Mỹ-Trung căng thẳng, Nga chuẩn bị kế hoạch ‘trỗi dậy’
TTXVN cho hay, ngày 13/5, trong buổi tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đang ở thăm Nga, Ngoại trưởng Nga Lavrov đã rất đồng tình với quan điểm Bắc Kinh và Moskva cần tăng cường hợp tác chiến lược nhằm đối mặt với sự bất ổn toàn cầu cũng như chủ nghĩa đơn phương trỗi dậy mà ông Vương Nghị đưa ra.
Ngoại trưởng Lavrov cho biết Nga rất vui mừng về cách thức hai nước láng giềng hợp tác tại các diễn đàn đa phương như Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO).
Quan điểm đối ngoại Nga-Trung được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc đang chuẩn bị cho chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Nga vào tháng 6 tới để tham gia Diễn đàn Kinh tế quốc tế St. Petersburg. Cùng lúc, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng có kế hoạch thăm Nga trong tuần này để gặp người đồng cấp Lavrov và Tổng thống nước chủ nhà Vladimir Putin.
Phê chuẩn kế hoạch lọt nhóm 5 nền kinh tế lớn nhất thế giới
Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã phê chuẩn Kế hoạch về các mục tiêu quốc gia phát riển đất nước từ nay đến năm 2024. Theo đó, Nga sẽ vượt qua Đức về GDP và lọt vào nhóm 5 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Trong tờ trình kèm theo nêu rõ, kế hoạch này được phê chuẩn để thực hiện sắc lệnh ngày 7/5/2018 của Tổng thống Nga “Về các mục tiêu quốc gia và nhiệm vụ chiến lược phát triển LB Nga giai đoạn đến năm 2024”. Các nhiệm vụ chiến lược trong kế hoạch mang tính chất liên chương trình: Một mục tiêu cần được thực hiện trong khuôn khổ nhiều chương trình quốc gia, liên quan với nhau, ví dụ giảm tỉ lệ nghèo không thể thiếu tăng trưởng bền vững, tăng năng suất lao động cần đi đôi với phổ biến công nghệ số và phát triển công nghệ.
Một trong những nhiệm vụ đó là đưa LB Nga vào nhóm 5 nền kinh tế lớn nhất thế giới, đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn tốc độ của thế giới mà vẫn duy trì ổn định kinh tế, lạm phát không quá 4%.
Kế hoạch đặt ra các con số cụ thể về GDP: Năm 2019 GDP Nga sẽ phải tăng 1,3%, năm 2020 – 2,0%, 2021 – 3,1%, 2022 – 3,2%, 2023 – 3,3% và 2024 – 3,3%. Nếu như vậy nền kinh tế Nga sẽ chiếm vị trí thứ 5 thế giới vào năm 2023.
Hiện theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), kinh tế Nga đang đứng thứ 6 về GDP theo sức mua tương đương (purchasing power parity). Năm 2017 về chỉ số này Nga kém Đức 4,4%, trong khi GDP của Nga lớn hơn GDP của Indonesia (đứng thứ 7) 19,1%.
Giảm thanh toán bằng đồng USD với tốc độ kỷ lục
Các chuyên gia của mạng lưới tư vấn và kiểm toán FinExpertiza tính toán rằng trong vòng 5 năm bị trừng phạt, Nga đã giảm số lượng thanh toán quốc tế bằng đồng USD gần 13%, tăng thị phần thanh toán bằng euro và ruble lên lần lượt 26% và 14%.
Việc Mỹ đe dọa loại Nga ra khỏi Hiệp hội Viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn thế giới (SWIFT) đã dẫn đến việc Moskva giảm dần sự lệ thuộc vào đồng USD trong giao dịch ngoại thương.
Các chuyên gia FinExpertiza xác nhận trong vòng 5 năm, thị phần của "đồng bạc xanh" của Mỹ trong các thanh toán hợp đồng nước ngoài của Nga giảm xuống còn 56% (tương đương 388 tỷ USD), mặc dù chỉ 5 năm trước thị phần USD trong thanh toán hoạt đông ngoại thương vượt hơn 80%.
Đồng ruble và euro đang lấn át đồng USD, thị phần của những ngoại tệ này trong tổng khối lượng thanh toán nước ngoài của Nga lần lượt tăng lên tới 22% và 20%.
Chủ tịch Hội đồng Giám đốc FinExpertiza Elena Trubnikova nhận định: “Xu hướng từ bỏ đồng USD và chuyển sang thanh toán bằng đồng ruble trong giao dịch ngoại thương đã trở nên rõ ràng. Biện pháp này giúp nền kinh tế Nga bền vững hơn, bảo vệ khỏi các biện pháp trừng phạt”.
Nhiều nhà phân tích cho rằng trong tương lai gần các công ty năng lượng của Nga sẽ trở thành yếu tố tác động chính chuyển sang thanh toán bằng đồng nội tệ. Trước hết đó là Tập đoàn Gazprom và đường ống dẫn khí đốt “Sức mạnh Siberia” sẽ bắt đầu đưa vào khai thác vào tháng 12 tới. Hợp đồng trị giá 400 tỷ USD hiện nay đề xuất cung cấp hằng năm 38 tỷ m3 cho Trung Quốc trong vòng 30 năm. Điều này sẽ bổ sung cho thị trường tiền tệ Nga khối lượng lớn đồng Nhân dân tệ và sử dụng chúng để thanh toán các mặt hàng nhập từ Trung Quốc.