'Năm 2023 đã khó, năm 2024 còn khó hơn?'

Anh Đào 10:08 | 02/01/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Mặc dù nhiều chuyên gia cho rằng thời điểm khó khăn nhất của kinh tế thế giới đã qua nhưng những triển vọng cho năm 2024 vẫn còn khá mịt mù.

"Năm 2023 đã khó, không biết năm 2024 có khó hơn?" - chị Thanh, chủ hộ kinh doanh hàng ăn uống trên phố Tôn Thất Thiệp vừa dọn dẹp vừa lẩm bẩm tự hỏi một mình. Ở bàn ăn phía trong, Lan Anh - chủ shop bán quần áo online ngồi cùng nhóm bạn than doanh thu những tháng cuối năm 2023 giảm rõ rệt so với cuối năm 2023, dù đó là giai đoạn cao điểm mùa mua sắm đón Giáng sinh và năm mới.

Ảnh minh họa: AP.

Kinh tế đã đi qua năm 2023 đầy khó khăn, từ chuỗi ngày nhà máy vắng đơn hàng, lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giảm, công nhân thất nghiệp nhiều nửa đầu năm đến những tín hiệu tích cực gần đây khi một số lĩnh vực bắt đầu phục hồi.

Năm 2023, tăng trưởng GDP Việt Nam đạt 5,05%, chỉ cao hơn tốc độ tăng 2,87% và 2,55% của các năm 2020 và 2021 trong giai đoạn 2011-2023, tuy nhiên đặt trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế thế giới, Việt Nam vẫn là một trong số nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng GDP cao.

 

Năm 2024, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng 6 - 6,5%. Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11/2023, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho hay Bộ xác định mục tiêu tăng trưởng 6 - 6,5% năm 2024 là nhiệm vụ khó, mặc dù mức này tương đương với mức bình quân chung mục tiêu đặt ra của cả 5 năm 2021 - 2025. Bởi năm 2024 vẫn còn tiếp tục các khó khăn mà đến nay chưa thể dự báo được. 

Kinh tế thế giới - thời điểm tồi tệ nhất đã qua

Nhìn vào bối cảnh thế giới, hầu hết dự báo của các tổ chức quốc tế cho rằng, kinh tế thế giới đã qua giai đoạn khó khăn nhất.

Trong báo cáo công bố hồi tháng 11/2023, Goldman Sachs cho rằng kinh tế thế giới năm 2024 sẽ vượt kỳ vọng của nhiều người, sản xuất sẽ hồi phục và tác động từ lãi suất tăng cũng dịu bớt. Tăng trưởng kinh tế thế giới được dự báo đạt 2,6%, trong đó tăng trưởng kinh tế Mỹ cũng được kỳ vọng vượt các nước phát triển khác, với tốc độ 2,1%.

Dù nhiều quốc gia vẫn đang duy trì chính sách thắt chặt tài khóa và tiền tệ, GoldmanSachs vẫn tự tin rằng thời điểm tồi tệ nhất "đã qua". Nhiều nền kinh tế sẽ tránh được suy thoái. Với Mỹ - đối tác xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, Goldman Sachs tái khẳng định xác suất suy thoái ở Mỹ chỉ là 15%.

 

 

 

Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích của Chứng khoán MB (MBS) cho rằng điểm cần lưu ý là hiện vẫn còn nhiều bất đồng về dự báo triển vọng kinh tế Mỹ. Dự báo khác nhau sẽ dẫn đến kỳ vọng về động thái của Fed cũng không giống nhau.

Trong khi Goldman Sachs kỳ vọng tăng trưởng kinh tế Mỹ 2024 sẽ mạnh mẽ ở mức 2,1%, gấp đôi con số các nhà kinh tế UBS đưa ra (1,1%).

Về lạm phát, một số ngân hàng cho rằng nó sẽ giảm một nửa, nhưng số khác nghĩ vẫn ổn định, chỉ giảm xuống khoảng 3%, cao hơn mục tiêu của Fed.

 

Thách thức với kinh tế Việt Nam

"Kinh tế Việt Nam năm 2024 có nhiều thuận lợi hơn năm 2023 khi các dự báo đều cho rằng kinh tế thế giới và kinh tế Mỹ đều đã qua giai đoạn khó khăn nhất", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh(Học viện Tài chính) nói khi được hỏi về nhận định kinh tế Việt Nam năm nay.

Ông Thịnh cho rằng bối cảnh quốc tế đang thuận lợi hơn cho Việt Nam, đặc biệt là khi lập trường của Fed trở nên rõ ràng hơn. Trong phiên họp chính sách cuối cùng của năm 2023, cơ quan này phát tín hiệu nới lỏng rõ ràng, mở đường cho việc giảm lãi suất năm tới.

Kinh tế Mỹ cũng được dự báo gần như sẽ tránh được suy thoái dù tốc độ tăng trưởng năm 2024 có thể vẫn chưa cao chủ yếu do tác động của việc lãi suất vẫn neo cao. Trong khi đó kinh tế Trung Quốc được IMF dự báo tăng 4,2% năm 2024, OECD dự báo mức cao hơn là 4,7%.

Cần nhắc lại, Mỹ và Trung Quốc đều là hai đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, vì vậy nếu kinh tế Mỹ hạ cánh mềm và diễn biến kinh tế Trung Quốc không quá xấu, xuất khẩu của Việt Nam sang hai thị trường này có thể hồi phục mạnh trong năm 2024.

Ông đánh giá lo ngại lớn nhất liên quan đến thị trường bất động sản đóng băng dài hơn dự kiến, tuy nhiên Luật Đất đai sửa đổi hy vọng có thể được thông qua vào tháng 1/2024 sẽ phần nào tháo gỡ điểm nghẽn của thị trường bất động sản. Ngoài ra, nền kinh tế cần thời gian để ngấm các chính sách nên có thể kinh tế sẽ phục hồi rõ rệt hơn vào nửa cuối năm 2024.

"Những tín hiệu tích cực từ thị trường bất động sản góp phần khôi phục niềm tin trên thị trường, tác động lan tỏa đến các khu vực khác như tiêu dùng trong nước, đầu tư tư nhân, trong khi đó xuất khẩu năm 2024 được dự báo tăng trưởng dương trở lại", ông nói thêm.

Số liệu mới nhất về thị trường bất động sản quý III/2023 từ Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARs) cho biết, những cơ chế, chính sách thúc đẩy cho thị trường đã bắt đầu có những dấu hiệu thẩm thấu. Lượng giao dịch trên toàn thị trường có xu hướng tăng dần theo thời gian.

Trong báo cáo cập nhật mới đây, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đánh giá sau giai đoạn đối mặt với nhiều khó khăn và thanh khoản giảm mạnh từ nửa sau 2022 và kéo dài đến 6 tháng đầu năm 2023, thị trường bất động sản sơ cấp và thứ cấp đã có sự cải thiện trong nửa sau năm 2023, đặc biệt tại các thành phố cấp I (Hà Nội, TP HCM).

Đơn vị này dẫn số liệu của CBRE cho biết trong quý III/2023, TP HCM có 3.625 căn hộ được mở bán (tăng 189% so với quý trước) trong khi Hà Nội có 3.000 căn mở bán mới (tăng 5% so với quý trước), và tỷ lệ hấp thụ đạt trên 80%.

Thị trường bất động sản gắn với đất (sản phẩm thấp tầng) thì có sự phân hóa, khi TP HCM tiếp tục chưa ghi nhận thêm sản phẩm mới, còn Hà Nội ghi nhận 710 căn mới (tăng 367% so với quý trước, tập trung tại các khu đô thị mới).

Ở thị trường thứ cấp, dựa trên dữ liệu của Viện Kinh tế Xây dựng, sau giai đoạn giảm mạnh từ quý IV/2022, giá bán thứ cấp đã duy trì ổn định trong quý III/2023 (ở cả phân khúc cao tầng và thấp tầng), cho thấy áp lực bán ra từ nhà đầu tư thứ cấp có xu hướng giảm bớt.

 

 

Nhận định thận trọng hơn, nhóm phân tích của MBS bày tỏ lo ngại thị trường bất động sản ảm đạm kéo dài sẽ gây áp lực lên thị trường trái phiếu cũng như nợ xấu của hệ thống ngân hàng. Ước tính giá trị trái phiếu bất động sản đáo hạn trong quý IV/2023 và năm 2024 lần lượt là 12.172 tỷ đồng và 125.305 tỷ đồng, giảm 29% và 5% so với trước khi mua lại.

MBS uớc tính tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp chậm các nghĩa vụ thanh toán vào khoảng 192.000 tỷ đồng, chiếm gần 19% dư nợ  trái phiếu doanh nghiệp hiện nay của toàn thị trường, trong đó nhóm ngành bất động sản tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất khoảng 70% giá trị chậm trả.

 

Các chuyên gia tại đây còn đề cập đến việc gần 70% tài sản thế chấp tại hệ thống ngân hàng là tài sản bất động sản. "Nếu thị trường bất động sản trầm lắng kéo dài hơn, các ngành kinh tế khác chưa kịp lấy lại đà phục hồi, áp lực nợ xấu ngân hàng gia tăng sẽ tạo điểm nghẽn cho tăng trưởng kinh tế 2024", MBS nhận định.

 

Ở góc nhìn quốc tế, Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, ông Andrea Coppola cho biết WB dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 5,5% trong năm 2024 và 6% trong năm 2025.  

Ông đề cập đến một số rủi ro chính cho năm 2024 bao gồm rủi ro địa chính trị, tác động của các cuộc xung đột đối với giá năng lượng, căng thẳng tài chính liên quan đến sự gia tăng lãi suất dài hạn, và hoạt động kinh tế yếu hơn dự kiến ở Trung Quốc.

Trong khi đó, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh hơn vào năm 2024, đạt 6%. Điểm tích cực là chính sách tiền tệ thận trọng và chủ động, được hỗ trợ bởi kiểm soát hiệu quả giá xăng, điện, thực phẩm, chăm sóc sức khỏe và giáo dục, sẽ giúp kiểm soát lạm phát ở mức 4% năm 2024.