Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam: Ghi dấu ấn với bạn bè quốc tế dù dịch bệnh phức tạp
Việt Nam đã chuẩn bị rất tốt, đầy đủ các nội dung, giúp cho các cuộc họp dù diễn ra theo hình thức trực tuyến nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả, đảm bảo nội dung, vẫn giữ được vai trò trung tâm của ASEAN.
Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam đã đi hết chặng đường trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
Trải qua một năm đầy thách thức, với chủ đề “Gắn kết và chủ động thích ứng,” Việt Nam tiếp tục ghi dấu ấn với bạn bè quốc tế, nâng cao uy tín quốc tế thông qua việc tổ chức thành công nhiều hội nghị, sự kiện quan trọng, cao điểm là Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36, 37 và Đại hội đồng liên minh Nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á lần thứ 41 (AIPA-41).
Trong những kết quả đạt được có sự đóng góp quan trọng của công tác bảo đảm hệ thống mạng; an ninh, trật tự, y tế; lễ tân và hỗ trợ báo chí.
Họp trực tuyến - quyết định đột phá
Thực tế kế hoạch họp trực tuyến trong các nước ASEAN đã có từ năm 2005, nhưng khi đó có rất ít cuộc họp theo phương thức này, đa phần là cuộc họp cấp chuyên viên.
Quan điểm của Lãnh đạo Việt Nam và các nước thành viên ASEAN từ trước đến nay vẫn ưu tiên cho các cuộc họp tiếp xúc trực tiếp.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Phiên toàn thể Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 qua hình thức trực tuyến. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Do đó, quyết định chuyển tất cả các cuộc họp của Năm ASEAN 2020 sang hình thức trực tuyến do ảnh hưởng của dịch COVID-19 được cho là một quyết định mang tính đột phá.
Ông Nguyễn Đồng Trung, Trợ lý Vụ trưởng Vụ ASEAN, Bộ Ngoại giao, chia sẻ khi tổ chức họp trực tuyến sẽ xuất hiện hai vấn đề kỹ thuật: đường truyền và phần mềm.
Đường truyền Internet phải đảm bảo để truyền hình ảnh, âm thanh ổn định; trong khi phần mềm họp phải an toàn bảo mật.
Cả hai vấn đề này, nước chủ nhà Việt Nam đã giải quyết tốt. Một số nước như Lào, Campuchia, Myanmar, các doanh nghiệp viễn thông của Việt Nam còn hỗ trợ kéo đường truyền, phần mềm họp trực tuyến.
Đề cập tới phần mềm họp trực tuyến, ông Nguyễn Đồng Trung cho biết rất tự hào khi tất cả các cuộc họp trực tuyến do Việt Nam chủ trì đều sử dụng phần mềm họp “Made in Vietnam” do doanh nghiệp viễn thông Việt Nam phát triển.
Khi đã giải quyết được các vấn đề kỹ thuật, một khó khăn, thách thức lớn mà nước chủ nhà Việt Nam phải đối mặt đó là thuyết phục được các nước thành viên, đối tác và khách mời chấp nhận họp trực tuyến.
Đây là một việc rất khó khi từ trước tới nay, các nước ASEAN rất hiếm họp theo hình thức trực tuyến, đặc biệt là họp cấp cao.
Nhiều nước để lãnh đạo cấp cao tham dự họp trực tuyến, xuất hiện trên màn hình phải đáp ứng các bộ quy tắc riêng của mỗi nước.
“Khi chúng ta quyết định họp cấp cao đặc biệt ASEAN và ASEAN+3 về phòng, chống COVID-19 dưới hình thức trực tuyến, lúc đó chưa có bất kỳ quy tắc, quy chuẩn nào về họp trực tuyến. Một số nước tỏ ra e ngại tham gia. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng đã liên tục có các cuộc làm việc, điện đàm để vận động các nước tham gia. Cho đến thời điểm chỉ còn 3 ngày nữa diễn ra Hội nghị, có nước vẫn chỉ xác nhận chấp nhận tạm thời, chờ quyết định cuối cùng của lãnh đạo cấp cao cũng như phía cơ quan đại diện ở Việt Nam kiểm tra thực tế hệ thống kỹ thuật của phía Việt Nam,” ông Nguyễn Đồng Trung chia sẻ.
Quãng thời gian quyết định họp trực tuyến Hội nghị cấp cao đặc biệt của ASEAN về phòng, chống dịch COVID-19 chỉ trên dưới 10 ngày, với vai trò điều phối các hoạt động chuẩn bị tổ chức Hội nghị, các bộ phận liên quan của phía Việt Nam đã nỗ lực rất lớn. Chỉ với quỹ thời gian rất ngắn, nước chủ nhà Việt Nam đã tạo ra một bộ quy tắc họp, được tất cả các bên tham gia chấp nhận.
Một khó khăn nữa mà ông Nguyễn Đồng Chung chia sẻ, khi tổ chức họp trực tuyến đó là việc thống nhất múi giờ họp. Một số cuộc họp với các đối tác ngoài ASEAN như Hoa Kỳ, Nga, Liên minh châu Âu, phía Việt Nam đã phải có các cuộc đàm phán, dàn xếp, hiệp thương giữa các bên để có sự nhất trí về khung giờ họp.
Ngoài ra, do tiến hành họp trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, một số nước vẫn đang trong tình trạng giới nghiêm, giãn cách xã hội nên việc đạt được thỏa thuận để tạo điều kiện cho quan chức các nước đến nhiệm sở họp và ra về trước giờ giới nghiêm cũng là một thách thức với phía Việt Nam.
Nhìn lại toàn bộ các cuộc họp, hội nghị diễn ra trong năm, mặc dù có những khó khăn, thách thức, song phía Việt Nam đã giải quyết rất tốt và nhận được sự khen ngợi của bạn bè quốc tế.
Bộ trưởng Ngoại giao Lào Saleusay Kommasith đánh giá mặc dù đại dịch COVID-19 khiến các chuyên viên, đại biểu và lãnh đạo các nước không thể gặp nhau trực tiếp, Việt Nam vẫn chuẩn bị rất tốt, rất đầy đủ các nội dung, giúp cho các cuộc họp dù diễn ra theo hình thức trực tuyến nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả, đảm bảo nội dung, mục đích, vẫn giữ được vai trò trung tâm của ASEAN.
Bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn
Ngay khi dịch COVID-19 bùng phát, Thủ tướng Chính phủ quyết định tổ chức các hội nghị ASEAN 2020 bằng hình thức trực tuyến. Đây là nhiệm vụ mới phát sinh nhưng thực sự quan trọng, cấp bách, công tác bảo đảm an ninh-y tế đối diện với những khó khăn, thách thức chưa từng có tiền lệ.
Thượng tướng Bùi Văn Nam, Thứ trưởng Bộ Công an, Trưởng Tiểu ban An ninh-Y tế ASEAN 2020, cho biết trước việc tất cả các hội nghị của năm ASEAN 2020 phải chuyển đổi sang hình thức trực tuyến, phát huy cao độ tinh thần “Gắn kết và chủ động thích ứng,” Bộ Công an-Tiểu ban An ninh-Y tế đã chủ động, kịp thời điều chỉnh công tác bảo đảm an ninh cho các hội nghị, đặc biệt là nhiệm vụ an toàn thông tin phục vụ hội nghị trực tuyến.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020, phát biểu tại Phiên toàn thể Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Bộ Công an đã ban hành Kế hoạch tổng thể 189/KH về bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin phục vụ các hội nghị và Quyết định 8070/QĐ về Quy trình hoạt động ứng cứu sự cố thông tin, tấn công mạng hội nghị trực tuyến.
Bộ Công an đã phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương nỗ lực, trách nhiệm, vượt trên nguy hiểm dịch COVID-19 hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao.
Lực lượng an ninh mạng, phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, lực lượng kỹ thuật nghiệp vụ phát huy vai trò chủ công trên tuyến đầu bảo vệ an ninh mạng, an toàn thông tin đã triển khai hàng chục kế hoạch, phương án, phục vụ tổ chức các hội nghị trực tuyến; kiểm soát, ngăn chặn từ xa nhiều đối tượng khủng bố, nghi khủng bố quốc tế; xử lý, vô hiệu hóa nhiều đối tượng là cơ sở của phản động lưu vong, làm thất bại ý đồ chống phá của các tổ chức phản động trong thời gian diễn các hội nghị, sự kiện.
Tuy các hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tuyến nhưng lực lượng Công an nhân dân đã chủ động triển khai hàng trăm kế hoạch, phương án bảo vệ tuyệt đối an toàn đại biểu, các địa điểm tổ chức hội nghị.
Bộ Công an cũng đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội và các bộ, ngành, địa phương liên quan tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19, phối hợp làm tốt công tác bảo đảm an toàn y tế, chuẩn bị chu đáo các cơ sở vật chất về y tế trước khi tổ chức các hội nghị, tập trung cao điểm là hội nghị cấp cao lần thứ 36, 37, AIPA-41...
Lực lượng Công an cũng đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng Quân đội tăng cường công tác rà soát bom, mìn, vật nổ ở các địa điểm tổ chức các Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36, 37, AIPA-41...; giám sát, quản lý chặt chẽ, chủ động phát hiện kịp thời, phối hợp xử lý thiết bị bay không người lái, chế áp thông tin không để xâm phạm khu vực diễn ra các hội nghị.
Việc đảm bảo tuyệt đối an ninh, an toàn, phục vụ tổ chức thành công nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN lần thứ hai, đã góp phần củng cố vị thế, nâng cao vai trò của Việt Nam trong khu vực, trên trường quốc tế, để lại nhiều dấu ấn, hình đẹp trong lòng nhân dân và bạn bè quốc tế.
Trọng thị công tác lễ tân, báo chí; chưa có tiền lệ
Ông Mai Phước Dũng, Cục trưởng Cục Lễ tân nhà nước (Bộ Ngoại giao) chia sẻ: “Công tác lễ tân cho năm ASEAN 2020 hoàn toàn khác biệt. Có thể nói, "lính" làm lễ tân "nhàn" hơn trong nhiều khâu, giảm áp lực trong nhiều công đoạn chuẩn bị và sự may mắn luôn song hành để mỗi sự kiện đến trong niềm hứng khởi và kết thúc trong sự trọn vẹn. Đặc biệt, với mỗi kỳ hội nghị quan trọng, dịch COVID-19 ở Việt Nam đều được kiểm soát tốt.”
Được mệnh danh là “nhạc trưởng lễ tân” nhà nước tại các sự kiện đối ngoại quan trọng, ông Mai Phước Dũng cho biết để chuẩn bị cho năm ASEAN 2020, sau khi thành lập Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020 (năm 2019), Tiểu ban lễ tân đã tiến hành một loạt các hoạt động chuẩn bị lễ tân cho các hội nghị diễn ra theo hình thức trực tiếp.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại phiên khai mạc Đại hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 41 (AIPA 41). (Ảnh: TTXVN)
Khi dịch COVID-19 bùng phát, Việt Nam đã phải lùi Hội nghị Cấp cao ASEAN 36 sang tháng 6, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM) sang tháng 9, trong khi Hội nghị Cấp cao ASEAN 37 giữ đúng lịch trình. Và đặc biệt, tất cả các hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến.
Như vậy, mọi kế hoạch, phương án lễ tân cho các hội nghị trực tiếp không còn cơ hội thực hiện trên thực tế. Nhiều mảng, trong đó có những mảng thậm chí rất quan trọng đã được lược bớt, như đón, tiễn đoàn tại sân bay; bố trí xe cộ đi lại; tiệc chiêu đãi, tặng phẩm, in ấn tài liệu, dịch thuật...
Tuy nhiên, bớt khâu này lại nặng khâu khác. Công tác bố trí cờ, phông vẫn cần được đảm bảo, nhằm thể hiện sự trang trọng cũng như không khí của sự kiện.
Theo Cục trưởng Cục Lễ tân nhà nước, áp lực lớn nhất trong các kỳ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần này với ông Dũng và đồng nghiệp là công tác chuẩn bị cho lễ khai mạc ở các Hội nghị Cấp cao ASEAN cũng như Lễ bế mạc tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 37, những sự kiện này vẫn cần phải chuẩn bị như diễn ra hội nghị trực tiếp, tuy rằng lượng khách quốc tế ít hơn. Bên cạnh đó, do các hội nghị diễn ra trực tuyến nên thời gian hội nghị rất chuẩn xác.
Với những chuẩn bị chu đáo, chuyên nghiệp của đội ngũ lễ tân Việt Nam, mặc dù diễn ra trực tuyến song các nhà Lãnh đạo, đại biểu tham dự đều có chung một cảm nhận trực tuyến mà như trực tiếp, qua những hình ảnh sống động, đậm chất ASEAN ở điểm cầu Việt Nam.
Chúc mừng Việt Nam đã đạt được những bước thành công trong công tác tổ chức Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 cũng như cả năm Chủ tịch ASEAN 2020, Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam Elsbeth Akkerman cho rằng Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN trong bối cảnh vô cùng phức tạp.
Vượt qua khó khăn, thử thách, công tác chuẩn bị, khả năng chống chịu cũng như sự linh hoạt khi chuyển hình thức tổ chức từ trực tiếp sang trực tuyến của Việt Nam thực sự là một thành tựu tuyệt vời, xứng đáng được nhận sự khen ngợi của cộng đồng quốc tế, không chỉ từ ASEAN, mà còn từ Liên minh châu Âu (EU), trong đó có Hà Lan.
Cũng giống như lễ tân, công tác báo chí tại Năm ASEAN 2020 cũng diễn ra theo một cách khác biệt so với thông lệ. Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, không có phóng viên nước ngoài nào từ bên ngoài vào Việt Nam, do đó để cung cấp thông tin cho phóng viên ở nước ngoài với những tin tức, hình ảnh cập nhật nhất, Ban Tổ chức đã phải sử dụng, phát huy thế mạnh của công nghệ truyền thông mới.
Ngoài việc truyền tải trên website của ASEAN, Ban Tổ chức cũng tận dụng các công cụ mới như mạng xã hội.
Toàn bộ các sự kiện từ khai mạc đến bế mạc, họp báo đều được truyền trực tiếp trên website ASEAN 2020 cũng như các trang mạng xã hội, đồng thời các sự kiện, cuộc họp diễn ra đều được ghi hình, sau đó cung cấp miễn phí cho báo chí trong, ngoài nước.
Một trong những thành công của Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các Hội nghị Cấp cao liên quan đó là sự chuẩn bị chu đáo, kỹ càng về an ninh, hạ tầng công nghệ hiện đại đảm bảo chất lượng đường truyền, hình ảnh, âm thanh thông suốt, ổn định, góp phần củng cố, vai trò của Việt Nam trong Năm Chủ tịch ASEAN 2020.
Phóng viên Phạm Bắc của Thông tấn xã Đức (DPA) đánh giá công tác tổ chức của nước chủ nhà Việt Nam rất tốt, đường truyền Internet nhanh, ổn định. Mọi thứ rất thuận lợi để phóng viên yên tâm tác nghiệp.
Trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, áp lực đối với đội ngũ làm công tác truyền thông cho Hội nghị lớn hơn các lần Hội nghị trước rất nhiều. Bởi ngoài việc đảm bảo cho phóng viên tác nghiệp trực tiếp tại hiện trường, còn phải hỗ trợ phóng viên tường thuật các sự kiện bằng hình thức trực tuyến.
“Ngoài việc bố trí cơ sở vật chất, hậu cần cho phóng viên tác nghiệp ngay tại Hội nghị, có các kịch bản tác nghiệp cụ thể, chúng tôi còn phải cung cấp một cách kịp thời, chất lượng cao nhất thông tin, hình ảnh cho các phóng viên ở bên ngoài Việt Nam theo dõi và đưa tin về sự kiện này,” bà Lê Thị Thu Hằng, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao chia sẻ./.
Theo TTXVN/Vietnam+