Năm vấn đề lưu ý trong Nghị định thư đối với quả dưa hấu tươi xuất khẩu sang Trung Quốc
Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật (Văn phòng SPS Việt Nam) đánh giá, đây là tin vui với nông dân trồng dưa hấu và doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam sang thị trường Trung Quốc; đồng thời cho biết, nội dung của Nghị định thư có năm vấn đề cần lưu ý.
Theo ông Ngô Xuân Nam, một là Nghị định thư đã xác định rõ các yêu cầu về nhập khẩu để nhằm đảm bảo quả dưa hấu tươi của Việt Nam tuân thủ các luật cũng như quy định và các tiêu chuẩn liên quan đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm và yêu cầu kiểm dịch thực vật của Trung Quốc. Từ đó, các vùng trồng cũng như các cơ sở đóng gói của Việt Nam phải tuân thủ các quy định này.
“Như vậy phải lưu ý ở điểm này có hai vấn đề phải quan tâm là vệ sinh an toàn thực phẩm và đối tượng kiểm dịch”, ông Ngô Xuân Nam nhấn mạnh.
Nội dung thứ hai cần quan tâm là quả dưa hấu tươi của Việt Nam khi xuất khẩu sang Trung Quốc thì không được nhiễm năm đối tượng kiểm dịch thực vật còn sống mà Trung Quốc quan tâm bao gồm: ba loài ruồi đục quả, một loài rệp và một vi khuẩn.
Khi xuất khẩu dưa hấu tươi vào thị trường Trung Quốc thì sản phẩm không được phép nhiễm các đối tượng kiểm dịch này. Nếu sản phẩm bị nhiễm một trong năm đối tượng trên sẽ vi phạm quy định của thị trường Trung Quốc.
Nội dung thứ ba cần quan tâm là tất cả các vùng trồng, các cơ sở đóng gói dưa hấu tươi xuất khẩu sang Trung Quốc phải được đăng ký và được cả Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn và Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp mã. Vườn trồng phải áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (GAP) và phải đảm bảo giám sát vườn trồng, giám sát quy trình đóng gói.
Nội dung thứ tư là cơ sở đóng gói phải xây dựng được hệ thống truy xuất nguồn gốc để đảm bảo quả dưa hấu tươi xuất sang Trung Quốc là có thể truy xuất được đến vùng trồng đã được cấp mã số. Như vậy, chúng ta phải có sổ hồ sơ, sổ sách ghi chép rõ ràng để phục vụ việc truy xuất nguồn gốc khi mà không may xảy ra sự cố về mất an toàn thực phẩm hoặc vi phạm đối tượng kiểm dịch. Điều này cũng thể hiện sự minh bạch của sản phẩm khi xuất khẩu sang Trung Quốc.
Vấn đề cuối cùng là các lô hàng dưa hấu của Việt Nam được xuất khẩu qua tất cả các cửa khẩu đã được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp phép nhập khẩu trái cây tươi.
“Cần lưu ý là mặc dù có rất nhiều cửa khẩu giáp biên với Trung Quốc nhưng chỉ có một số cửa khẩu được phép nhập khẩu trái cây tươi do hệ thống cơ sở hạ tầng, trang thiết bị kiểm soát biên giới và phải được lấy mẫu kiểm dịch 2%”, ông Ngô Xuân Nam nhấn manh.
Về lộ trình thực hiện, ông Ngô Xuân Nam cho biết, ngay sau khi Nghị định thư có hiệu lực đòi hỏi từ vùng trồng đến cơ sở đóng gói phải chuẩn hóa, tuân thủ theo quy định, yêu cầu của thị trường nhập khẩu. Đây là điều kiện rất thuận lợi cho vùng trồng của Việt Nam, cho người nông dân và hợp tác xã cũng như các cơ sở đóng gói liên quan đến sản phẩm dưa hấu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Thuận lợi vì đây không phải là lần đầu tiên Việt Nam ký Nghị định thư về xuất khẩu trái cây tươi sang thị trường Trung Quốc. Việt Nam đã có nhiều nhiều nghị định thư, ví dụ quả măng cụt, chuối tươi… và gần đây nhất là sầu riêng.
Như vậy, nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã cũng đã làm quen với các quy định này và hiện đang đáp ứng tốt các quy định của thị trường Trung Quốc. Riêng với trái cây tươi, đối tượng kiểm dịch tùy từng sản phẩm có đối tượng kiểm dịch khác nhau, kiểm dịch thực vật là khác nhau. Vì vậy, các vùng trồng, doanh nghiệp Việt Nam phải lưu ý để kiểm soát đúng đối tượng kiểm dịch mà phía Trung Quốc quan tâm để đảm bảo khi xuất khẩu.
Theo ông Ngô Xuân Nam, đây là bước tiến để chuẩn hóa ngành hàng phù hợp với chủ trương của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Không riêng ngành hàng trái cây tươi mà tất cả các ngành hàng nông sản, thực phẩm khi xuất khẩu không chỉ sang thị trường Trung Quốc mà sang các thị trường khác nhau đều được chuẩn hóa.
Chủ trương của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị chuyên môn, các vùng trồng phải từng bước chuẩn hóa ngành hàng để đảm bảo nông sản, thực phẩm Việt Nam khi xuất khẩu đi các thị trường đáp ứng yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm, về kiểm dịch động, thực vật (SPS) để vừa đáp ứng tốt yêu cầu về pháp lý, vừa đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng, ông Ngô Xuân Nam cho hay./.