Mỹ tiếp tục bổ sung nhiều công ty Trung Quốc và Iran vào 'danh sách trừng phạt'
Chính quyền Mỹ ngày 5/1 đã bổ sung vào danh sách trừng phạt 1 công ty Trung Quốc, 12 nhà sản xuất kim loại và thép của Iran và 3 đại lý bán hàng tại nước ngoài của một công ty cổ phần của Iran.
Theo phóng viên TTXVN tại Washington, chính quyền Mỹ ngày 5/1 đã bổ sung vào danh sách trừng phạt 1 công ty Trung Quốc chuyên sản xuất các vật liệu phục vụ hoạt động sản xuất thép, 12 nhà sản xuất kim loại và thép của Iran và 3 đại lý bán hàng tại nước ngoài của một công ty cổ phần khai thác mỏ và kim loại lớn của Iran.
Theo tuyên bố của Bộ Thương mại Mỹ, Washington đã liệt vào danh sách trừng phạt Công ty TNHH công nghệ vật liệu carbon mới Kaifeng Pingmei do doanh nghiệp Trung Quốc đã cung cấp hàng nghìn tấn vật liệu cho các công ty sản xuất thép của Iran trong khoảng thời gian từ tháng 12/2019 đến tháng 6/2020.
Nhiều doanh nghiệp Iran vào danh sách trừng phạt của Mỹ. (Nguồn: aljazeera)
Trong số các công ty của Iran bị đưa vào danh sách trên có Pasargad Steel Complex và Gilan Steel Complex, bị trừng phạt theo Sắc lệnh hành pháp 13871 do hoạt động trong ngành thép của Iran.
Cũng trong ngày 5/1, một quan chức cao cấp trong chính quyền Mỹ cho biết Tổng thống Donald Trump đã ký sắc lệnh hành pháp nhằm cấm các giao dịch với 8 ứng dụng phần mềm của Trung Quốc.
Theo đó, các ứng dụng của Trung Quốc bị cấm bao gồm Alipay, CamScanner, QQ Wallet, SHAREit, Tencent QQ, VMate, WeChat Pay và WPS Office.
Sắc lệnh này được đưa ra nhằm hạn chế cái gọi là "mối đe dọa đối" với người Mỹ do các ứng dụng phần mềm của Trung Quốc gây ra. Những phần mềm này vốn có nhiều người sử dụng và quyền truy cập vào dữ liệu nhạy cảm.
Bộ Thương mại Mỹ sẽ có 45 ngày để thực hiện nhiệm vụ xác định các giao dịch nào sẽ bị cấm theo sắc lệnh trên mà được cho là nhằm mục tiêu vào phần mềm QQ Wallet và WeChat pay của công ty Tencent Holdings Ltd. Tuy nhiên, Bộ ngày có kế hoạch hành động trước ngày 20/1 khi Tổng thống Trump rời nhiệm sở.
Tuy nhiên, bất kỳ giao dịch nào bị chính quyền Trump cấm có khả năng sẽ phải đối mặt với các thách thức pháp lý tại tòa án giống như các lệnh cấm giao dịch với WeChat và TikTok trước đó bị các thẩm phán liên bang ngăn chặn.
Đây là động thái mới nhất có thể khiến căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục leo thang. Trước đó, chính quyền Tổng thống Trump cũng cấm tải các ứng dụng WeChat và TikTok do Trung Quốc sở hữu tại Mỹ.
Cũng liên quan đến lệnh trừng phạt các doanh nghiệp Trung Quốc, một nguồn tin đáng tin cậy cho biết Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đã có cuộc trao đổi qua điện thoại với bà Stacey Cunningham, Chủ tịch Sở Giao dịch Chứng khoán New York (NYSE).
Trong cuộc trao đổi, ông Mnuchin cho biết ông không đồng ý với quyết định của bà Cunningham cho phép 3 công ty viễn thông của Trung Quốc tiếp tục niêm yết trên sàn NYSE.
Trước đó, ngày 4/1, NYSE thông báo bỏ kế hoạch hủy niêm yết cổ phiếu của các công ty viễn thông Trung Quốc, gồm China Mobile Ltd, China Telecom Corp Ltd và China Unicom Hong Kong Ltd, sau khi tham vấn thêm với các cơ quan quản lý liên quan của Mỹ.
Quyết định trên của NYSE đã đi ngược với lệnh cấm các khoản đầu tư của Mỹ vào các công ty Trung Quốc mà Washington nói là do quân đội sở hữu hoặc kiểm soát được Tổng thống Donald Trump ban hành vào tháng 11/2020./.
Theo TTXVN/Vietnam+