Năm 2020 ngành gỗ có thể không có tăng trưởng
(DNVN) -Đây là nhận định được đưa ra trong Báo cáo Đối diện và vượt qua thách thức: Tác động của Đại dịch COVID-19 tới ngành gỗ và hướng đi mới doanh nghiệp của Nhóm nghiên cứu do Tổ chức Forest Trends và Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) công bố mới đây.
Theo báo cáo, với độ hội nhập thế giới lớn, ngành gỗ Việt Nam đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch COVID-19. Hiện dịch đang bùng phát mạnh tại hầu hết các thị nhập khẩu đồ gỗ quan trọng của Việt Nam, bao gồm Mỹ (chiếm 50% tổng giá trị xuất khẩu của ngành gỗ Việt Nam) và EU (chiếm 10%). Dịch đang có dấu hiệu bùng phát trở lại tại Nhật Bản, thị trường tiêu thụ khoảng 13% các mặt hàng gỗ xuất khẩu của nước ta. Mặc dù dịch có dấu hiệu được kiểm soát tại Trung Quốc – thị trường lớn thứ 3 của Việt Nam với 12% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng năm, để thị trường này khôi phục lại sức mua và các chuỗi cung như trước khi dịch xảy ra sẽ mất rất nhiều thời gian và chưa biết đến bao giờ sức mua sẽ trở lại được như lúc trước Đại dịch.
Bên cạnh đó, đại dịch cũng đang tác động tiêu cực tới các khâu khác nhau của chuỗi cung gỗ của Việt Nam, bao gồm cả khâu nhập khẩu và chế biến tiêu thụ nội địa. Trong bối cảnh hầu hết các quốc gia đang tăng cường các biện pháp và chính sách mạnh nhằm hạn chế lưu thông, giảm rủi ro bệnh dịch lan truyền, luồng cung gỗ nhập khẩu trở nên khó khăn hơn, và điều này trực tiếp làm tăng giá gỗ nhập khẩu. Trong nước, các quy định về cách ly xã hội và dừng hoạt động kinh doanh của các dịch vụ không thiết yếu làm nhiều doanh nghiệp và hộ gia đình, bao gồm các hộ sản xuất kinh doanh tại các làng nghề gỗ, phải thu hẹp quy mô hoặc ngừng sản xuất. Thiệt hại về kinh tế cho các doanh nghiệp và các hộ sản xuất và người lao động là rất lớn. Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam dự báo năm 2020 ngành có thể không có tăng trưởng.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ và đặc biệt cộng đồng doanh nghiệp trong ngành hiện đang nỗ lực thực hiện các chính sách và hành động nhằm giảm tác động tiêu cực của dịch tới các hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, bên cạnh những giải pháp mang tính chất ngắn hạn này, đại dịch đòi hỏi ngành cần phải có những thay đổi mang tính chất chiến lược trong tương lai. Đại dịch sẽ qua đi và ngành gỗ sẽ vận hành trở lại, nhưng cách thức vận hành sẽ khác bởi ngành cần có những thay đổi căn bản.
Cũng theo báo cáo, trong thời gian qua, các cơ chế chính sách của Chính phủ cũng như hoạt động của nhiều doanh nghiệp trong ngành vẫn đi theo hướng trọng tâm xuất khẩu. Các ưu tiên này không có gì sai. Tuy nhiên, đại dịch với kết quả là các chuỗi cung gỗ xuất khẩu bị đứt gãy do thị trường xuất khẩu hầu hết bị đóng băng đòi hỏi ngành cần nhìn nhận chi tiết hơn về cơ cấu dòng hàng và thị trường xuất khẩu. Đại dịch cũng làm đứt gãy các chuỗi cung trong nhập khẩu, đặc biệt đối với các mặt hàng nguyên phụ liệu từ Trung Quốc, gây ra các khó khăn cho các doanh nghiệp phụ thuộc vào nguồn cung này. Đại dịch cũng cho thấy phương thức bán hàng truyền thống (offline) cần phải thay đổi, nhằm giảm rủi ro trong hội nhập và phù hợp với xu thế thương mại thế giới.
Mặt khác, cũng theo báo cáo nhìn nhận, với dân số gần 97 triệu và tầng lớp trung lưu đông đảo và ngày càng phát triển, quy mô của thị trường nội địa không hề nhỏ. Kinh nghiệm từ ngành chế biến gỗ của Thái Lan cho thấy thị trường nội địa bên cạnh những thế mạnh là ổn định và tạo công ăn việc làm đặc biệt cho các cơ sở sản xuất vừa và nhỏ tốt hơn so với thị trường xuất khẩu, các sản phẩm bán tại thị trường nội địa đem lại lợi nhuận cao hơn trên một đơn vị sản phẩm so với các sản phẩm xuất khẩu. Điều này cho thấy Chính phủ và các doanh nghiệp trong ngành gỗ của Việt Nam cần dành sự quan tâm xứng đáng cho thị trường nội địa. Nói cách khác, chiến lược phát triển ngành gỗ không chỉ chú trọng vào mở rộng xuất khẩu mà cần có các cơ chế, chính sách và hoạt động nhằm phát triển bền vững thị trường nội địa.
Nhìn nhận thêm về vấn đề này, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch VIFOREST cho rằng: Ngành gỗ hiện vẫn đang còn thiếu một chiến lược phát triển bền vững. Chiến lược này cần định dạng chính xác ngành gỗ Việt Nam trên bản đồ chế biến, thương mại và tiêu thụ các mặt hàng gỗ toàn cầu. Chiến lược phát triển bền vững cho ngành gỗ cũng cần bao hàm thông tin về xu hướng thay đổi cung – cầu thế giới về đồ gỗ. Bức tranh cung – cầu này luôn biến động, không chỉ bởi các cơ chế chính sách của nhà nước mà còn do thay đổi thị hiếu và nhận thức của người tiêu dùng toàn cầu. Xác định một chiến lược cho ngành gỗ Việt, với các hợp phần này sẽ giúp cho ngành gỗ giảm được các rủi ro do thị trường và bệnh dịch, và đi theo hướng bền vững trong tương lai.
Bệnh dịch sẽ qua nhưng chắc chắn sự vận hành của ngành không thể duy trì theo cách trước khi dịch xảy ra. Ngành cần có những hướng đi mới, với các thay đổi căn bản để phát triển bền vững. Các thay đổi căn bản này liên quan tới việc xác định các dòng sản phẩm và thị trường chiến lược, hình thành và phát triển các liên kết giữa các doanh nghiệp trong ngành và phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, chuyển đổi dần từ phương thức bán hàng truyền thống sang hình thức bán hàng online, và phát triển thị trường nội địa. Thực hiện các thay đổi này đòi hỏi cần có sự ưu tiên và tập trung nguồn lực từ cả Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp.