Mỹ tuyên bố sẽ có lập trường không khoan nhượng với Trung Quốc trên bàn đàm phán tại Alaska

10:32 | 18/03/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Các quan chức trong chính quyền ông Joe Biden tuyên bố rằng Mỹ sẽ có lập trường không khoan nhượng trong cuộc đàm phán với Trung Quốc sẽ diễn ra vào ngày 18/3 tại Alaska (Mỹ).
"Chúng tôi đang theo đuổi những gì chúng tôi cảm thấy là một thái độ ngày càng cứng rắn" - một quan chức cấp cao trên nói với Reuters.
 
Mỹ sẽ thể hiện "thái độ ngày càng cứng rắn" với Trung Quốc trong cuộc đàm phán diễn ra tuần này và sẽ bày tỏ những quan ngại sâu sắc về hành vi của Trung Quốc trong một loạt vấn đề, theo quan chức trên.
 
Phía Mỹ sẽ thẳng thắn bày tỏ "các quan ngại sâu sắc" về cách đối xử của Trung Quốc với người Hồi giáo tại Tân Cương, các cuộc biểu tình dân chủ ở Hong Kong, cũng như sự cưỡng ép và gây hấn với các đồng minh và đối tác của Mỹ cùng các động thái gây hấn nhắm vào Đài Loan của Trung Quốc.
 
Mỹ tuyên bố sẽ có lập trường không khoan nhượng
Tổng thống Mỹ Joe Biden
 
Trả lời phỏng vấn qua điện thoại với Reuters trước cuộc đàm phán diễn ra ngày 18/3 ở bang Alaska (Mỹ), một quan chức khác nói Washington muốn nhìn thấy "các hành động chứ không phải lời nói" từ Bắc Kinh nếu Trung Quốc muốn cải thiện quan hệ giữa hai nước.
 
Washington không trông đợi kết quả cụ thể từ cuộc đàm phán, nhưng sẽ nói rõ các lĩnh vực mà Mỹ tin rằng Trung Quốc cần thay đổi để cải thiện quan hệ với nước này.
 
Quan chức thứ nhất nói Washington không chấp nhận các hành động của Trung Quốc, bao gồm "các hoạt động tấn công mạng độc hại", và sẽ yêu cầu Bắc Kinh tuân thủ luật pháp quốc tế.
 
 
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken và cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan sẽ gặp 2 nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc là ông Dương Khiết Trì - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương và Ngoại trưởng Vương Nghị tại Anchorage, Alaska vào ngày 18/3. Đây là phiên tiếp xúc cấp cao trực tiếp đầu tiên giữa Mỹ và Trung Quốc kể từ thời điểm ông Joe Biden lên nắm quyền.
 
Theo SCMP, tại cuộc họp báo theo hình thức điện đàm ngày 17/3, một quan chức ngoại giao cấp cao của Mỹ cho biết, thảo luận tại Anchorage về cơ bản là bước khởi động đầu tiên để Mỹ, Trung Quốc nắm được quan tâm, ý định và ưu tiên của nhau. Phía Mỹ không kỳ vọng cuộc gặp này có thể tạo ra một kết quả tức thời, cũng như một tuyên bố chung được đưa ra sau hội đàm.
 
Không kỳ vọng nhiều vào cam kết vững chắc mà Bắc Kinh có thể đưa ra tại cuộc họp cấp cao này, nhưng quan chức Mỹ cũng khẳng định Washington tới bàn thảo luận ở Alaska với “thế ngày một  mạnh” - ngầm đề cập việc chính quyền Joe Biden đạt bước tiến lớn trong cuộc chiến chống COVID-19 cũng như nhiều bước đi, nỗ lực làm sống lại quan hệ liên minh với nhiều đối tác trên toàn cầu gần đây.
 
Người này cho biết Mỹ sẽ thiết lập ra một số khu vực thảo luận riêng biệt mà ở đó Washington cho rằng Bắc Kinh cần phải có thay đổi trong hành xử. Nổi bật là hành vi “dọa dẫm kinh tế” nhằm vào các đồng minh của Mỹ như Australia, hay như vấn đề ở Biển Đông.
 
H.A