Năm 2021, Việt Nam sẽ có 90 triệu liều vắcxin phòng COVID-19
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, trong năm 2021 dự kiến sẽ khoảng 90 triệu liều vaccine ngừa COVID-19. Bên cạnh đó, Bộ Y tế sẽ cấp phép cho vaccine của Nga với khoảng 60 triệu liều.
Theo VietNam+ cho biết trong năm 2021, Bộ Y tế đảm bảo sẽ cung cấp 90 triệu liều vắcxin phòng COVID-19. Trong hôm nay và ngày mai, Bộ Y tế sẽ trình Chính phủ thực hiện theo điều 26 của Luật Đấu thầu cho mua vắcxin theo cơ chế đặc biệt để Việt Nam sớm có vắcxin.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết như vậy tại cuộc họp Thường trực Chính phủ với Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 diễn ra sáng 24/2 tại Hà Nội.
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng thông tin 117.000 liều đã về đến Việt Nam hôm nay là nguồn của AstraZeneca. Số lượng vắcxin này sẽ được tiêm cho các đối tượng là nhân viên y tế tại các cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19; tiếp đến là lực lượng biên phòng đang làm nhiệm vụ tại các chốt, lực lượng công an tại các khu vực cách ly phong tỏa, lực lượng lấy mẫu, truy vết, lực lượng phòng chống dịch thuộc các tổ COVID-19 cộng đồng, các phóng viên tác nghiệp tại khu vực có dịch...
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chụp ảnh với các đơn vị nhập vắcxin của AstraZeneca. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Đầu tháng Ba, cơ quan y tế sẽ tiến hành tiêm số vắcxin này, cuối tháng Ba có thể thêm 1,2 triệu liều. Việc tiêm vắcxin được thực hiện trên nguyên tắc ưu tiên tiêm người có nguy cơ cao đến người có nguy cơ thấp, vùng có dịch tiêm trước, vùng không có dịch tiêm sau.
Theo ông Long, về việc cung ứng vắcxin phòng chống COVID-19 có nhiều nguồn khác nhau. Thứ nhất, nguồn của COVAX Facility khoảng 30 triệu liều. Bộ Y tế đang nỗ lực đàm phán để trong năm 2021 có đủ 30 triệu liều này.
Thứ hai, nguồn vắcxin của AstraZeneca. Ngày hôm qua (23/2) Bộ Y tế đã đàm phán lần cuối cùng với AstraZeneca và Công ty cổ phần Vacxin Việt Nam (VNVC). Lô 30 triệu liều vắcxin này được Bộ Y tế mua của AstraZeneca thông qua Công ty VNVC.
Thứ ba, vắcxin của Pfizer: Bộ Y tế đang tiếp tục đàm phán, khả năng trong năm 2021, Pfizer sẽ cung ứng cho Việt Nam khoảng 30 triệu liều. Bộ Y tế xin chủ trương huy động xã hội hóa cho việc tiếp cận nguồn vắcxin này.
Thứ tư, vắcxin Sputnik V của Nga. Bộ Y tế đang tích cực đàm phán. Trong tuần này Bộ Y tế sẽ họp hội đồng cấp phép cho vắcxin của Nga. Nhà sản xuất thông báo có thể cung ứng cho Việt Nam khoảng 60 triệu liều.
Ngoài ra, các tập đoàn, công ty khác không kinh doanh trong lĩnh vực y tế cũng đang thúc đẩy đàm phán với các nhà sản xuất vắcxin khác.
Tạp chí VnEconomy thông tin cho biết đối với vaccine trong nước, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long thông tin các công đoạn vẫn đang theo đúng tiến độ. Dự kiến đến năm 2022, chúng ta sẽ sản xuất được vaccine. "Chúng tôi rất kỳ vọng vào việc sản xuất vaccine của Việt Nam, trong đó vaccine của Nanogen sẽ thử nghiệm giai đoạn 2 trong tuần này và vaccine của IVAC có hiệu quả rất tốt" Bộ trưởng nói.
Về đối tượng tiêm, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho hay, các nhóm được ưu tiên tiêm trước là lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch bao gồm: nhân viên y tế; nhân viên tham gia phòng chống dịch (ban chỉ đạo các cấp, nhân viên khu cách ly, phóng viên...); nhân viên ngoại giao, hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh; lực lượng quân đội; lực lượng công an; giáo viên; người trên 65 tuổi.
Ngoài ra là nhóm cung cấp dịch vụ thiết yếu trong các lĩnh vực hàng không, vận tải, du lịch, cung cấp dịch vụ điện, nước...; người mắc các bệnh mãn tính; người có nhu cầu đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài; người tại vùng dịch theo chỉ định dịch tễ và các đối tượng khác theo quy định của Chính phủ.
Về lộ trình cung cứng vaccine, quý 1 dự kiến có 1,3 triệu liều, trong đó hơn 117.000 liều đã về ngày 24/2, số còn lại về trong tháng 3. Quý 2 dự kiến có 9,5 triệu liều và quý 3 có 25,9 triệu liều và quý 4 có 51,1 triệu liều. Như vậy tổng số là 90 triệu liều.
Bộ trưởng cũng thông tin hơn 117.000 liều đã về đến Việt Nam hôm nay là nguồn của Astra Zeneca. Đầu tháng 3 sẽ tiến hành tiêm số vaccine này, cuối tháng 3 có thể thêm 1,2 triệu liều. Việc tiêm vaccine được thực hiện trên nguyên tắc ưu tiên tiêm người có nguy cơ cao đến người có nguy cơ thấp, vùng có dịch tiêm trước, vùng không có dịch tiêm sau.
Nguyễn Triệu