Mỹ đẩy mạnh nỗ lực nghiên cứu và sản xuất chip

TTXVN 11:16 | 21/09/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Ngày 20/9, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã lựa chọn một nhóm các nhà cố vấn cấp cao để giám sát khoản tiền tài trợ 52,7 tỷ USD của chính phủ nhằm thúc đẩy sản xuất và nghiên cứu chip.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo cho biết nhóm giám sát gồm khoảng 50 người. Các chuyên gia này có bề dày kinh nghiệm trong ngành và trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển (R&D), đặc biệt là kinh nghiệm thiết lập và thực hiện các chương trình quy mô lớn. 

Nhà kinh tế trưởng Aaron "Ronnie" Chatterji tại Bộ Thương mại Mỹ sẽ đảm trách vai trò Điều phối viên Nhà Trắng về Triển khai Đạo luật Khoa học và CHIPS tại Hội đồng Kinh tế Quốc gia (NEC) và sẽ quản lý công việc của Hội đồng chỉ đạo thực hiện đạo luật theo sắc lệnh hành pháp về chip được Tổng thống Biden ký vào tháng trước.     

Giám đốc NEC Brian Deese nêu rõ ông Chatterji sẽ giúp điều phối cách tiếp cận thống nhất của Mỹ đối với việc triển khai cốt lõi các ưu tiên đi đôi với việc đảm bảo rằng có những cơ chế và biện pháp giám sát để việc chi tiêu tiền thuế của người dân được thực hiện một cách có trách nhiệm.    

Cùng ngày, ông Todd Fisher, một quan chức kinh tế của Bộ Thương mại, được chỉ định là cố vấn cấp cao lâm thời của Văn phòng Chương trình CHIPS. Giám đốc điều hành công nghệ thông tin Donna Dubinsky sẽ đảm nhận vai trò cố vấn cấp cao của Bộ trưởng Thương mại Raimondo về việc triển khai đạo luật. Bên cạnh đó, quan chức Bộ Tài chính Mỹ, ông Michael Schmidt, sẽ đảm nhận trọng trách Giám đốc Văn phòng Chương trình CHIPS. Trước đây, ông Schmidt từng là Ủy viên Cục Thuế và Tài chính bang New York. 

Ngoài ra, Giám đốc Phòng thí nghiệm đo lường vật liệu của chính phủ sẽ giữ chức Giám đốc lâm thời của Văn phòng R&D CHIPS.

Tháng Tám vừa qua, Quốc hội Mỹ đã phê duyệt khoản hỗ trợ 52,7 tỷ USD cho việc sản xuất và nghiên cứu chip, trong đó dành 11 tỷ USD cho công tác nghiên cứu, đồng thời phê duyệt khoản tín dụng thuế đầu tư cho các nhà máy sản xuất chip, với giá trị ước tính 24 tỷ USD.

Sắc lệnh hành pháp về chip nhận được sự ủng hộ của Tổng thống Biden nhằm thúc đẩy các nỗ lực nâng cao khả năng cạnh tranh của Mỹ cũng như giải quyết tình trạng thiếu chip dai dẳng đã ảnh hưởng tới mọi mặt hàng từ ô tô cho tới máy giặt, trò chơi điện tử và vũ khí.