Mỹ có thể trở thành quốc gia phương Tây đầu tiên loại bỏ được đại dịch COVID-19?

20:28 | 02/02/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trong một cuộc phỏng vấn mới đây, các nhà miễn dịch học Đức cho rằng việc cung cấp chậm chạp vaccine COVID-19 ở châu Âu có thể khiến Mỹ trở thành quốc gia phương Tây lớn đầu tiên loại bỏ được đại dịch COVID-19.
Theo đó, Mỹ có thể đạt được mức độ miễn dịch COVID-19 ở 2/3 dân số nước này nhờ vào sự kết hợp của tiêm chủng vaccine và cả các ca nhiễm bệnh trước đây.
 

Mỹ đang nhanh hơn châu Âu về tiêm vaccine và phơi nhiễm với COVID-19


Mặc dù trong làn sóng COVID-19 lần thứ nhất hồi mùa xuân 2020, Đức có mức lây nhiễm và tử vong do dịch bệnh này thấp hơn nhiều, châu Âu đã thất bại trong việc bảo đảm và phân phối vaccine (vắc-xin) trên quy mô lớn đủ để ngăn đại dịch này. Nhờ vậy, Mỹ ở vào thế dẫn trước châu Âu một cách rõ ràng.
 
Mỹ đang tiêm chủng cho dân chúng nước này với tốc độ gấp 3 lần Pháp và Đức, theo dữ liệu website Our World in Data. Nước duy nhất hành động nhanh hơn Mỹ là Anh, với tốc độ tiêm vaccine hàng ngày là 0,5 liều trên 100 người.
 
Mỹ có thể là nước phương Tây đầu tiên loại bỏ được COVID-19
Hình ảnh minh họa về chiến dịch tiêm vaccine COVID-19 ở Mỹ. Đồ họa: NurPhoto
 
Kết hợp tiêm chủng với tình trạng lây nhiễm trước đó có thể giúp 2/3 dân số Mỹ được miễn dịch trước virus SARS-CoV-2 (gây bệnh COVID-19) vào giữa năm 2021, theo giải thích của một nhà virus học người Đức. Như vậy là đủ để Mỹ đạt “miễn dịch cộng đồng”, giảm đà lây lan của virus corona này xuống mức rất thấp.
 
Với 25 triệu ca bệnh COVID-19 được xác nhận và hơn 150.000 ca lây nhiễm mới mỗi ngày, Mỹ sẽ có hơn 50 triệu cư dân có sức đề kháng với virus SARS-CoV-2 vì đã phơi nhiễm với nó trong quá khứ.
 
Mỹ đã tiêm chủng cho 20 triệu người trong chưa đầy 4 tuần, và với tốc độ hiện tại (6 triệu ca tiêm vaccine mỗi tuần), sẽ có thêm 170 triệu người Mỹ được miễn dịch với SARS-CoV-2 vào cuối quý II của năm 2021.
 
Theo dự tính đó, 220 triệu người Mỹ (trên tổng số dân 330 triệu người) sẽ đạt được miễn dịch với COVID-19.
 
Các nhà virus học tin rằng “miễn dịch cộng đồng” sẽ đạt được khi khoảng 43% đến 60% dân số một quốc gia miễn dịch với COVID-19.
 
Tất nhiên lợi thế này của nước Mỹ đi kèm với một cái giá đắt: Mỹ đã có 1.300 ca tử vong trên một triệu cư dân trong năm 2020, chỉ kém Anh (1.471 ca), Italy (1.431 ca), và Bỉ (1.791 ca).

Dư luận không khỏi ngỡ ngàng khi nhiều nước châu Âu và Mỹ có sự bùng phát dữ dội dịch COVID-19. Nhưng những diễn biến đó đều có nguyên nhân hiện hữu.
 

Nỗ lực bù đắp cho tổn thất nhân mạng quá lớn trước đây

 
Mỹ hiện đang tích cực tìm kiếm vaccine mRNA – loại vaccine tỏ ra hiệu quả nhất trong giảm sự lây lan của virus. Trong khi đó, tại châu Âu, một loạt sự cố đã phá hoại chương trình vaccine của châu lục này.
 
Mặc dù vaccine mRNA được phát minh tại các phòng thí nghiệm của BionTech ở Đức, việc sản xuất bị đình trệ tại một nhà máy của Bỉ do BionTech và Pfizer vận hành đã trì hoãn nguồn cung, trong khi AstraZeneca sẽ chỉ sản xuất 30 triệu trong số 80 triệu liều mà họ đã hứa hẹn cung cấp vào tháng 2 và tháng 3 năm nay, do các vấn đề trong khâu sản xuất.
 
Giới chức Cộng đồng châu Âu trong khi đó lại không phê chuẩn nhanh chóng các vaccine, còn chính quyền Mỹ thời Trump lại làm việc tương đối nhanh chóng.
 
Mỹ có vẻ được cung cấp vaccine tương đối tốt. Trong một thông cáo báo chí mới đây, hãng Pfizer Inc. và BioNTech SE công bố một thỏa thuận thứ hai với chính phủ Mỹ về việc cung ứng thêm 100 triệu liều vaccine từ các cơ sở sản xuất ở Mỹ.
 
Thỏa thuận trên nâng tổng số liều vaccine được cung cấp cho Mỹ lên mức 200 triệu. Các công ty trên dự kiến cung cấp toàn bộ 200 triệu cho Mỹ vào tháng 7/2021.
 
Nếu Mỹ đạt được miễn dịch cộng đồng thì điều đó có nghĩa rằng Mỹ cơ bản không còn mắc COVID-19 nữa, ngăn cản sự xuất hiện của các biến chủng mới có khả năng vượt qua các kháng thể hiện tại, trong khi các vùng khác trên thế giới sẽ vẫn đối diện với nguy cơ dịch bệnh khó lường.
 
Theo VOV