Vì sao các hãng hàng không Việt Nam vẫn bị lỗ hàng trăm tỷ đồng mỗi tháng?
Thông tin tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2022 của Bộ Giao thông Vận tải tổ chức sáng 28/6, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng cho biết, mặc dù vận tải hàng không nội địa đã phục hồi hoàn toàn, thậm chí tăng trưởng hơn trước thời điểm dịch COVID-19 xuất hiện năm 2019, nhưng do thị trường hàng không quốc tế phục hồi chậm, đặc biệt là những thị trường trọng điểm của các hãng hàng không Việt Nam nên các hãng vẫn còn rất khó khăn.
Cũng theo Cục trưởng Đinh Việt Thắng, dù dòng tiền đã được giải quyết nhưng hiện tại giá nhiên liệu tăng cao nên các hãng hàng không Việt Nam vẫn lỗ hàng trăm tỷ đồng mỗi tháng.
“Chi phí nhiên liệu của các hãng hàng không hiện chiếm 40-50% trong tổng chi phí chung, nên dù có tăng trưởng doanh thu, vẫn không đủ chi phí. Do đó, Cục Hàng không Việt Nam đề nghị Chính phủ tiếp tục có chính sách hỗ trợ ngành hàng không trong việc giảm thuế, phí. Đặc biệt là nới lỏng giá trần vé máy bay để các hãng hàng không có thể linh hoạt giá vé bù đắp chi phí”, ông Đinh Việt Thắng cho hay.
Tại hội nghị, ông Trịnh Hồng Quang, Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines kiến nghị Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải cho phép các hãng hàng không được thu phụ phí xăng dầu vào giá vé để giảm khó khăn cho các hãng hàng không.
Về thị trường hàng không Việt Nam 6 tháng đầu năm, ông Vũ Hồng Quang, Phó Phòng Vận tải (Cục Hàng không Việt Nam) thông tin, trong 6 tháng đầu năm đã có hơn 2,37 triệu lượt khách quốc tế trên các chuyến bay đi/đến Việt Nam. Lượng khách quốc tế đã tăng dần, liên tục theo thời gian với ban đầu là 103,5 nghìn khách trong tháng 1/2022; 127 nghìn khách trong tháng 2; 224,6 nghìn khách trong tháng 3; 445,7 nghìn khách trong tháng 4; 650 nghìn khách trong tháng 5 và ước đạt 826 nghìn khách trong tháng 6/2022.
Tính đến cuối tháng 6/2022, thị trường hàng không quốc tế có hơn 30 hãng hãng không nước ngoài và 4 hãng hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways và Pacific Airlines) khai thác 96 đường bay quốc tế kết nối Việt Nam với 21 quốc gia/vùng lãnh thổ là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Bắc (Trung Hoa), Hongkong (Trung Quốc), Singapore, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Lào, Philippines, Australia, Đức, Pháp, Anh, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ...; trong đó, các hãng hàng không Việt Nam đã khai thác 68 đường bay quốc tế đến 16 quốc gia/vùng lãnh thổ.
Các thị trường hiện tại đã và đang được các hãng hàng không Việt Nam và nước ngoài từng bước tiếp tục triển khai tăng tần suất, mở lại/mở mới các đường bay như thị trường Ấn Độ. Cục Hàng không Việt Nam đánh giá, Ấn Độ được coi là một thị trường mới đầy tiềm năng của du lịch Việt Nam. Vietjet Air, Vietnam Airlines của Việt Nam và IndiGo, Spice Jet của Ấn Độ đã khai thác trở lại đường bay giữa Việt Nam và Ấn Độ.
Đặc biệt, Vietjet Air đã được cấp quyền vận chuyển hàng không để khai thác mới hơn 20 đường bay từ các điểm tại Việt Nam là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Phú Quốc tới các điểm mới tại Ấn Độ là Bangalore, Hyderabad, Ahmedabad, Chennai, Kolkata, Gaya đồng thời tăng tần suất khai thác đến Delhi và Mumbai để khai thác ngay từ tháng 7/2022.
Trong khi đó, thị trường Singapore đã được các hãng hàng không Việt Nam và Singapore từng bước tăng tần suất trên các đường bay giữa Singapore và Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đồng thời mở mới đường bay kết nối Đà Nẵng và Nha Trang trong tháng 5 và 6/2022;
Đối với thị trường Hàn Quốc ngoài việc tăng tần suất trên các đường bay giữa Seoul và Hà Nội/TP Hồ Chí Minh thì các hãng hàng không Hàn Quốc như Air Seoul, Air Busan, Korean Air cũng như Việt Nam là Vietjet Air đã từng bước khai thác trở lại các đường bay giữa Việt Nam và Busan cũng như giữa Hàn Quốc và Đà Nẵng, Nha Trang trong từ tháng 6/2022.
Thị trường Malaysia sẽ có thêm hoạt động khai thác của Vietjet Air trên 3 đường bay mới từ Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang đến Kuala Lumpur từ tháng 7/2022. Đặc biệt, Chính phủ Trung Quốc đang từng bước mở cửa cho các chuyến bay chở khách vào Trung Quốc, bước đầu Vietnam Airlines đã có 2 chuyến bay/ tuần được chở khách đi lại giữa hai nước.
Đối với các thị trường trọng điểm là Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Bắc (Trung Hoa), Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng cho hay, trong thời gian tới, Cục sẽ làm việc với các nhà chức trách của từng nước để sớm phục hồi hoàn toàn các đường bay đi, đến các thị trường này. Hiện các thị trường này vẫn còn áp dụng chính sách kiểm soát dịch bệnh COVID-19 nghiêm ngặt; trong đó có Hàn Quốc và Trung Quốc. Hiện thị trường Trung Quốc các hãng hàng không của hai nước mới chỉ khai thác tối đa 2 chuyến bay/tuần.
Đối với thị trường nội địa, ông Vũ Hồng Quang, Phó Phòng Vận tải thông tin, 6 hãng hàng không Việt Nam hiện đang khai thác trung bình từ 55-60 đường bay nội địa nối Hà Nội, Đà Nẵng và Tp. Hồ Chí Minh với 19 sân bay địa phương theo hệ thống mạng đường bay trục-nan, liên vùng, nội vùng rộng khắp toàn quốc. Việc dỡ bỏ các hạn chế liên quan đến công tác phòng chống dịch COVID-19 trong vận chuyển hàng không nội địa được triển khai từ cuối tháng 12/2021 cùng với nhu cầu du lịch nội địa bùng nổ sau khi bị kìm nén trong thời gian dài thực hiện giãn cách xã hội đã tạo điều kiện cho thị trường hàng không nội địa phục hồi nhanh chóng, kết quả vận chuyển tăng dần qua các tháng đầu năm 2022.
“Tiềm năng và nhu cầu rất lớn của thị trường nội địa thực sự là cơ hội để các hãng hàng không khai thác, tận dụng và phát tiển hoạt động của mình trong các năm tới. Trong quý II/2022, sản lượng vận chuyển khách nội địa liên tục tăng từ 10-15% qua từng tháng cũng như tăng gần 30% so với cùng thời điểm các tháng hè 2019 (thời điểm trước dịch COVID-19)”, Cục Hàng không Việt Nam nhìn nhận.
Cục Hàng không Việt Nam đánh giá, với sự hồi phục của các đường bay cũng như các chính sách thu hút khách du lịch quốc tế, sản lượng vận chuyển khách quốc tế 6 tháng đầu năm 2022 đã đạt 2,37 triệu lượt khách quốc tế, góp phần đạt lượng khách thông qua các cảng hàng không, sân bay của Việt Nam đạt 43,35 triệu lượt hành khách tăng 65,5% so với 6 tháng đầu năm 2021 nhưng giảm 24,6% so với 6 tháng đầu năm 2019 (quốc tế giảm 88,3%; nội địa tăng 10,5%). Thị phần vận chuyển quốc tế của các hãng hàng không Việt Nam đạt 38,2% về hành khách và 12,8% về hàng hóa.
Theo đánh giá của Hiệp hội các hãng hàng không quốc tế (IATA) tại báo cáo mới nhất, IATA dự kiến sẽ có 4 tỷ hành khách đi lại bằng đường hàng không vào năm 2024, tăng 3% so năm 2019 là năm trước đại dịch COVID-19. Đối với hoạt động vận tải hàng không quốc tế, mức độ hồi phục sẽ chậm hơn so với nội địa, chủ yếu phụ thuộc vào việc nới lỏng dần hoặc xóa bỏ các hạn chế đi lại ở nhiều thị trường.
Đối với vận chuyển nội địa, IATA dự báo sự hồi phục sẽ đến sớm, theo đó so với năm 2019, lượng khách nội địa sẽ đạt 93% vào năm 2022, 103% vào năm 2023, 111% vào năm 2024 và 118% vào năm 2025. Với thị trường quan trọng là Trung Quốc vẫn đang duy trì các biện pháp hạn chế đi lại nên khả năng châu Á - Thái Bình Dương sẽ là khu vực chậm chân trong quá trình phục hồi và dự báo phải đến năm 2024 mới đạt mức 97% so năm 2019.
Đối với Việt Nam, với việc Chính phủ đã dỡ bỏ các hạn chế về đi lại nội địa và quốc tế, năm 2022 dự kiến đạt từ 70 – 80 triệu lượt hành khách thông qua các cảng hàng không của Việt Nam, trong đó, khách trên các đường bay quốc tế đạt 8 - 10 triệu lượt hành khách và khách nội địa đạt 60-70 triệu lượt hành khách.