MWG mua lại ESOP, củng cố vị thế dẫn đầu ngành bán lẻ

Thùy Dương 07:48 | 25/11/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo thông báo gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM ngày 23/11, CTCP Đầu tư Thế giới Di động (HOSE: MWG) công bố mua lại cổ phiếu (cp) quỹ.

Cụ thể, công ty sẽ mua lại 175.143 cp MWG nhằm thu hồi cp phát hành theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) của những nhân viên đã nghỉ việc theo quy chế phát hành của cp. Thời gian dự kiến giao dịch trong tháng 12/2022.

Theo đó, tổng số cp quỹ nắm giữ trước giao dịch đạt 327.421 đơn vị. Sau khi thực hiện giao dịch bằng tiền vốn tự có, giá cp mua vào theo giá quy định trong quy chế phát hành ESOP, ước tính công ty phải chi hơn 3 tỷ đồng tương đương khoảng 1/4 tổng vốn điều lệ.

Động thái "thu hồi" ESOP của MWG diễn ra trong bối cảnh giảm chung của thị trường chứng khoán. Giá cp MWG đã giảm gần 1 nửa so với vùng đỉnh hồi tháng 9, kết phiên 24/11 đạt 37.700 đồng/cp.   

Tình hình kinh doanh và triển vọng ngành

Năm 2022, MWG đang hướng tới là chuỗi Bách Hóa Xanh và nhà thuốc An Khang. Bên cạnh đó, chuỗi cửa hàng Era Blue ở Indonesia cũng được mong đợi là bước tiến tăng trưởng mới của doanh nghiệp trong tương lai.

Ngành bán lẻ hồi phục tích cực

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 9 năm 2022 ước tính đạt 379 nghìn tỷ đồng, tăng 1,9% so với tháng trước và tăng 40,1% so với cùng kỳ năm trước, quý 3 đạt 1.125 nghìn tỷ đồng, tăng 40,3%.

Tính chung 9 tháng năm 2022 chỉ số trên đạt 3.300 nghìn tỷ đồng, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm trước do việc nền kinh tế đã đi vào hoạt động bình thường và mức so sánh thấp trong 9 tháng đầu năm 2021.

 

So sánh tốc độ tăng trưởng của ngành bán lẻ và GDP giai đoạn 2016-9T2022. Đvt: Phần trăm
Nguồn: Tổng cục Thống kê 

Hoàn thành tái cấu trúc chuỗi Bách Hóa Xanh

Từ quý I/2022, MWG tiến hành tái cấu trúc chuỗi Bách Hóa Xanh (BHX), đóng cửa những cửa hàng kinh doanh kém hiệu quả, làm lại layout, cơ cấu danh mục sản phẩm, thay đổi mô hình từ “chợ hiện đại” sang “siêu thị mini”. Đây là bước chậm lại có chủ ý từ doanh nghiệp để tạo đà đưa BHX đi xa hơn trong những năm tới.

Sau nhiều tháng tái cấu trúc, gần 2 nghìn điểm bán đã hoạt động ổn định trở lại. Mặc dù rơi vào mùa kinh doanh thấp điểm hàng năm nhưng doanh thu bình quân trong tháng 9/2022 đạt 1,36 tỷ đồng/ cửa hàng, tăng 33% so với mức doanh thu trung bình quý I/2022 và tăng 24% so với tháng 4/2022 (thời điểm bắt đầu tái cấu trúc).

BHX cũng đang hướng tới giai đoạn hòa vốn vào cuối năm cùng với mục tiêu doanh thu trên mỗi cửa hàng tăng 3-5%/tháng và hướng tới 1,5 - 1,6 tỷ đồng/ cửa hàng trong tháng 11 và 12. Thời gian tới, MWG đang lên kế hoạch trong việc chào bán vốn cổ phần riêng lẻ BHX không quá 20%.

 

Thống kê số lượng cửa hàng từng mảng giai đoạn 2020-T9/2022

 Nguồn: MWG

 

Mục tiêu lấn sân sang thị trường Indonesia với chuỗi Era Blue

Với việc thị trường Thế Giới Di Động (TGDĐ) và Điện Máy Xanh (ĐMX) trong nước đã bão hòa và dự kiến năm 2022 chỉ tăng 8-10%. MWG đặt tham vọng mở rộng chuỗi cửa hàng điện tử sang các nước trong khu vực. Trong đó, Campuchia được lựa chọn làm điểm đến đầu tiên với chuỗi Bluetronics đã đứng đầu thị phần nước này. Tuy nhiên, thị trường này lại rất nhỏ, chỉ bằng 1/10 Việt Nam. Với tầm nhìn xa của ban lãnh đạo, Indonesia đã được lựa chọn làm điểm đến tiếp theo khi dân số và GDP nước này gấp gần 3 lần Việt Nam nhưng thị trường điện máy ước tính chỉ bằng 70% - 75% so với Việt Nam.

Mục tiêu tới cuối năm nay những cửa hàng Điện Máy Xanh “Era Blue” đầu tiên tại thị trường Indonesia sẽ đi vào hoạt động. Era Blue là liên doanh giữa công ty con của Thế Giới Di Động và Erajaya, hai tập đoàn bán lẻ điện máy hàng đầu của cả Việt Nam và Indonesia. Vì vậy, liên doanh mới được kỳ vọng sẽ tận dụng những điểm mạnh của cả hai để phát triển tại thị trường xứ vạn đảo.

Tiếp tục đặt kỳ vọng vào nhà thuốc An Khang và chuỗi cửa hàng AVA

Tính đến cuối tháng 10, chuỗi nhà thuốc An Khang có tới 529 cửa hàng. Trung bình doanh thu 1 cửa hàng đạt khoảng 500 - 550 triệu/tháng cho mô hình độc lập và 350 - 400 triệu/tháng cho cửa hàng bên cạnh BHX.

Trong quý I/2022, chuỗi cửa hàng cũng trải qua những thay đổi về mặt chiến lược như làm lại layout, logo, thay đổi mục sản phẩm…Thời điểm này, An Khang đang chú trọng đến tăng tốc mở rộng số lượng cửa hàng gia tăng thị phần. Hiện tại đang chiếm quy mô ở vị trí thứ 3, đứng sau Pharmacity và Long Châu. Còn với chuỗi nhà thuốc Phano được sự hậu thuẫn từ Masan, trong thời gian tới hứa hẹn sẽ là cuộc đua giành thị phần cam go.

 

 Số lượng cửa hàng thuốc bán lẻ được cập nhật số liệu mới nhất (Ảnh: VietstockFinance)

Còn về chuỗi cửa hàng AVA, MWG đã dừng hoạt động của AVAFashion và AVAJi sau 6 tháng thử nghiệm không đạt hiệu quả. Hiện, AVAKids đang cho tín hiệu tốt, doanh thu mỗi cửa hàng này đạt được trên 2 tỷ/tháng. Tính đến cuối tháng 10, AVAKids có 76 cửa hàng, 14 cửa hàng AVASport và 15 cửa hàng AVACycle.

Kết quả kinh doanh tiếp tục tăng trưởng ấn tượng

Trong 9 tháng năm 2022, tổng doanh thu của MWG tăng 18% và lợi nhuận sau thuế tăng 4% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng doanh thu của TGDĐ và ĐMX tăng 27% so với cùng kỳ, 2 mảng này vẫn đóng vai trò trụ cột của doanh nghiệp khi chiếm gần 80% doanh thu toàn tập đoàn. Dự kiến trong năm 2022 sẽ không có sự đột biến nào từ 2 mảng này khi mà sản lượng bán đã đến mức bão hòa, tăng trưởng chủ yếu đến từ giá bán trung bình (ASP) tăng lên.

Bên cạnh việc chiếm thị phần các vùng kinh tế trọng điểm, MWG còn mở rộng ra khắp 63 tỉnh thành với mô hình ĐMX Supermini (ĐMS). Cho đến cuối tháng 9/2022, chuỗi này đạt mốc 1.019 cửa hàng với doanh thu duy trì ổn định 1 tỷ/cửa hàng/tháng. Mục tiêu mang về cho MWG 12.500 tỷ đồng trong năm 2022.

 

 Cơ cấu doanh thu từng mảng Vòng trong: 9T2021, vòng ngoài 9T2022 (Ảnh: VietstockFinance)

 

  Biến động doanh thu từng quý giai đoạn 2016-Q3/2022. Đvt: Tỷ đồng (Ảnh: VietstockFinance)