Nắm vững quy định để thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường EU​

Bích Hồng 19:00 | 01/12/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Ngày 1/12, Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (SPS Việt Nam) và Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức hội nghị “Phổ biến cam kết về SPS trong Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA)”.

Theo ông Lê Thanh Hòa, Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, EU là thị trường lớn nhưng những quy định của thị trường này chủ yếu tập trung về an toàn thực phẩm, không liên quan gì đến việc phải đánh giá rủi ro, mở cửa thị trường như Nhật Bản, Mỹ, Australia… Tuy nhiên, yêu cầu của EU là phải đáp ứng được các yêu cầu về mức ô nhiễm vi sinh vật, mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. 

Ngoài ra, việc sản phẩm gắn với yếu tố môi trường, phát triển bền vững, việc không sử dụng lao động trẻ em… hay chứng nhận trên là điều kiện kiên quyết, họ sẵn sàng mua sản phẩm cao hơn 25% nếu doanh nghiệp có các chứng nhận này.

Để đáp ứng các quy định của EU đòi hỏi doanh nghiệp phải đáp ứng nhiều rào cản về kỹ thuật, đặc biệt khi EU vừa qua tăng mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tối đa với một số nhiều nông sản. Vừa qua, EU cũng có một số cảnh báo liên quan đến vi phạm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật với một số mặt hàng rau quả của Việt Nam 

Văn phòng SPS nhận thấy, mặc dù có vi phạm về mức dư lượng nhưng lượng hàng hóa xuất khẩu vào EU thời gian qua đã tăng lên gấp từ 4-5 lần. Việc vi phạm khó tránh khỏi, nhưng để làm tốt hơn các đơn vị chuyên môn, địa phương cần có hướng dẫn cụ thể hơn để nông dân sản, doanh nghiệp xuất đáp ứng tốt hơn các quy định của thị trường EU.

Ông Nguyễn Mạnh Hiểu, Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch cho biết, EU đang nhập khẩu 35 tỷ Euro/năm rau quả toàn cầu. Việt Nam đứng thứ 27 trong số các nước  xuất khẩu rau quả vào EU với thị phần khiêm tốn 1%. Riêng sản phẩm chanh leo, châu Âu chiếm gần 50% giá trị xuất khẩu sản phẩm này của Việt Nam.

Muốn thâm nhập được vào thị trường EU thì phải có sản phẩm tốt, công nghệ bảo quản, vận chuyển tốt; kiểm soát mã vùng trồng tốt.  EU quan tâm tới sản xuất theo GlobalGAP và việc vận hành sản xất GlobalGAP rất khó với bà con nông dân. Không chỉ trong sản xuất, quy trình thu hái, sơ chế, đóng gói, bảo quản, xử lý kiểm dịch cho đến xuất khẩu phải được kiếm soát chặt chẽ; xưởng sơ chế đảm bảo được tiêu chuẩn EU. 

Theo ông Nguyễn Mạnh Hiểu, EU kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật chặt chẽ nên sản lượng để xuất khẩu chiếm tỷ trọng thấp. Nhưng đây là thị trường lớn, đầy tiềm năng cho rau quả Việt Nam.

Ông Nguyễn Đắc Bình Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển vùng, Bộ Khoa học Công nghệ lưu ý, nhà sản xuất cần tìm hiểu rõ yêu cầu truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm; quy trình liên quan để phát triển yêu cầu phát triển thị trường. Châu Âu yêu cầu lớn truy xuất sản phẩm hàng hoá. Sản xuất hàng hóa phải có tiêu chuẩn, quy chuẩn, số lượng đủ lớn mới thành hàng hóa.

Để thích ứng với các quy định của EU, ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho rằng, đơn vị sản xuất phải thay đổi nhận thức về an toàn thực phẩm và nâng cao chất lượng hàng nông sản; nâng cao trình độ chuyên môn cho các đối tượng có liên quan. 

“Khi xuất khẩu vào EU bắt buộc vào tìm hiểu và thực hiện các quy định của họ. Các quy định thay đổi và cập nhật thường xuyên. Điều này, không riêng EU mà các thị trường đều liên tục có sự thay đổi”, ông Ngô Xuân Nam nhấn mạnh.

Bởi vậy, nhà sản xuất và doanh nghiệp cần nắm chắc và chấp hành nghiêm quy định và các hướng dẫn liên quan về mã số vùng trồng, bao bì, nhãn mác…; hiểu rõ tổ chức bộ máy, quản lý nhà nước liên quan đến SPS; đảm bảo an toàn và chất lượng của sản phẩm đầu ra đúng quy trình canh tác, chế biến, đóng gói,vận chuyển.

Cùng với đó, cơ quan quản lý cũng cần xây dựng các chương trình kiểm tra, giám sát nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, nhà sản xuất đáp ứng tốt hơn các yêu cầu của nhà nhập khẩu.