy ra”.
Đất “lành” chim đậu
Trên thực tế, tuyến đường sắt ở thành phố Hà Nội bị chiếm dụng với rất nhiều hình thức sử dụng khác nhau rất phổ biến. Đi dọc theo các tuyến đường có đường sắt đi qua như Lê Duẩn, Giải Phóng, Ngọc Hồi…, đa phần các lối đi là do người dân tự ý mở trái phép qua đường sắt, xây dựng lều quán, nhà tạm, họp chợ, lắp biển quảng cáo, bãi gửi xe hoặc đổ vật liệu xây dựng lấn chiếm phạm vi bảo vệ công trình hành lang ATGT, hoặc trồng cây cao che khuất tầm nhìn của người tham gia giao thông…
Xung quang khu vực đường ray phía cổng Bệnh viện Bạch Mai, quán bán trà đá, bán thức ăn, xe ôm ngồi chờ khách… tất cả đều hoạt động trên đoạn đường đầy nguy hiểm này. Những quán hàng này đều được trang bị rất gọn nhẹ để có thể dễ dàng dọn dẹp, di chuyển khi có tàu hỏa chạy qua. Khi được hỏi về sự an toàn cho bản thân khi có tàu chạy qua, một bác xe ôm hồn nhiên trả lời: “Không sao đâu, tàu đi lại có giờ cơ mà, khi nào tàu đến chúng tôi chỉ cần đứng cách tàu một mét rưỡi là được, hôm nào chả có vài lần tàu đi qua. Tôi chạy xe ở đây mấy năm rồi, giờ nào có tàu chúng tôi đều nắm rõ”.
Bác Nguyễn Thị Nga, một người bán nước trà đá bên đường tàu cho biết, hằng ngày, bác mang sẵn giỏ đựng các bình nước và ít ghế. Khi có khách uống nước, bác đưa ghế cho mọi người tự tìm chỗ xung quanh để ngồi. Trước đây mới bán thì chưa nắm rõ giờ tàu, nay biết thời gian tàu chạy rồi nên cứ bày la liệt nhiều thứ, miễn là thu gọn trước giờ tàu vài phút. Vì cuộc sống, nhiều người chấp nhận “sống chung với tử thần”.
Theo Luật Giao thông đường bộ, đường sắt, khoảng cách tối thiểu hành lang an toàn đường sắt là 10 - 15 m tính từ đường ray ngoài cùng, nhưng theo quan sát trên tuyến đường sắt ở Hà Nội thì nhà dân chỉ cách 2m. Nhưng trên thực tế muốn cấm họ không được ra đường tàu thật khó vì cửa nhà họ hướng thẳng ra đường ray xe lửa, nếu cấm thì họ đi cửa nào? Đường tàu cũng không thể chuyển hướng qua một khu vực khác không có dân cư được.
Việc phát sinh những đường ngang bất hợp pháp, họp chợ, buôn bán rõ ràng do lỗi người dân, song việc làm này xuất phát từ chính nhu cầu mưu sinh của họ. Làm thế nào để vừa đảm bảo hành lang an toàn giao thông đường sắt, vừa không ảnh hưởng nhiều đến việc cuộc sống của người dân là một điều rất cần được quan tâm từ những cơ quan có liên quan bởi tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cao.