Năm 2021: Nhiều tín hiệu tích cực từ nguồn vốn FDI vào Việt Nam

22:14 | 09/01/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Với nhiều tín hiệu tích cực, Việt Nam đang trở thành thị trường thu hút nguồn vốn FDI, đặc biệt là các dòng tiền từ nhà đầu tư Mỹ trong năm 2021.

Hàng loạt cơ hội từ các thỏa thuận thương mại

 
Tờ Tạp chí Kinh tế vừa đăng tải chia sẻ của TS. David Gray, Trung tâm Nghiên cứu chính sách và kinh tế, Đại học Lincoln với nhận định: Có thể các dòng tiền "nóng" từ các nhà đầu tư trên thế giới sẽ tìm tới thị trường tài sản Việt Nam.
 
 
Năm 2021: Nhiều tín hiệu tích cực từ nguồn vốn FDI vào Việt Nam - ảnh 1
TS. David Gray, Trung tâm Nghiên cứu chính sách và kinh tế, Đại học Lincoln.
 
Theo TS. David Gray, hiện có hàng loạt cơ hội từ các thỏa thuận thương mại trong năm 2021, do Việt Nam đã ký thỏa thuận thương mại với Anh, thỏa thuận thương mại với châu Âu và đã có hiệu lực, Việt Nam cũng đã tham gia vào Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (RCEP). Điều này cho thấy Việt Nam đang ngày càng mở cửa, hướng tới tự do thương mại và sẽ thu hút thêm nhiều đầu tư trực tiếp nước ngoài.
 
Có nhiều thay đổi trong Luật Đầu tư nước ngoài và cũng những các chuẩn mực mới về doanh nghiệp và người lao động. Do vậy, kỳ vọng rằng sẽ có nhiều cơ hội giao thương giữa Việt Nam với Anh Quốc, cũng như với châu Âu thời gian tới.
 
“Nhìn chung, tôi cho rằng, nước Anh sẽ tăng trưởng chậm lại trong khi Việt Nam có thể sẽ tăng trưởng nhanh hơn. Cũng có thể các dòng tiền "nóng" từ các nhà đầu tư trên thế giới sẽ tìm tới thị trường tài sản Việt Nam”, TS. David Gray nói.
 
Tuy nhiên, ông Gray cũng cảnh báo: Hậu quả sẽ là bong bóng tài sản có thể sẽ diễn ra. Với thị trường đang tăng trưởng như Việt Nam, đó rất có thể là cái giá phải trả cho sự thành công.
 
Trao đổi với Thời báo Ngân hàng, TS. Phạm Đình Thúy - Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và Xây dựng, Tổng cục Thống kê cho biết, việc kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19, nền kinh tế vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng và kinh vĩ mô ổn định đã giúp nâng cao tín nhiệm quốc gia, củng cố niềm tin nhà đầu tư nước ngoài.
 
Việt Nam đang là điểm đến trong xu thế dịch chuyển dòng vốn đầu tư toàn cầu trong năm 2020. Điển hình như Foxconn và nhiều thương hiệu lớn nổi tiếng khác từ các quốc gia truyền thống như: Nhật Bản, Hàn quốc, EU... đã có những dự án mới có quy mô lớn đã vào Việt Nam và triển khai rất nhanh ở nhiều địa phương như Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Giang... Trong số đó chủ yếu là các dự án đầu tư vào ngành chế biến, chế tạo cụ thể là đầu tư vào lĩnh vực điện tử.
 
Đơn cử như Công ty TNHH LUXSHARE-ICT hoạt động trong lĩnh vực điện tử đầu tư dự án mới có quy mô lớn vào Bắc Giang hồi tháng 3/2020. Chỉ mới mấy tháng đi vào hoạt động trong năm 2020, DN này đã sản xuất được khoảng trên 15 triệu tai nghe có kết nối với micro, tạo ra trên 33 nghìn tỷ đồng doanh thu (100% xuất khẩu). Dự án này đã tạo việc làm cho 30.000 lao động (dự kiến năm 2021 tăng lên 50.000 lao động) và là nhân tố chủ yếu làm cho chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp ở Bắc Giang năm 2020 tăng khoảng 20% so với năm 2019. Đây là một tốc độ tăng ấn tượng trong năm đại dịch Covid-19, đóng góp tích cực vào mức tăng trưởng chung của cả nước.
 
Hay như ở Quảng Ninh cũng có 6 DN FDI mới đầu tư và đi vào hoạt động trong năm 2020, chủ yếu vào lĩnh vực điện tử, đã thu hút 6.500 lao động, tạo ra khoảng 3.500 tỷ đồng doanh thu (100% xuất khẩu) đóng góp tích cực vào mức tăng trưởng sản xuất công nghiệp 20% của Quảng Ninh trong năm 2020.
 
 
Sự dịch chuyển chuỗi cung ứng và tái cơ cấu đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia đã diễn ra từ nhiều năm nay và trở nên mạnh mẽ hơn trong những năm gần đây. Trong bối cảnh xu hướng đa phương hóa và đa dạng hóa, các tập đoàn đa quốc gia vẫn đang hướng tới những nền kinh tế như Ấn Độ, Indonesia, Việt Nam… để tái cơ cấu chuỗi cung ứng nhằm tối ưu hóa lợi nhuận đầu tư.
 
 
Năm 2021: Nhiều tín hiệu tích cực từ nguồn vốn FDI vào Việt Nam - ảnh 2
TS. Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và Xây dựng, Tổng cục Thống kê
 
 
Trong xu thế đó, theo TS. Phạm Đình Thúy, Việt Nam đang được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, được coi là điểm đầu tư hấp dẫn và an toàn vì Việt Nam đang có ưu thế nổi trội nhờ các yếu tố.
 
Thứ nhất là tình hình chính trị - kinh tế vĩ mô ổn định, GDP tăng trưởng cao và ổn định trong nhiều năm. Thứ hai, Việt Nam đã có chiến lược thu hút FDI mới với nhiều ưu đãi hấp dẫn.
 
Thứ ba, Việt Nam đã hội nhập sâu, rộng vào nền kinh tế thế giới. Với các hiệp định thương mại mới mở ra những cơ hội lớn cho Việt Nam. Theo đó không chỉ các doanh nghiệp nội địa mà nhiều doanh nghiệp FDI, đặt nhà máy tại Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ những hiệp định này.
 
Thứ tư, nguồn lao động dồi dào, trẻ, năng động, có kiến thức.
 
Thứ năm, Việt Nam là thị trường tiềm năng và rộng lớn với dân số tiệm cận 100 triệu người.
 
Thứ sáu, Việt Nam đã và đang tích cực cải cách thủ tục hành chính, cải thiện mạnh môi trường đầu tư.
 
Thứ bảy, Việt Nam có vị trí địa lý chiến lược, nằm ở trung tâm của khu vực châu Á, kết nối giữa Trung Quốc với các nước ASEAN; thời gian bay đến các trung tâm kinh tế lớn và năng động như Trung Quốc, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và các nước ASEAN rất ngắn.
 
Cuối cùng, với việc kiểm soát thành công dịch COVID-19, Việt Nam đang được cộng đồng thế giới đánh giá cao và trở thành một điểm đến đầu tư an toàn và hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài trong hiện tại và trong tương lai.
 
Đó chính là lý do trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, nhiều quốc gia bị tụt hạng về hệ số tín nhiệm quốc gia (do tổ chức xếp hạng Fitch Ratings tiến hành (Fitch) thì ngược lại Việt Nam không những được đánh giá là giữ được sự ổn định với mức BB mà còn được đánh giá có chuyển biến tốt, chuyển từ triển vọng tích cực sang ổn định.
 
“Với những yếu tố đó, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trở lại trong năm 2021 và các năm tiếp theo”, ông Thúy nói.
 

Nhiều tập đoàn nước ngoài đang khảo sát môi trường đầu tư tại Việt Nam

 
VnEconomy có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Toàn, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài Việt Nam (Vafie) xung quanh câu chuyện thu hút đầu tư Mỹ vào Việt Nam. Đặc biệt, trong bối cảnh chính quyền Mỹ đang trong quá trình chuyển tiếp cho nhiệm kỳ mới.
 
 
Năm 2021: Nhiều tín hiệu tích cực từ nguồn vốn FDI vào Việt Nam - ảnh 3
Ông Nguyễn Văn Toàn - Phó chủ tịch Vafie.
 
Ông Toàn nhận định hiện có nhiều tín hiệu tích cực từ dòng vốn đầu tư từ Mỹ vào Việt Nam: “Theo thông tin tôi có được thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tiếp xúc với nhiều tập đoàn lớn, cả kể các tập đoàn bắt đầu đầu tư ra ngoài lẫn tập đoàn muốn di chuyển địa điểm sang nước thứ ba. Họ đang khảo sát môi trường đầu tư tại Việt Nam. Các lĩnh vực mà doanh nghiệp Mỹ muốn đầu tư tập trung vào vấn đề năng lượng tái tạo, nông nghiệp, hạ tầng, y tế, giáo dục… Các dự án của Mỹ giá trị rất lớn, vài tỷ đô. Nếu những dự án này mà trở thành hiện thực thì tạo bước ngoặt trong thu hút dòng vốn lớn, chất lượng cao vào Việt Nam”.
 
Đánh giá về trường hợp ông Biden lên nắm quyền Tổng thống Mỹ sẽ tác động thế nào đến vốn FDI vào Việt Nam, không chỉ từ Mỹ mà cả các nước thứ 3 khác có quan hệ với Mỹ, ông Toàn cho rằng: Điểm chung của ông Trump và ông Biden đều muốn Mỹ với vai trò dẫn dắt thế giới. Tuy nhiên, chính sách thương mại và đối ngoại của ông Biden có thể sẽ mềm mỏng và ôn hoà hơn. Muốn dẫn dắt thế giới thì quan điểm của ông Biden không đi một mình mà tập hợp lực lượng với các đồng minh nhằm tăng sức manh.
 
Vai trò của Mỹ với các tổ chức quốc tế có thể sẽ có những thay đổi. Theo giới chuyên gia quốc tế, nhiều khả năng Mỹ sẽ quay lại WHO, quay lại Hiệp định TPP nay là CPTPP cho dù phải cân nhắc rất kỹ. Khi Mỹ quay lại TPP thì Việt Nam sẽ có lợi thế hơn xuất khẩu hàng hoá sang Mỹ. Trong hiệp định TPP sẽ có những điều kiện thuận lợi hơn các ưu đãi về đầu tư. Điều này cũng sẽ thúc đẩy dòng vốn FDI từ Mỹ vào các quốc gia khác TPP trong đó có Việt Nam.
 
Bên cạnh đó, khi Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) có hiệu lực thì đầu tư nước ngoài từ EU vào Việt Nam khởi sắc hơn. Môi trường đầu tư Việt Nam tốt hơn thì các nhà đầu tư Mỹ cũng sẽ quan tâm đến Việt Nam hơn.
 
Tuy nhiên, đón làn sóng dịch chuyển vốn FDI của Mỹ sang các nước ngoài Trung Quốc không chỉ có Việt Nam mà còn có các nước khác như Ấn Độ, Indonesia, Malaysia...? Làm thế nào cạnh tranh được với các quốc gia này?
 
Ấn Độ hấp dẫn các nhà đầu tư Mỹ hơn mình vì quy mô nền kinh tế họ lớn hơn nhiều, dân số đông, trình độ nguồn nhân lực khá hơn Việt Nam, hệ thống đào tạo kỹ sư của họ tốt.
 
Có ba điều quan trọng trong quyết định đầu tư của nhà đầu tư Mỹ vào Việt Nam: Thứ nhất, quyền sở hữu trí tuệ; Tính minh bạch; Sự thay đổi thường xuyên của hệ thống pháp luật về chính sách đầu tư cũng khiến họ e ngại. Các nhà đầu tư Mỹ vào Việt Nam thường yêu cầu môi trường đầu tư khắt khe hơn, gần giống với quan điểm đầu tư từ các nước trong Liên minh châu Âu (EU).
 
Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra nhiều chương trình nhằm thu hút các tập đoàn lớn như sẵn sàng lắng nghe yêu cầu của họ về cơ chế, chính sách.
 
Tất nhiên, vẫn phải áp dụng theo phương pháp "may đo" phù hợp. Tức là tôi cho anh ưu đãi về thuế, cơ chế, đổi lại anh phải có tác động, lan toả đến doanh nghiệp trong nước về chuyển giao công nghệ…
Điều này đặt ra yêu cầu phải có chiến lược cụ thể thế nào từ phía Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam để công nghiệp phụ trợ Việt Nam tốt hơn, lôi kéo doanh nghiệp Mỹ chú ý nhiều hơn đến Việt Nam, bao gồm:
 
Thứ nhất, phải có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong nước để họ có vốn, có công nghệ. Chất lượng, giá thành tương ứng hoặc phải rẻ hơn, thời gian cung ứng tốt hơn, ổn định hơn thì sẽ tham gia được vào chuỗi giá trị của các nhà đầu tư nước ngoài gồm cả Mỹ hay Hàn Quốc, Nhật Bản…
 
Chúng ta có nhiều sản phẩm "make in Việt Nam" nhưng chủ yếu nước ngoài làm hết. Nếu mãi như vậy thì không bao giờ thoát được khỏi sự phụ thuộc cũng như thoát khỏi thu nhập trung bình yếu. Chúng ta phải lớn mạnh hơn bằng cách xây dựng thương hiệu mạnh hơn về công nghiệp cho riêng mình.
 
Cùng với đó, nhà nước có chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp lớn với vai trò là "sếu đầu đàn" dẫn dắt, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ. Ví dụ như Vingroup, họ mua công nghệ sản xuất ôtô, đã có chỗ đứng nhất định trên thị trường. Khi đó, Vingroup hoàn toàn có thể tạo ra doanh nghiệp phụ trợ, hỗ trợ những doanh nghiệp nhỏ tham gia vào chuỗi giá trị của mình. Trước đây khi nói đến phụ trợ thì toàn nghĩ phụ trợ cho doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, tại sao không nghĩ là phụ trợ cho tập đoàn kinh tế lớn ở Việt Nam để cùng nhau phát triển?
 
“Vừa rồi ta có Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhưng chúng tôi cũng đề xuất với doanh nghiệp lớn, phải có luật điều chỉnh hoạt động của họ, có hành lang pháp lý để họ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ”, ông Toàn khuyến nghị.
 
Minh Hoa